Học tập đạo đức HCM

Gỡ khó cho người nuôi tôm

Thứ ba - 17/07/2012 20:58
Thực hiện thí điểm bảo hiểm tôm theo Quyết định 315/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã hơn một năm, Sóc Trăng có rất ít người nuôi tôm tham gia bảo hiểm.

Khi tôm chết, người mua bảo hiểm lại ngán ngẩm cảnh "ngồi trên đống lửa" để chờ nhận tiền bảo hiểm. Chính quyền địa phương rất muốn gỡ khó cho người nuôi tôm nhưng xem ra còn lúng túng, vì thủ tục đền bù khá phức tạp. Nông dân lẫn chính quyền địa phương đang cần có giải pháp hữu hiệu để kịp thời tháo gỡ.

Sóc Trăng thực hiện thí điểm bảo hiểm tôm tại chín xã thuộc huyện Trần Ðề, Mỹ Xuyên và thị xã Vĩnh Châu. Tính đến đầu tháng 7, Công ty Bảo Việt Sóc Trăng đã bán bảo hiểm cho 31 tổ chức và 1.961 trong số 12.375 hộ với 1.160 ha, tổng doanh thu phí bảo hiểm gần 14 tỷ đồng. Kết quả này cho thấy số hộ tham gia bảo hiểm chẳng thấm vào đâu so nhu cầu thực tế, chỉ đạt gần 16% so tổng số hộ được thống kê trên địa bàn thí điểm bảo hiểm, trong đó chỉ có 20/2.084 hộ cận nghèo tham gia, chiếm chưa tới 1% và 125 trong số 7.931 hộ không thuộc diện hộ nghèo, chiếm chỉ gần 1,6%. Thực tế cho thấy, nhiều người nuôi tôm thiếu vốn thả nuôi do bị thiệt hại nặng nề từ năm trước, dù rất muốn tham gia bảo hiểm nhưng không có vốn đóng góp theo tỷ lệ cho nên đành làm ngơ. Phần lớn những hộ cận nghèo nuôi tôm không tiếp cận được bảo hiểm do không có khả năng đóng 20% phí bảo hiểm.

Từ đầu vụ năm 2012 đến nay, Sóc Trăng thiệt hại hơn 30% diện tích thả nuôi. Diện tích tham gia bảo hiểm bị thiệt hại đang chờ nhận tiền bồi thường hơn 161 ha của 116 hộ, ước tính giá trị bồi thường năm tỷ 220 triệu đồng. Hồ sơ bồi thường đã được tỉnh Sóc Trăng chuyển đến Tổng công ty Bảo Việt xem xét để duyệt chi bồi thường, nhưng thời gian chi trả vẫn bị kéo dài, khiến nhiều hộ điêu đứng do bị thiệt hại tôm. Quá sốt ruột, tỉnh đành trích ngân sách 2 tỷ đồng để tạm ứng bồi thường cho 11 hộ với 31 hồ sơ, giá trị bồi thường hơn 970 triệu đồng nhằm tạo điều kiện cho những hộ này có vốn để sớm tái sản xuất. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Sóc Trăng Nguyễn Văn Khởi cho biết, việc bồi thường cho các hộ tham gia thí điểm bảo hiểm tôm ở Sóc Trăng, tính từ khi bị thiệt hại đến lúc nhận được tiền bồi thường kéo dài khoảng 45 ngày.

Nhiều hộ nuôi tôm than phiền, hiện không còn khả năng thả tôm vì cạn vốn. Bà con chỉ biết trông chờ được nhận tiền bồi thường để thả nuôi cho kịp thời vụ, nhưng thời gian bồi thường quá chậm. Những hộ này "khát" vốn và muốn vay vốn ngân hàng để tái sản xuất, nhưng không thể vay do nợ nần còn chồng chất cho nên đành cắn răng chịu đựng. Nông dân không có tiền tham gia bảo hiểm cộng thêm việc ngán ngại những điều chưa phù hợp trong cơ chế, chính sách thực hiện thí điểm bảo hiểm ở tôm. Chẳng hạn, theo quy định, bảo hiểm chỉ bồi thường đối với các loại bệnh đốm trắng, bệnh đầu vàng, bệnh teo và hoại tử gan tụy ở tôm sú, còn các loại bệnh khác không được bồi thường. Tuy nhiên, phần lớn diện tích tôm chết ở Sóc Trăng là do "hội chứng teo và hoại tử gan tụy" gây ra, nhưng lại chưa tìm rõ nguyên nhân gây bệnh. Cơ quan chức năng không dám xác nhận để làm cơ sở cho dân nhận tiền bồi thường.

Một vướng mắc khác phát sinh từ phía doanh nghiệp bảo hiểm, đó là Công ty Bảo Việt Sóc Trăng chưa được Tổng công ty Bảo Việt hướng dẫn cụ thể về tổ chức hoạt động trong thí điểm bảo hiểm tôm. Hiện, công ty hoạt động chủ yếu mang tính chất kiêm nhiệm, chưa nâng cao được chất lượng hoạt động của cán bộ chuyên trách, của chủ hợp đồng và đại lý trên địa bàn. Thời gian hộ nuôi tôm được bồi thường sớm hay muộn lệ thuộc rất lớn vào việc Tổng công ty Bảo Việt có giao cho Giám đốc Công ty Bảo Việt Sóc Trăng ký chi bồi thường thiệt hại hay không, với mức ký là bao nhiêu. Hiện nay, nhiều hồ sơ yêu cầu nhận bồi thường của hộ nuôi tôm đã hoàn thành ở tỉnh, nhưng phải chuyển lên Tổng công ty chờ ký với thời gian khá dài. Từ đó, người dân thì nóng ruột, còn Công ty Bảo Việt Sóc Trăng lại lúng túng, chậm trễ trong việc bồi thường thiệt hại, gây ảnh hưởng lòng tin của người dân. Việc triển khai thí điểm bảo hiểm tôm còn gặp nhiều khó khăn khác như: Chưa có hướng dẫn quy trình xác định bệnh; chưa hướng dẫn chi phí thu mẫu xét nghiệm xác định dịch bệnh; công tác tuyên truyền còn yếu nên người dân chưa hiểu rõ về chính sách bảo hiểm nông nghiệp...

Ðề góp phần gỡ khó cho hộ nghèo nuôi tôm tham gia bảo hiểm, một số doanh nghiệp tư nhân kinh doanh giống, thức ăn tôm ở Sóc Trăng cho nông dân nghèo mua nợ con giống, thức ăn để thả nuôi kịp thời vụ. Chi nhánh Ngân hàng NN và PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội cùng Công ty Bảo Việt Sóc Trăng hỗ trợ đầu tư vốn cho nông dân nuôi tôm với thỏa thuận khi phát sinh sự cố sẽ được ủy quyền nhận bồi thường. Ðây cũng là một trong những chiếc phao giải cứu cho người nuôi tôm trong thời điểm ngặt nghèo. Nhưng xem ra biện pháp này chỉ là tạm thời, người nuôi tôm đang trông chờ giải pháp căn cơ hơn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Lê Thành Trí cho biết: Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm bảo hiểm tôm của tỉnh đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho hộ cận nghèo như hộ nghèo; sớm ban hành văn bản hướng dẫn xác định bệnh teo và hoại tử gan tụy trên tôm để kịp thời phục vụ thí điểm bảo hiểm; hướng dẫn về tài chính đối với công tác thu mẫu xét nghiệm, xác định bệnh tôm nuôi để bảo đảm quyết toán, kiểm toán. Tỉnh cũng đã kiến nghị ban hành cơ chế cho doanh nghiệp bảo hiểm ký kết hợp đồng đối với đối tượng tham gia bảo hiểm thông qua ngân hàng, người cung cấp các vật tư đầu vào, tạo điều kiện cho người nuôi tôm thiếu vốn tham gia bảo hiểm. Tổng công ty Bảo Việt cần sớm ban hành cơ chế về tổ chức nhân sự, đồng thời phân cấp cho Công ty Bảo Việt Sóc Trăng được duyệt chi bồi thường thiệt hại với mức cụ thể để thực hiện có hiệu quả thí điểm bảo hiểm nông nghiệp. Vừa qua, Bộ Tài chính đã thông báo cấp kinh phí 46 tỷ đồng hỗ trợ bảo hiểm; một tỷ đồng cho chi phí hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm bảo hiểm. Hiện nay, Sở NN và PTNT, Công ty Bảo Việt Sóc Trăng đang lập thủ tục trình UBND tỉnh phê duyệt dự toán kinh phí hoạt động Ban Chỉ đạo. Trong khi chờ hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, UBND tỉnh tạm giao Chi cục Thú y xác định bệnh teo và hoại tử gan tụy ở tôm nuôi bằng phương pháp chẩn đoán lâm sàng, xác nhận bệnh tôm và công bố dịch nhằm kịp thời phục vụ bảo hiểm.

Theo nhandan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập554
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm553
  • Hôm nay54,726
  • Tháng hiện tại185,942
  • Tổng lượt truy cập88,864,276
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây