Đường vào thung lũng mận Nà Ka những ngày này rất dễ bắt gặp những đoàn xe du lịch nối đuôi nhau vào thăm quan. Theo bà con ở đây, khoảng 5 năm nay, khách du lịch bắt đầu biết tới thung lũng mận Nà Ka - nơi được ví là "thiên đường" mận. Bất kể mùa hoa mận nở, hay mùa mận chín đều đông khách tới thăm quan. Do đó các dịch vụ bắt đầu được chủ vườn mở ra như chụp ảnh mùa hoa (dịp cuối năm, đầu xuân), vào vườn hái mận (tháng 5-6)...
Với giá dịch vụ từ 15.000-20.000 đồng/người, chủ vườn chỉ việc đếm đầu người thu tiền. Vì thế đời sống người trồng mận cũng khấm khá hơn nhờ có thêm thu nhập ngoài cây mận.
Cây mận hậu được trồng tại huyện Mộc Châu từ những năm 1980. Mận được trồng nhiều ở khu vực thị trấn Nông trường và xã Tân Lập. Trong đó, thung lũng Nà Ka (tiểu thu Ba Khen, thị trấn Nông trường Mộc Châu) là nơi trồng nhiều nhất, với hơn 100ha.
Khí hậu thời tiết, đất đai tại Cao nguyên Mộc Châu là những yếu tố thuận lợi cho cây mận sinh trưởng và phát triển, cho ra những trái mận chất lượng, giòn ngon và ít chua hơn so với những khu vực khác.
Hiện nay, tổng diện tích cây mận trên địa bàn huyện Mộc Châu khoảng 2.700ha, sản lượng bình quân 24.000 tấn/năm. Mận đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực giúp người dân nơi đây xóa đói giảm nghèo hiệu quả.
Anh Phạm Pháp Luật, một thương lái chuyên thu mua mận tại thung lũng mận Nà Ka cho biết: Vào mùa mận, mỗi ngày tôi thu mua hàng tấn mận các loại rồi bán lại cho các thương lái, đưa đi tiêu thụ tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh... Hiện giá mận xô tại vườn là 20.000 đồng/kg. Tuy nhiên, những quả mận đẹp, to, giòn ngọt sẽ được lựa riêng.
"Loại mận VIP này thường có giá cao gấp đôi, từ 35.000 - 40.000 đồng/kg. Thậm chí có lúc đắt hàng chúng tôi phải mua vào với giá 50.000 - 60.000 đồng/kg, sau đó đưa đi Hà Nội tiêu thụ. Trung bình mỗi ngày tôi mua 1-3 tấn mận VIP rồi bán lại cho các chủ hàng", anh Luật nói.
"Mùa này, các vườn mận trong thung lũng thu lời chủ yếu từ việc cho khách du lịch vào thưởng thức, trải nghiệm hái mận và bán quả tại chỗ. Ngoài việc thu phí tham quan 20.000 đồng/người lớn, chủ vườn còn bán quả trực tiếp cho khách. Năm nào thời tiết thuận lợi, trung bình mỗi ha mận, bà con có thể thu lãi 200 triệu đồng", anh Luật nói.
Cũng theo anh Luật, 2 năm gần đây mận hậu Mộc Châu không xuất khẩu được sang Trung Quốc nữa, nhưng lại tiêu thụ nội địa nhiều hơn. Phần lớn hàng nhập về được phân loại, đúng thùng rồi đưa đi tiêu thụ tại Hà Nội và các tỉnh phía Nam.
"Mỗi mùa mận, tôi thường thu mua khoảng 30-40 tấn, trừ chi phí còn lãi khoảng 40-50 triệu đồng. Ở thung lũng này, có vườn mận nào đẹp tôi đều thuộc lòng. Ngoài ra, tôi thường trả giá cao hơn các thương lái khác, thường từ 3.000-4.000 đồng/kg, có khi "vui tính" mua chênh cả 10.000 đồng/kg nên bà con rất thích. Cứ có mận to, đẹp là họ gọi tôi", anh Luật vui vẻ nói.
Chị Nguyễn T.Đ, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ, đây là lần đầu tiên chị và gia đình tham gia trải nghiệm việc hái mận và ăn mận tại vườn. Quả mận vừa hái xong nên rất tươi, vẫn còn nguyên lớp phấn trắng ngoài vỏ. Ăn có vị ngọt và ngon hơn các loại mận chị vẫn thường mua trước đây.
Nhờ những chính sách hỗ trợ phát triển cây ăn quả trên đất dốc của Mộc Châu, nhiều năm nay đời sống người trồng mận từng bước cải thiện. Tuy nhiên, những năm gặp thời tiết bất thường, mưa đá nhiều thì các vườn mận cũng bị thất thu.
"Muốn mua mận ngon nhất, đẹp nhất phải đến Ba Khen, Bản Ôn, Tà Lọ... Mận ở đây khác mận Sơn La và các nơi khác bởi quả to, vị hơi chua, không bị đắng, chát… Mã quả cũng mỡ màng, bóng đẹp hơn mận trồng ở các vùng khác", anh Luật thông tin thêm.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã