Học tập đạo đức HCM

Cần cơ chế mới đối với mua tạm trữ lúa

Thứ hai - 11/03/2013 04:42
Là nhân lực chính sản xuất ra hạt lúa, phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng đến thời điểm này, người nông dân vẫn chưa được hưởng lợi nhiều từ hạt lúa. Các chính sách hỗ trợ họ dù đã có nhưng khó đến được tay người thụ hưởng hoặc có đến cũng không trọn vẹn. Đơn cử như mục tiêu làm sao cho nông dân thu lãi từ 30% trở lên cũng khó trở thành hiện thực bởi chi phí đầu vào liên tục leo thang trong khi giá lúa không được cải thiện nhiều.

Khó lãi 30%


Những ngày qua, giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long liên tục tăng bởi các doanh nghiệp triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về mua tạm trữ lúa gạo, lúa chất lượng cao bán ở mức 5.350- 5.400 đồng/kg, lúa thường 5.100 đồng/kg. Nhưng điều đáng nói là không phải nhiều nông dân bán được với mức giá này, bởi ngay từ đầu vụ, họ đã phải bán cho thương lái để trang trải chi phí sản xuất.


Theo tính toán của nông dân, giá thành sản xuất lúa đang ở mức 3.700 - 4.700 đồng/kg. Với giá bán 5.200-5.300 đồng/kg, nhà nông không thể tìm được con số lãi 30% trong vụ đông xuân. Ông Đặng Văn Hiền ở ấp 7, xã Thuận Hưng (Long Mỹ - Hậu Giang) chia sẻ: “Năm nay, tôi tiếp tục sử dụng giống OM 5451 để gieo sạ cho vụ đông xuân, mong muốn bán được giá cao. Thế nhưng, đầu vụ giá lúa không được như kỳ vọng, trong khi các khoản chi phí đầu tư và nhân công lao động đều tăng cao. Vì vậy, tôi quyết định trữ lại để chờ giá”.


Ngoài vấn đề về giá cả thì tình trạng khan hiếm máy gặt đập liên hợp cũng trở thành mối quan tâm lớn của nhiều địa phương vùng ĐBSCL.


Vụ đông xuân 2012 - 2013, toàn tỉnh Hậu Giang xuống giống được hơn 80.000ha. Do nông dân xuống giống tập trung và thu hoạch đồng loạt nên xảy ra tình trạng khan hiếm máy gặt trầm trọng. Trong tổng số 138 máy gặt đập liên hợp mà địa phương có, cộng với lượng máy từ các nơi khác thì cũng chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu, còn lại phải thu hoạch thủ công. Để giải quyết khó khăn, tỉnh Hậu Giang yêu cầu các địa phương khẩn trương phê duyệt danh sách đăng ký của người dân có nhu cầu mua máy gặt đập liên hợp để ngân hàng sớm tiến hành thẩm định thủ tục cho vay mua máy, giảm tổn thất trong quá trình thu hoạch.


Khan hiếm máy gặt dẫn đến giá nhân công thu hoạch lúa cũng đội lên khá cao. Tại huyện Lai Vung (Đồng Tháp), theo anh Cao Minh Hiển, chủ máy gặt đập liên hợp, do khan hiếm máy nên nhiều hộ phải chấp nhận thu hoạch cả ban đêm, lúa bị ướt do sương xuống nhiều, dẫn đến tỷ lệ lúa bị thất thoát lớn. Cũng vì khan hiếm nhân công nên giá thu hoạch lúa tại đây là 350.000 đồng/công; lúa đổ ngã lên đến 400.000 đồng/công. Còn tại Nông trường Cờ Đỏ (TP.Cần Thơ) giá thu hoạch lúa đổ ngã lên tới 500.000 đồng/công, tăng khoảng 5- 10% so với năm trước. 

 

Dự báo thương mại gạo toàn cầu trong năm 2013 ở mức 36,115 triệu tấn, thấp hơn năm 2012 đến 6,22%.


Anh Đặng Văn Tuấn, xã Thạnh Quới (Long Hồ - Vĩnh Long) vừa thu hoạch xong 10 công ruộng cho biết: “Vừa ăn Tết xong, cả nhà lật đật kêu máy gặt, nhưng không có. Sợ lúa chín rục ngoài đồng nên nhận cọc chừng nào thu hoạch được thì bán lúa tươi luôn. Giá nhận cọc chỉ 4.300 đồng/kg, cả tuần sau mới kêu được máy, thu hoạch xong thì lúa đã lên 4.600 đồng/kg. Mất tới mấy trăm đồng chớ có ít đâu”.

Cũng tại xã Thạnh Quới, bà Năm Lùng cho biết: “Giá gặt máy là 240.000 đồng/công nhưng do thu hoạch rộ nên kêu máy rất khó. Nhiều ruộng lúa đã tới thời điểm thu hoạch nhưng phải nằm chờ máy, có người không đợi được phải kêu nhân công cắt tay, giá đắt hơn mà phải tìm đỏ mắt”. “Đó là chưa kể phải chạy đôn chạy đáo thuê đường cộ lúa về nhà, tốn thêm tới 10.000 đồng/công. Vậy thì lấy đâu ra lãi”, bà Năm Lùng buồn rầu cho biết thêm.

Theo thống kê, đến nay, vùng ĐBSCL có trên 7.000 máy gặt đập liên hợp, 3.500 máy gặt xếp dãy. Dự kiến đến năm 2015, số lượng máy gặt đập liên hợp toàn vùng tăng lên 15.000 máy, đảm bảo 100% diện tích lúa được thu hoạch bằng máy.

Tuy nhiên, để làm được điều này, nhiều địa phương kiến nghị cần có cơ chế, chính sách thiết thực hơn nữa, tránh những thủ tục phiền hà, khiến nông dân khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi mua sắm máy nông nghiệp.

Đời sống người trồng lúa chưa được cải thiện


Ông Nguyễn Thanh Liêm, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết: Vụ đông xuân 2012 - 2013, toàn tỉnh xuống giống khoảng 64.000ha lúa, năng suất bình quân 7 tấn/ha. Giá lúa đang ở mức 4.600 đồng/kg lúa tươi, lúa khô 5.200-5.300 đồng/kg. Giá thành sản xuất lúa đông xuân ở Vĩnh Long bằng với mức Bộ Tài chính công bố, trừ chi phí, nhà nông khó thu lãi được 30%. Ông Liêm phân tích: “Bình quân 1ha thu 7 tấn lúa tươi, phơi khô còn lại 5,6 tấn lúa khô, với giá 5.200 đồng/kg, tổng thu hơn 29 triệu đồng; trừ chi phí 20,5 triệu đồng, nông dân thu lãi chưa tới 9 triệu đồng/ha sau 4 tháng đầu tư”.

Còn theo ông Huỳnh Văn Thạnh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Lương thực Hậu Giang: “Theo kế hoạch, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phân bổ chỉ tiêu cho công ty là 30.000 tấn lúa, tương đương 15.000 tấn gạo. Thời gian thu mua tạm trữ bắt đầu từ ngày 20/2, kết thúc vào ngày 31/3. Những ngày qua, bình quân mỗi ngày công ty thu mua khoảng 1.150 tấn lúa trong dân. Công ty có 3 xí nghiệp chuyên thu mua lúa, gạo, tập trung chủ yếu ở huyện Long Mỹ và TP.Vị Thanh. Hiện, lúa khô IR 50404 được thu mua với giá 5.000-5.100 đồng/kg, lúa hạt dài 5.200-5.300 đồng/kg, gạo nguyên liệu 6.650- 6.700 đồng/kg. Sau khi hoàn thành chỉ tiêu tạm trữ được phân bổ, công ty sẽ tiếp tục thu mua lúa, gạo theo hướng thương mại, góp phần giải quyết vấn đề đầu ra của hạt lúa nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng lúa hàng hóa tồn đọng trong dân để chia sẻ phần nào gánh nặng với bà con”.

Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Long An đặt câu hỏi: “Những ngày qua, VFA triển khai thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo nhưng giá lúa ngoài thị trường vẫn không biến động lớn. Câu hỏi đặt ra là ai sẽ kiểm soát doanh nghiệp có mua lúa xay xát gạo để tạm trữ hay lấy gạo từ kho nhỏ về kho lớn rồi xuất chứng từ để hưởng chính sách? Nếu việc triển khai thu mua tạm trữ gạo mà giá lúa tăng mạnh thì đây mới là tín hiệu đáng mừng trong việc thực hiện chủ trương, chính sách. Ngoài ra, ngành Công Thương cần phải có trách nhiệm trong việc ký kết hợp đồng xuất khẩu từng chủng loại giống để khuyến cáo nông dân sản xuất, tránh rủi ro trước cơ chế thị trường. Còn nếu vẫn giữ cách làm như hiện nay nông dân trồng giống này, xuất khẩu bán giống khác, đến mùa thu hoạch giảm giá thì đến bao giờ nhà nông mới thoát nghèo, vươn lên làm giàu được”. 

 Nếu vẫn giữ cách làm như hiện nay, nông dân trồng giống này, xuất khẩu bán giống khác, đến mùa thu hoạch giảm giá thì đến bao giờ nhà nông mới thoát nghèo, vươn lên làm giàu được”.


Ông Đức phân tích: “Với giá lúa như hiện nay, 1 gia đình 4 khẩu canh tác 1ha lúa thì thu nhập chỉ khoảng 250.000 đồng/người/tháng, trong khi đó chuẩn hộ nghèo có mức thu nhập 400.000 đồng/người/tháng. Như vậy, nếu xét thu nhập của nông dân có 1ha đất trồng lúa thì phải cấp cho bà con cái “sổ hộ nghèo”. Đã đến lúc ngành Công Thương phải làm sao cho hạt lúa có mức giá xuất khẩu tốt để người trồng lúa có mức thu nhập hợp lý”.

Mua tạm trữ, cần cơ chế mới

Theo báo cáo của Bộ Công Thương và VFA, sau khi triển khai kế hoạch mua tạm trữ lúa tại ĐBSCL, dự kiến cuối tháng 3/2013, các doanh nghiệp sẽ hoàn thành mua 1 triệu tấn gạo theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, vấn đề là thời điểm mua tạm trữ. VFA cho rằng, ở thời điểm ngày 20/2, vùng ĐBSCL mới thu hoạch 15% sản lượng. Điều đó là hoàn toàn không thực tế. Thực tế là vào thời điểm đó, các tỉnh Đồng Tháp, An Giang đã thu hoạch 60% diện tích. Vì sao có sự vênh đến lạ lùng như vậy? Phải chăng mua tạm trữ chậm là do việc cố tình chờ “dội chợ”. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng: “1kg lúa nông dân mất 500 đồng, 1 tấn lúa mất 500.000 đồng, 60% trong tổng số 210.000ha vụ đông xuân thì sẽ thấy thiệt hại của bà con là rất lớn”. Nhưng nghịch lý là thiệt hại của nông dân lại là lợi nhuận của doanh nghiệp thu mua. Thật khó hiểu khi nói là hoạt động trong cơ chế thị trường mà vẫn duy trì cơ chế phân bổ chỉ tiêu cho doanh nghiệp mua tạm trữ, thiếu công khai, không gắn kết với chính quyền địa phương nên xảy ra tình trạng một số doanh nghiệp có năng lực tại địa phương đã không được phân bổ chỉ tiêu mua lúa tạm trữ. Cơ chế này chỉ trao quyền mua và mua vào lúc nào cho một số doanh nghiệp, dẫn đến nông dân bị ép giá. Cơ chế mua tạm trữ lúa vì sao không có tính linh động theo hướng đảm bảo cho nông dân trồng lúa lãi 30% như chủ trương của Chính phủ?

Cách mua tạm trữ như hiện nay không chỉ là doanh nghiệp “ngồi rung đùi” chờ có giá xuất khẩu, chờ lúa của nông dân ứ đọng mới ra tay mua. Doanh nghiệp còn “ngon ăn” khi họ chẳng phải đầu tư gì cho hạ tầng kỹ thuật để tự tạm trữ hoặc nông dân có thể gửi lúa cho doanh nghiệp. Trong khi thực tiễn đòi hỏi phải có lượng hàng hóa tạm trữ là việc làm tất yếu của doanh nghiệp xuất khẩu. Vì nếu doanh nghiệp không đầu tư vùng nguyên liệu, không đầu tư hệ thống sấy lúa, tức là “tay không bắt giặc” thì dù có hợp đồng xuất khẩu cũng khó đảm bảo được số lượng cũng như chất lượng hạt gạo.

Để nâng cao chất lượng sống của người trồng lúa, đảm bảo ngành sản xuất, xuất khẩu gạo phát triển bền vững, vấn đề hài hòa lợi ích nông dân và doanh nghiệp cần có một hệ thống giải pháp căn cơ.

Trần Trọng Triết
Nguồn:kinhtenongthon.com.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập928
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại763,855
  • Tổng lượt truy cập93,141,519
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây