Liên tiếp trong 2 năm qua, người nuôi tôm ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL bị điêu đứng vì tình trạng dịch bệnh làm tôm chết hàng loạt. Trong đó, các nhà khoa học xác định thuốc BVTV chính là “nghi can số một” gây ra hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính ở tôm nuôi nước lợ. Thuốc độc do chính người nuôi đổ xuống vuông tôm (để diệt giáp xác) và tồn dư từ những vùng sản xuất nông nghiệp theo nguồn nước vào vuông nuôi đã bức tử con tôm.
Nghi can số một
Đi dọc theo các vùng ven biển chuyên nuôi tôm thuộc các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu… hình ảnh dễ bắt gặp nhất hiện nay là những ao tôm nằm trơ đáy, những chiếc quạt nước vứt ngổn ngang nằm phơi mưa phơi nắng. Chỉ một số ao được thả với mật độ thưa mang tính cầu may. Nhiều hộ muốn thả nuôi lại nhưng không có vốn để tái đầu tư do liên tục bị thua lỗ vì tôm chết. Tại Cà Mau, từ đầu năm đến nay đã có trên 11.000 ha tôm bị chết do dịch bệnh, trong đó có trên 700 ha nuôi tôm công nghiệp. Trong khi các ngành chuyên môn, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác khiến tôm nuôi bị chết hàng loạt thì “nghi can số một” chính là thuốc BVTV.
Thuốc độc do chính người nuôi đổ xuống ao và tồn dư từ môi trường theo nguồn nước vào vuông nuôi đang bức tử con tôm
Huyện Cái Nước, một trong những địa phương có diện tích tôm nuôi bị chết nhiều nhất tỉnh Cà Mau hiện nay. Chúng tôi đã tiếp xúc với các bác nông dân để nghe họ nói về chuyện nuôi tôm vào thời điểm trước đây và bây giờ. Nông dân Nguyễn Văn Bá, người đã nuôi tôm lâu năm ở huyện này cho biết, những năm đầu khi địa phương mới chuyển dịch từ trồng lúa sang nuôi tôm bà con ai cũng hăng hái tham gia. Vì thời điểm đó nuôi vụ nào trúng đậm vụ nấy. Lúc đó được xem là cái thời “vàng son” của nông dân xứ này. Chỉ một hai năm sau khi chuyển dịch sang nuôi tôm hàng trăm ngôi nhà lá dột nát được chuyển thành nhà tường khang trang. Tất cả đều nhờ con tôm mang lại, thế mà giờ nói đến con tôm ai cũng ngán.
Theo nhận định của ông Bá và nhiều người dân ở địa phương này thì chuyện tôm bị chết liên tục rất có thể do nguồn nước hay đất đai bị ô nhiễm nặng. Ông Nguyễn Văn Điệp, một người hàng xóm với ông Bá khẳng định: “Sở dĩ mấy năm đầu tôm trúng liên tục là do thời điểm đó đất đai còn màu mỡ. Vả lại nông dân khi đó không biết sử dụng các loại thuốc BVTV nhiều như hiện nay. Thời gian sau “cơn lốc” thuốc BVTV ồ ạt đổ về, nông dân chúng tôi có biết được hậu quả của nó đâu nên cứ sử dụng trong suốt một thời gian dài. Và bây giờ tôm chết liên tục là hệ quả mà các loại thuốc BVTV mang lại”.
Ngã ngửa
Ông Châu Công Bằng, PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau thông tin, vừa qua các ngành chức năng đã tiến hành nhiều cuộc kiểm tra việc sử dụng thuốc BVTV trong môi trường nuôi trên địa bàn tỉnh thì chỉ phát hiện duy nhất một trường hợp. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp địa phương này trước đó đã khuyến cáo bà con không nên sử dụng các loại thuốc BVTV trong nuôi tôm. Được biết, vừa qua Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II bước đầu đã công bố nguyên nhân tôm chết ở một số tỉnh là do bị hội chứng gan tụy. Chất Cypermethrin tồn tại trong đất và nước là một trong những nguyên nhân chính gây ra nạn tôm chết. Hầu hết nông dân đều “ngã ngửa” khi biết thuốc diệt giáp xác mà mình dùng bấy lâu nay là “sát thủ vô hình” giết chết con tôm vì có chứa hàm lượng Cypermethrin.
Tôm cá bị tận diệt nên người đi chài lưới chỉ toàn được... rác
Theo nhận định của các nhà chuyên môn, việc người dân sử dụng thuốc diệt tạp hay một số sản phẩm khác có chứa Cypermethrin đã khiến cho đất đai bị nhiễm độc do sự tích tụ Cypermethrin qua thời gian dài và nguồn nước nuôi tôm cũng bị ô nhiễm Cypermethrin từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có hoạt động trồng lúa. Theo kết quả phân tích 8 mẫu nước và 13 mẫu bùn lắng lấy từ 2 tỉnh có diện tích tôm nuôi bị thiệt hại nhiều nhất trong năm 2011 là Sóc Trăng và Bạc Liêu của Cục Bảo vệ Thực vật và Viện Môi trường Nông nghiệp, 100% các mẫu nước này đều bị ô nhiễm dư lượng thuốc BVTV Cypermethrin vượt mức cho phép từ 3 - 6 lần. Công bố này đã khiến cho nhiều nông dân phải giật mình.
Tại Kiên Giang, từ đầu năm đến nay các cơ quan chức năng đã ghi nhận được 7.747 ha tôm bị chết do dịch bệnh, trong đó có 207 ha tôm nuôi công nghiệp. Ông Nguyễn Thành Đức, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Kiên Giang cho biết, các địa phương có diện tích tôm nuôi bị thiệt hại nhiều là An Minh (trên 5.000 ha), Vĩnh Thuận (1.046 ha), Gò Quao (894 ha), An Biên (652 ha). Mức độ thiệt hại phổ biến từ 50% đến trên 80%. Vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung của tỉnh thuộc hai huyện Kiên Lương và Giang Thành vốn được đầu tư bài bản, nuôi theo quy trình sạch nhưng năm nay cũng bị thiệt hại rất nặng nề. Ngoài một số diện tích tôm chết được xác định là do bệnh đốm trắng (34,5 ha), hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu (0,5 ha) thì phần lớn vẫn chưa xác định được nguyên nhân. Nếu nguyên nhân tôm chết được xác định là do các hoạt chất có trong thuốc BVTV thì có thể là do nguồn nước bị ô nhiễm khiến những vùng nuôi trồng thủy sản bị vạ lây. Chất độc tồn dư trong sản xuất nông nghiệp, bị nước lũ cuốn trôi ra biển. Sau đó, người nuôi tôm lấy nước biển vào thả nuôi đã khiến tôm bị nhiễm độc và chết.
Theo ông Nguyễn Vân Thanh, Chi cục trưởng Chi cục NTTS Kiên Giang: Diện tích tôm nuôi công nghiệp của tỉnh năm nay rất khó có thể đạt kế hoạch mà ngành đã đề ra do nhiều người nuôi đang rất ngán ngẩm. Tôm chết có nhiều nguyên nhân. Ngoài yếu tố khách quan do yếu tố môi trường thay đổi bất thường, nắng nóng kéo dài kết hợp với mưa trái mùa còn có yếu tố chủ quan của người nuôi như công trình nuôi không đảm bảo kỹ thuật, con giống kém chất lượng, một số hộ nuôi còn sử dụng trực tiếp thuốc BVTV trong ao nuôi, dẫn đến dịch bệnh ngày càng phức tạp. Trong đó thuốc BVTV có chứa hoạt chất Cypermethrin dù đã được khuyến cáo không được sử dụng trong nuôi trồng thủy sản nhưng nông dân vẫn lén lút sử dụng khá phổ biến. Đây chính là hoạt chất đã được các nhà khoa học xác định là một trong những nguyên nhân gây ra hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính ở tôm nuôi nước lợ thời gian qua. “Đã nhiều lần đi kiểm tra chúng tôi đã bắt gặp cảnh tôm nuôi trong ao cứ nhảy ngược lên. Vặn hỏi mãi nông dân mới thú thật là đang sử dụng thuốc BVTV để diệt giáp xác vì giá thành rẻ hơn nhiều so với dây thuốc cá hoặc thuốc chuyên dùng trong nuôi trồng thủy sản”, ông Thanh nói.
Đ.T.CHÁNH – HOÀNG HẠNH
Theo Nông nghiệp Việt Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã