CôngThương - Đó là ý kiến của TS. Võ Trí Thành- Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý trung ương tại Hội thảo “Cơ chế bảo trợ xã hội đối với sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ ở Việt Nam” ngày 18/7 trong khuôn khổ chương trình hợp tác nghiên cứu giữa Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (Việt Nam) và Viện Nghiên cứu phát triển Thái Lan; thực hiện dưới sự tài trợ của Tổ chức Oxfam.
Bà Trần Bình Minh- đại diện nhóm nghiên cứu- cho biết, dựa trên điều tra hộ gia đình nông dân hai tỉnh Vĩnh Long và Hà Tĩnh- nơi sản xuất lúa gạo, một bên tính thương mại cao hơn là Vĩnh Long, một bên là tính thương mại hàng hóa ít hơn, thì có 3 rủi ro của người nông dân hay đối mặt: Đó là thiên tai lũ lụt, ốm đau bệnh tật trong gia đình và biến động của giá cả (đầu ra, đầu vào). Hộ càng nghèo thì mức độ nghiêm trọng càng cao và hoàn cảnh gia đình càng xấu đi.
Trước những rủi ro trên, người nông dân nghèo ở các tỉnh địa phương thường có cách ứng phó mang tính ngắn hạn và khá “long đong”. Cách phản ứng của họ là nếu cú sốc về thiên tai thì tạm phó mặc thiên tai và sẽ không đưa ra biện pháp đối phó. Nếu cú sốc về giá cả thì tìm cách sống qua ngày, chẳng hạn như chấp nhận đi vay từ người thân, bạn bè, các tổ chức tín dụng, hoặc chịu khổ hơn tức là cắt giảm chi tiêu cuộc sống kể cả đầu tư cho sản xuất nông nghiệp. Như vậy, cách làm của người nông dân ngắn hạn, thể hiện bản thân năng lực của họ rất yếu khi chống trọi lại các cú sốc.
Hiện nay, hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam nhiều tầng, nhiều nấc vì thế để đến với người nông dân sản xuất quy mô nhỏ còn rất nhiều hạn chế. Ông Võ Trí Thành cho rằng, mặc dù biết có những hỗ trợ từ phía Nhà nước nhưng cảm nhận chung của người nông dân là trông chờ nhiều vào hỗ trợ.
Theo thống kê của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội thì đa số người dân ở nông thôn chưa tham gia vào bảo hiểm xã hội. Hiện nay, bảo hiểm xã hội có tỷ lệ tham gia thấp khoảng 20%, trong đó khu vực tư nhân chỉ chiếm 2%, bảo hiểm thất nghiệp cũng mới chỉ chiếm 12,21% lực lượng lao động. Bảo hiểm y tế tuy có 57,4% dân số tham gia nhưng chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe còn nghèo nàn. Về trợ giúp xã hội thì đối tượng hưởng trợ cấp còn thấp (chỉ có 1,73% dân số), mức hỗ trợ thấp chỉ bằng ½ mức sống tối thiểu.
Hiện nay, Việt Nam đang tích cực hội nhập với kinh tế thế giới nhưng người nông dân sản xuất quy mô nhỏ vẫn đang loay hoay tìm cách phát triển. Do sản xuất nông nghiệp mang tính thời vụ, chu kỳ rất cao nên cái khó là làm sao hài hòa hòa, làm cho biến động thu nhập của họ gắn với biến động giá cả giảm bớt. Thực tế diễn ra trong nhiều năm là mất mùa nhiều quá người nông dân cũng thiệt mà được mùa quá nhiều cũng thiệt. Bởi theo ông Võ Trí Thành, khả năng đàm phán giá cả củangười nông dân rất yếu, chưa kể thị trường của Việt Nam đang mở cửa với thị trường thế giới, biến động giá cả do thế giới, do các nhà phân phối, các nhà xuất nhập khẩu chi phối, người nông dân không làm chủ.
Theo nhóm nghiên cứu thì khung chính sách đối với hệ thống bảo trợ xã hội, nhất là cho sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ không rõ ràng. Tác động của các chương trình đối với sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ vẫn còn hạn chế cho dù chính sách đã được “đặt trên bàn”. Đặc biệt là chưa có chính sách hay biện pháp bảo trợ hiệu quả cho nông dân để đối phó với rủi ro về kinh tế.
Chính vì thế, để hỗ trợ cho người nông dân phát triển sản xuất, giảm thiểu rủi ro, Nhà nước cũng có nhiều cách hỗ trợ như hỗ trợ chi phí đầu vào hoặc chi phí trong quá trình chi phối. Tuy nhiên, những lợi ích từ hỗ trợ này lại rơi vào doanh nghiệp nhiều. Vì thế, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần hỗ trợ trực tiếp chứ không phải gián tiếp qua các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực trong phân phối, xuất nhập khẩu hoặc sản xuất. Tuy nhiên, việc hỗ trợ trực tiếp đến người nông dân thì còn là cả một câu chuyện dài gắn với cơ chế, quy trình.
Cách hỗ trợ thứ hai về việc giá cả gắn với giảm thiểu rủi ro, ngoài cung cấp thông tin, dự báo, ông Võ Trí Thành cho rằng, cần xây dựng thị trường hàng hóa, tức là bán có kỳ hạn. Qua bán kỳ hạn trước, người ta biết được giá cả từ đó phát triển hệ thống kho bãi, bảo quản trong kho bãi, để lựa chọn thời điểm tốt nhất và có giá cả hợp lý nhất. Đây cũng là cách tốt nhất để làm sao tạm hài hòa hóa thu nhập của người nông dân.
Hỗ trợ thứ ba đó là bảo hiểm nông nghiệp. Hiện nay, bảo hiểm nông nghiệp mới đang trong giai đoạn thí điểm. Theo nhóm nghiên cứu, nếu có bảo hiểm trong nông nghiệp thì công ty bảo hiểm rất ngại vì rủi ro khá lớn. Tuy nhiên, để thực hiện được bảo hiểm nông nghiệp, theo ý kiến của ông Thành, cần kết hợp 3 sự thỏa thuận giữ người nông dân, trách nhiệm và hỗ trợ của Nhà Nước, cơ chế cụ thể làm việc giữa sản xuất nông nghiệp tức là người nông dân với công ty bảo hiểm.
Như vậy, ngoài việc thay đổi hệ thống lưới an sinh xã hội, cũng cần nâng cao năng lực, kỹ năng cho người nông dân nhằm đối phó với rủi ro về thiên tai thông qua vẽ bản đồ rủi ro. Bên cạnh đó, vai trò của các tổ chức địa phương trong việc cung cấp thông tin kịp thời rất cần thiết. Đặc biệt là phối hợp với Nhà nước, tổ chức xã hội, phi chính phủ rất quan trọng nhằm đảm bảo nông dân thu nhập tăng dần một cách đều đặn.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã