Học tập đạo đức HCM

Thêm một kho kiến thức về VAC

Thứ ba - 16/04/2013 06:17
Với hai cuốn sách: “Những kinh nghiệm hay trong nghề làm vườn” và “Hỏi đáp về kỹ thuật VAC (vườn, ao, chuồng)”, các chuyên gia của Hội Làm vườn Việt Nam đã cung cấp cho hội viên và nông dân những kiến thức vô cùng phong phú về nghề vườn, kinh nghiệm cũng như kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc nhiều loại cây - con. Đây có thể coi là cuốn cẩm nang quý cho những ai muốn lập nghiệp, làm giàu bằng nghề vườn và mô hình kinh tế VAC.

Nếu bạn muốn biết cách thiết kế một vườn cây ăn quả khoa học hay kinh nghiệm bón phân, chiết cành, thậm chí là những vấn đề chi tiết hơn như kinh nghiệm cho cây ra quả trái vụ, bị ruồi đục trái, cách bảo quản hoa quả tươi lâu,… đều có thể tìm thấy trong cuốn“Những kinh nghiệm hay trong nghề làm vườn” do GS.TS. Ngô Thế Dân, Phó chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam và GS.TSKH Hà Minh Trung biên soạn. Với 104 câu hỏi và trả lời được trình bày một cách khoa học và bài bản, cuốn sách mở ra cho nhà vườn, nông dân những kiến thức từ tổng quát đến cụ thể về nghề vườn, những bệnh thường gặp ở cây ăn trái, các loại cây trồng phù hợp với từng vùng sinh thái. Ví dụ, trung du miền núi phía Bắc là vùng cây ăn quả á nhiệt đới (nhãn, xoài, vải, chuối, dứa) và cây ăn quả ôn đới chịu lạnh thấp (mận Tam hoa, đào, lê, mắc coọc, hồng giòn…); Đồng bằng sông Hồng là vùng cây ăn quả á nhiệt đới và loại cây tiêu biểu của vùng này là nhãn, vải, ngoài ra còn có hồng xiêm, cam, quýt, bưởi, khế, táo; vùng duyên hải Bắc Trung Bộ mang tính chất á nhiệt đới nên vừa có thể trồng cây ăn quả có múi, nhãn, vải, đu đủ, mít,… vừa có thể trồng mận, đào, hồng ở một số vùng núi cao phía Tây Thanh Hóa, Nghệ An; trong khi đó, duyên hải Nam Trung Bộ là vùng cây ăn quả nhiệt đới nên phù hợp với xoài, chanh;… miền Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ đều là vùng cây ăn quả nhiệt đới.

Nhưng có lẽ kiến thức thu hút và được bà con quan tâm nhất là kinh nghiệm thực tế của chính các nhà vườn đúc rút trong quá trình sản xuất. Những kinh nghiệm ấy bà con đều rất dễ áp dụng, ví như phương pháp đặt bẫy dụ côn trùng của anh Trương Nuôi ở Tân An, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ - Quảng Ngãi). Theo đó, trong vườn quýt nhà anh Nuôi trên mỗi cây đều treo một can nhựa 5 lít, phía trên miệng khoét rỗng, trong đó bỏ thuốc diệt ruồi trộn với mật đường để nhử các loại côn trùng như ruồi đục trái, nhện, bọ xít,... Côn trùng ngửi thấy mùi mật sẽ bay vào và rớt xuống thuốc chết. Nhờ đó, quýt của anh có chất lượng, mẫu mã đẹp. Hay kinh nghiệm trồng chuyên canh cam sành theo cách mới của nông dân Đồng bằng sông Cửu Long cũng đáng để bà con tham khảo, học tập. Theo ông Nguyễn Văn Đực ở ấp Mỹ Yên, xã Tân Mỹ (Trà Ôn – Vĩnh Long), để đạt năng suất cao, khâu thiết kế vườn, kỹ thuật chăm sóc rất quan trọng. Khi mới lên liếp lập vườn, ông đắp đê bao xung quanh không để nước dâng lên cao hơn so với mặt liếp. Trồng cây với mật độ thưa, tránh hiện tượng cây giao tán nhau. Trước khi đặt cây xuống phải bón lót cho cây từ 5 - 10kg phân chuồng hoặc phân hữu cơ hoai mục, kết hợp bón phân đa vi lượng. Năm đầu, ông vun xới gốc liên tục để cho đất tơi xốp, phun thuốc phòng trị sâu vẽ bùa và rầy chổng cánh mỗi khi cây ra tược non hoặc đâm chồi mới. Khoảng tháng 7 hàng năm là ông xử lý cho ra hoa nghịch vụ. 

Ngoài ra, trong cuốn sách này, nông dân, hội viên còn có thể tìm thấy những kinh nghiệm tưởng như đơn giản nhưng có thể giúp tăng năng suất, chất lượng cây ăn trái như: biện pháp xử lý khi hồng rụng quả non nhiều; kinh nghiệm để mít cho nhiều quả, khế ngọt ra quả quanh năm; rấm chuối tiêu để chín đúng dịp Tết Nguyên đán; cách phòng trừ sâu bệnh cho na; kinh nghiệm “cải lão hoàn đồng” cho cây đu đủ,… Theo GS.TS.Ngô Thế Dân, tất cả những kiến thức trong cuốn sách đều được trình bày một cách dễ hiểu, ngắn gọn, súc tích để bà con dễ hiểu, dễ áp dụng.

Với 2 tập, cuốn “Hỏi đáp về kỹ thuật VAC (vườn, ao, chuồng)” do GS.TS.Ngô Thế Dân, GS.TSKH Hà Minh Trung, TS.Đỗ Văn Hòa tập hợp 123 câu hỏi và trả lời về kỹ thuật trồng cây làm thuốc, hoa - cây cảnh, kỹ thuật nuôi một số thủy - đặc sản và động vật quý hiếm; hiệu ứng nhà kính, các khí phát thải và hầm khí biogas. 

Trong phần hỏi đáp về kỹ thuật trồng cây làm thuốc, ngoài việc giới thiệu các cây thuốc quý, sự phân bố của chúng trên các vùng sinh thái ở Việt Nam, nhóm tác giả còn giới thiệu cách chọn giống, trồng, chế biến một số cây thuốc quý như tam thất, actisô, bạch truật, đỗ trọng, địa hoàng (sinh địa), đương quy Nhật Bản, xuyên khung, thảo quả, ngưu tất. Cũng như vậy, cuốn sách giới thiệu rất tỉ mỉ, chi tiết đặc tính sinh trưởng, cách phòng trừ sâu bệnh, thời vụ trồng, chăm sóc, thu hoạch các loại hoa như lay ơn, cúc, đồng tiền, loa kèn, đào, hồng môn. Phần hỏi đáp về kỹ thuật nuôi một số thủy – đặc sản và động vật quý hiếm giới thiệu các loại giống, quy trình nuôi, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho ba ba, dê, cừu, nhím, nai, hươu,…một cách rất chi tiết, bài bản.

Điều đặc biệt ở hai cuốn sách này là luôn hướng hội viên và nông dân đến quy trình sản xuất an toàn, thân thiện với môi trường. Vì vậy, quy trình sản xuất theo GAP, xây dựng hầm biogas cũng được giới thiệu đầy đủ. Theo GS.TS Ngô Thế Dân: “Sản xuất theo GAP là xu hướng tất yếu để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm VAC nên việc cung cấp các kiến thức về chương trình này là rất cần thiết bên cạnh việc xây dựng các mô hình mẫu. Chúng tôi mong muốn thông qua hai cuốn sách này, hội viên và nông dân có thể tìm cho mình hướng làm giàu mới, các cán bộ HLV cũng có thể coi đây là một giáo án để triển khai công tác tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật”.

Khánh Nguyên
Nguồn:kinhtenongthon.com.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập496
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại745,382
  • Tổng lượt truy cập93,123,046
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây