Học tập đạo đức HCM

Nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh gia súc, gia cầm

Thứ ba - 16/04/2013 19:43
Hơn 1 tháng qua, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tại một số địa phương trong tỉnh diễn biến phức tạp và có nguy cơ lây lan ra diện rộng. Ở TP Hà Tĩnh, mặc dù tình hình vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát, song theo cảnh báo của cơ quan chuyên môn thì khả năng bùng phát dịch là rất cao nếu không có các biện pháp phòng chống quyết liệt...

 

Nỗ lực khống chế dịch

Nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh gia súc, gia cầm

Cán bộ thú y thành phố Hà Tĩnh đóng dấu kiểm dịch gia cầm trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Mặc dù đã nỗ lực triển khai các biện pháp phòng chống, song đàn lợn của gia đình ông Lê Văn Thự (khối 8, phường Hà Huy Tập) vẫn bị lây nhiễm dịch tai xanh. Ngày 9/4, Trung tâm Thú y vùng III đã có thông báo kết quả xét nghiệm 3 mẫu bệnh phẩm lấy từ đàn lợn của ông Thự với kết luận “phát hiện vi-rút tai xanh”.

Trước đó, ngày 6/4, đàn lợn 11 con của ông Thự có hiện tượng bỏ ăn, gia đình đã phối hợp với cơ quan thú y thành phố lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm và tổ chức tiêu hủy.

Ông Trương Tiến Hương – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh cho biết: “Ngay sau khi phát hiện ổ dịch, thành phố đã chỉ đạo cơ quan thú y phối hợp với phường triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch như: phun tiêu độc khử trùng, tiêu hủy số gia cầm, gia súc bị bệnh; tổ chức tiêm các loại vắc-xin tai xanh, tụ huyết trùng và dịch tả lợn trên đàn gia súc toàn phường; nghiêm cấm mua bán, giết mổ lợn trên địa bàn, tăng cường theo dõi, giám sát diễn biến dịch để có biện pháp xử lý kịp thời. Nhờ đó, đến thời điểm này (16/4), trên địa bàn thành phố chưa phát hiện thêm ổ dịch mới nào”.

Trước đó, vào cuối tháng 1, đầu tháng 2, trên địa bàn TP Hà Tĩnh đã có dịch cúm gia cầm xẩy ra tại khối phố 6 (phường Nguyễn Du) và thôn Tiền Tiến (xã Thạch Môn) làm chết và buộc tiêu hủy 845 con gia cầm của 16 hộ dân. UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chức năng kịp thời có các biện pháp triệt để khoanh vùng ổ dịch, nhờ đó, các điểm dịch được dập tắt, không lây lan ra diện rộng.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngay từ đầu năm, UBND thành phố Hà Tĩnh đã có văn bản chỉ đạo các xã, phường triển khai công tác phòng dịch, đồng thời tổ chức các đoàn kiểm tra, nắm chắc tình hình tại các địa phương, đặc biệt là đối với những ổ dịch cũ. Các phòng ban chuyên môn cử cán bộ phối hợp với thú y viên các xã, phường đến từng hộ làm công tác phòng chống dịch bệnh, kết hợp với tuyên truyền các hộ không sử dụng nguồn nước rác, tiêm phòng cho gia súc, gia cầm đúng định kỳ. Đến thời điểm hiện nay, thành phố đã thực hiện công tác tiêm phòng gia súc, gia cầm đợt 1 đạt trên 60% và cấp phát gần 1.500 lít hóa chất tiêu độc khử trùng xuống tận các hộ dân.

Nguy cơ lây nhiễm cao

Là địa bàn trung tâm tỉnh lỵ, mật độ giao thương lớn với hơn 10 tuyến đường chính, TP Hà Tĩnh có nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh từ các vùng khác. Ông Nguyễn Chính Hùng – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi, cho biết: “Do nhu cầu tiêu thụ lớn, thành phố phải nhập các loại thực phẩm từ nơi khác (kể cả thực phẩm đã qua chế biến), các lò mổ trên địa bàn chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu. Bên cạnh đó, các hộ dân vẫn chăn nuôi nhỏ lẻ, một số hộ khác còn tận dụng thức ăn thừa từ các nhà hàng để làm thức ăn cho lợn… Vì vậy, nguy cơ xâm nhiễm, bùng phát dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố luôn ở mức cao”.

Nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh gia súc, gia cầm

...và đóng dấu kiểm dịch trên lợn

Một điều đáng quan tâm đó là hệ thống lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn chưa được xây dựng hoàn chỉnh, tình trạng giết mổ chui vẫn còn xảy ra... là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát. Vừa qua, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thành phố đã lập đoàn kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn. Qua kiểm tra cho thấy, 2/4 cơ sở chưa thực hiện đầy đủ các hồ sơ về môi trường (cơ sở Thạch Đồng, Thạch Hưng).

Hầu hết các cơ sở chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải hoặc có nhưng hoạt động kém hiệu quả; thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và phân gia súc chưa đúng quy trình. Ngoài ra, hiện tại còn có một số lò mổ sử dụng hệ thống nước ngầm không đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn đối với sản phẩm sau khi giết mổ.

“Chúng tôi đã thông báo công khai đến các điểm kinh doanh, giết mổ, khuyến cáo họ không nên nhập lợn từ vùng có dịch. Nếu phát hiện có lợn dịch sẽ tiến hành xử lý cả lô hàng. Tại các điểm giết mổ tự phát, chúng tôi cũng đã phối hợp với địa phương để kiểm soát và nắm bắt hoạt động của họ, nhằm hạn chế đến mức tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch” - ông Hùng, cho biết thêm.

Theo khuyến cáo của ông Hùng, để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm của dịch tai xanh, người dân nên chọn mua các sản phẩm có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y; kiên quyết không giết mổ, sử dụng các loại lợn, thịt lợn nhiễm bệnh hoặc nghi nhiễm.

Với sự chủ động và đồng bộ trong công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, hy vọng TP Hà Tĩnh sẽ kiểm soát tốt tình hình để bảo vệ thành quả người chăn nuôi và đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh cho người dân sinh sống trên địa bàn.

Ông Dương Đăng Ngọc – Trưởng phòng Y tế UBND thành phố:

Dịch tai xanh không chỉ gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho người chăn nuôi mà còn gây ra những hậu quả về mặt xã hội và có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Bởi lợn mắc virut gây bệnh tai xanh sẽ bị suy giảm hệ miễn dịch, dễ mắc thêm các bệnh kế phát như liên cầu khuẩn và từ đó lây sang người qua việc sử dụng các thức ăn từ lợn chưa được nấu chín kỹ hoặc còn sống (như tiết canh, nem chua, nem chạo…).

Địa bàn thành phố tập trung đông dân cư, nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ gia súc, gia cầm lớn, vì vậy, nguy cơ dịch bệnh từ gia súc, gia cầm lây lan sang người cũng rất lớn. Do đó, người dân cần hợp tác với cơ quan chức năng trong việc báo cáo dịch, phát hiện và báo cáo kịp thời các trường hợp bán chạy lợn bệnh, không sử dụng các thức ăn và chế phẩm từ lợn không có nguồn gốc rõ ràng và chưa được chế biến chín.

Bà Đào Thị Liên - Phó phòng Kinh tế UBND thành phố:

Xây dựng các điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung là điều kiện thiết yếu để đảm bảo công tác VSATTP và tránh ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh, nhưng đến nay đang thiếu sự quan tâm đầu tư đúng mức của chính quyền các cấp. Việc bố trí đất đai, hỗ trợ xây dựng các công trình ngoài hàng rào và tập huấn nghiệp vụ trong công tác giết mổ còn hạn chế. Vì vậy, thành phố cần có chính sách hỗ trợ kinh phí để các đơn vị tiếp tục đầu tư các hạng mục công trình phục vụ công tác vệ sinh môi trường đã xuống cấp, đặc biệt là các công trình ngoài hàng rào như hệ thống mương thoát nước kết nối với hệ thống thoát thải thành phố, hỗ trợ xây bể biogas, bể lắng lọc.

Bà Lê Thị Loan - Buôn bán gia cầm tại chợ Bắc Hà:

Qua các phương tiện truyền thông, chúng tôi đã nắm rõ diễn biến và sự nguy hiểm của dịch cúm gia cầm. Là những hộ buôn bán gia cầm uy tín, chúng tôi ý thức được công việc kinh doanh của mình có ảnh hưởng lớn đến công tác phòng chống dịch bệnh nói chung và sức khỏe người tiêu dùng nói riêng. Vì vậy, chúng tôi chỉ mua gia cầm tại các cơ sở chăn nuôi uy tín, có nguồn gốc rõ ràng và có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển.

Thanh Hoài - Ngô Tuấn
Theo baohatinh.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập746
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại748,276
  • Tổng lượt truy cập93,125,940
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây