Học tập đạo đức HCM

Rũ gánh nặng cho nông dân

Thứ năm - 19/07/2012 19:52
Nông thôn bị bỏ quên vì không còn mang lại cho con người thịnh vượng dồi dào như đã từng được trong quá khứ. Nghiêm trọng hơn là những ngộ nhận về hiệu ứng lan tỏa... của hội nhập.

hi chủ nhiệm uỷ ban Kinh tế của Quốc hội ông Nguyễn Văn Giàu phát biểu với báo chí rằng đầu tư nông nghiệp đã có "bước nhảy vọt rất thần kỳ" từ khi thực hiện nghị quyết 7 của Trung ương về tam nông, thì một đánh giá khác của Uỷ ban thường vụ Quốc hội lại nhận xét đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn 2006 - 2011 mới đáp ứng được 55 - 60% nhu cầu thực tế. Thậm chí tại nhiều tổ thảo luận các đại biểu còn nêu ra việc đầu tư nông thôn chưa tương xứng có thể dẫn đến việc người dân ở khu vực này trở lại chuẩn nghèo.

Cách đây đúng gần 5 năm trước, cũng trả lời báo giới cũng bên lề kỳ họp Quốc hội khóa XII, chủ tịch Hội nông dân Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Cường tỏ ra ưu tư trước những con số thống kê về tình hình: "Nếu là con số chính xác thì 78% hộ nông dân sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp mà nông -lâm nghiệp chỉ tăng trưởng 3,5%, thấp gấp mấy lần so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế đất nước, trong khi trên 70% dân số VN hiện nay vẫn là nông dân. Như vậy, đại bộ phận dân cư vẫn ở khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp nhất".

Ngay trên diễn đàn Quốc hội dịp đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cũng thừa nhận một thực tế đau lòng: "Điều trăn trở nhất là nước ta đứng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu gạo mà vẫn còn hàng trăm ngàn đồng bào quanh năm chỉ được ăn cơm khi ngày lễ, ngày tết và khi bị ốm".

Phát biển của hai quan chức không mới, nhưng nó tạo được sự chú ý của dư luận vì tính chân thực của vấn đề: nông thôn-nông dân chưa bao giờ là một điểm hấp dẫn vốn nếu xét trên phương diện cơ cấu kinh tế.

 

Một lập luận thường được nhấn mạnh: sinh hoạt trong nền kinh tế thị trường, nguồn vốn có xu hướng lưu chuyển đến nơi mà hiệu năng sử dụng của nó là cao nhất. Khi đầu tư vào nông thôn không hiệu quả (do những yếu tố đặc trưng của khu vực này như: nhu cầu xã hội về nông nghiệp đã đạt mức bình ổn, không tạo sự đột phá; lợi nhuận các mặt hàng nông nghiệp không cao; trình độ lao động ở khu vực này còn kém phát triển,..), các nhà quản lý địa phương sẽ ưu tiên cho những công trình, dự án công nghiệp, dịch vụ, vốn mang nhiều tiềm năng lợi nhuận hơn.

Nông thôn bị bỏ quên vì không còn mang lại cho con người thịnh vượng dồi dào như đã từng được trong quá khứ. Nghiêm trọng hơn là những ngộ nhận về hiệu ứng lan tỏa, khi tin rằng hội nhập, tự do hoá thương mại, tham gia WTO có thể phân chia chiếc bánh thịnh vượng một cách đồng đều; khi cả nước cùng giàu, thì nông thôn sẽ hưởng ké.

Thực tiễn phát triển các nước xung quanh ta có vẻ như ngược lại. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố 2005 nghiên cứu 84.000 gia đình ở Trung Quốc đối chiếu với các gia đình sống ở thành thị, sau khi nước này gia nhập WTO (11-12-2001) cho thấy rằng thu nhập 90% các gia đình ở thành thị đều tăng, trong khi các hộ nông thôn mất đi 0,7% so với trước khi Trung Quốc gia nhập WTO, và mức sống của những hộ nghèo nhất tụt 6% vì thu nhập xuống trong khi giá hàng tiêu thụ và các mặt hàng sản phẩm thiết yếu lại tăng vọt.

Và không những chỉ có tác động về mặt kinh tế, mà còn ở vấn đề văn hóa, tinh thần. Không ai tính được hằng năm có bao nhiêu thanh niên bỏ ruộng, bỏ vườn ra thành phố. Họ ra đi xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng trước hết có thể suy đoán phần nhiều vì miếng cơm manh áo.

Trong khi các thành phố đua nhau "bấm còi" vì sức ép dân số lên khoảng không gian ngày càng hạn hẹp, cố gắng dùng nhiều biện pháp hành chính dựng bức tường rào chặn nhập cư, thì nông thôn tiu đìu, ruộng vườn trống trải, quặn mình tiễn từng đứa con thân yêu ra đi.

Tương lai nào cho những chàng trai, cô gái thiếu và yếu từ trình độ văn hoá đến kỹ năng việc làm?

Ai sẽ ngạc nhiên khi biết thông tin địa phương có nhiều cô gái lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc nhất nằm ở khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long?

Và ai sẽ ngạc nhiên khi thấy rằng các tệ nạn xã hội đang diễn ra theo chiều hướng phức tạp tại các khu dân cư mới, vốn dĩ phần lớn là dân nhập cư, những người về pháp lý, lẫn tâm lý có thể xem là thành phần bên lề của xã hội thành thị.

Tam nông đã khởi động như một nỗ lực đáng ghi nhận. Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" với kinh phí hơn 32.000 tỉ đồng cũng đã được phê duyệt và triển khai. Chưa kể đếndự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú có trình độ đại học làm Phó Chủ tịch xã các vùng xâu vùng xa để tăng cường công tác cán bộ. Nhưng quan trọng hơn là một định hướng chung của nông thôn-nông dân trong kế hoạch phát triển, không những đối với những dự án ngắn hạn trước mắt, mà cần đặt vào tổng thể của đề án tái cấu trúc.

Với hàng loạt gánh nặng phát sinh từ cán cân chi tiêu công của chính phủ trong thời gian qua cơ chế "vốn" không còn nhiều không gian. Đột phá về quản lý nông thôn đang cần một cách tiếp cận thể chế mới, mà trong đó vấn đề hạn điền cần được xem xét lại.

Nút thắt hạn điền

Chính sách hạn điền hiện nay đang là "nút thắt" cho phát triển nông nghiệp. Để đối phó với chính sách hạn chế diện tích sử dụng đất nông nghiệp, người dân thường nhờ bà con trong gia đình đứng tên để tránh né thuế vượt hạn điền. Có trường hợp một người nông dân có 500ha ruộng mà trong đó 70-80% là phải nhờ người khác đứng tên. Người dân thì tìm cách "né" luật để mở rộng sản xuất, còn Nhà nước thì gần như "bó tay" trước một bên lý, bên tình.

Bên cạnh đó, vướng mắc về thời hạn sử dụng đất, khiến cho người nông dân không mặn mà với việc mở rộng sản xuất ở diện rộng. Điều này đi ngược lại với ý muốn trong cương lĩnh của Đảng tại Đại hội Đảng lần thứ XI đã nhấn mạnh đặc trưng kinh tế của xã hội XHCN là "có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại" và chính sách "cánh đồng mẫu lớn" hay "tích tụ ruộng đất".

Có nhiều ý kiến còn cho rằng đang có sự đối xử không công bằng giữa các cá thể kinh tế trong nước và nước ngoài. Trong khi nông dân chỉ được sử dụng đất tối đa trong vòng 20 năm theo Luật Đất đai thì nhà đầu tư nước ngoài, theo quy định của Luật Đầu tư, lại được sử dụng đến tận 50 năm.

Dễ dàng nhận thấy rằng nhà nước đang "ôm" toàn bộ đầu tư cho nông nghiệp, trong khi đó đầu tư trực tiếp FDI vào lĩnh vực này chỉ chiếm 1% trong năng ngoái và "ngót nghét" 2.3% FDI cả nước giai đoạn 2000-2010. Con số đó thật là quá ít so với tiềm năng to lớn, chưa được khai phá của ngành nông nghiệp nước nhà.

Chính sách hạn chế diện tích sử dụng đất nông nghiệp được xem là nguyên nhân chính của tình trạng trên. Nếu tính trung bình thì mỗi thửa ruộng của nước ta chỉ có diện tích 0.23 ha, mỗi hộ gia đình chỉ nắm 0.66 ha và với 10 triệu ha đất nông nghiệp trên cả nước có đến 70 triệu triệu thửa đất. Với tình trạng manh mún như hiện tại thì khó lòng người nông dân dám mở rộng sản xuất, xây dựng nông trang.

Cởi bỏ 'nút thắt" hạn điền hay cho thuê đất với diện tích lớn sẽ là "nam châm" thu hút nguồn vốn đầu tư. Doanh nghiệp thì an tâm làm ăn còn ngân sách Nhà nước thì tăng lên nhờ vào thu thuế.

Khẳng định của Bộ trưởng Tài Nguyên-Môi Trường Nguyễn Minh Quang "Nâng thời hạn giao đất lên 50 năm" bên lề phiên thảo luận tình hình kinh tế xã hội tại Quốc hội vừa qua phần nào làm yên lòng nhiều người. Tuy vậy, từ yên lòng đến hoàn toàn thật sự yên tâm chắc chắn còn nhiều bước đi phía trước, mà dự án Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội vào 2013 sẽ còn nhiều điểm phải tìm đồng thuận.

Làm sao "người cày có ruộng" như lời của Bác chính là rũ bỏ gánh nặng cho nông dân-nông thôn, đặt một tay vào chiếc chìa khoá vàng "phát triển bền vững" cho cả nền kinh tế, trên một tầm cao mới...

Tác giả: TRƯƠNG MINH - THUẬN TỪ
nguồn:tuanvietnam.vietnamnet.vn

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập89
  • Hôm nay17,234
  • Tháng hiện tại1,130,202
  • Tổng lượt truy cập92,303,931
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây