Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp lần thứ 6 do trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức tại An Giang ngày 13.7 tập trung vào chuyên đề “Liên kết sản xuất lúa theo CĐML”, nhìn lại một năm bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn triển khai xây dựng mô hình này.
Nông dân bớt lo
Ông Nguyễn Văn Cường (ở ấp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) cho biết ông tham gia CĐML với công ty cổ phần Bảo vệ thực vật (BVTV) An Giang đã bốn vụ. Vụ nào ông cũng như bà con trong tổ hợp tác đều được công ty đưa cho giống xác nhận, phân bón, thuốc BVTV ứng trước không tính lãi, sau đó lực lượng kỹ thuật của công ty lặn lội tận ruộng cùng nông dân đến khi thu hoạch, vận chuyển lúa về nhà máy. Ông Cường nói: “Chưa bao giờ làm lúa thấy khoẻ như hai năm nay, đến cái bao đựng lúa cũng khỏi phải lo. Công ty đưa ghe, bốc vác xuống vác lúa về nhà máy sấy khô miễn phí, cho gửi vô kho chờ giá trong 30 ngày. Công ty để cho nông dân muốn bán cho ai thì bán, nhưng mấy vụ rồi thấy giá công ty đưa ra không khi nào thấp hơn lái mua, nên hai vụ rồi, sáng tui gặt, lên coi cân xong là bán lúa nhận tiền ngay trong ngày, mang tiền đi gửi ngân hàng, chắc như bắp”. Một điều ông Cường tâm đắc nữa là cách cư xử rất có tình của công ty, khi ông chưa muốn bán liền, được gửi lúa trong kho 30 ngày miễn phí mà còn được ứng 10% giá trị bán lúa để mang tiền về trả tiền chi tiêu trước trong gia đình.
Ở xã Tuyên Thạnh, huyện Mộc Hoá, tỉnh Long An, vụ đông xuân 2011 – 2012, 224 hộ dân đã đưa 400ha ruộng tham gia CĐML. Công ty Lương thực Long An (thuộc tổng công ty Lương thực miền Nam) phối hợp với các doanh nghiệp ứng lúa giống, phân bón, thuốc BVTV chất lượng tốt với giá thấp hơn ở các đại lý, không tính lãi suất nên xem như bà con không bỏ ra chi phí ban đầu. Khi lúa chín công ty mua cao hơn giá thị trường 50 – 100 đồng/kg lúa. Bà con nhìn nhận rằng làm đúng kỹ thuật canh tác được hướng dẫn, năng suất lúa tươi đạt cao hơn trước, nên thu nhập cao hơn 6 triệu đồng/ha. Trước thực tế một số hộ nông dân gọi hàng xáo bán lúa non lấy tiền trang trải khó khăn hằng ngày, tổng công ty Lương thực miền Nam đề nghị đoàn thể tại địa phương làm cầu nối để khi nông dân gặp khó khăn cấp bách, đột xuất về tiền thì công ty Lương thực Long An có thể cho ứng trước rồi trừ vào tiền mua lúa khi thu hoạch. Cách làm này đảm bảo giữ bền chặt mối liên kết doanh nghiệp với nông dân.
Để đôi bên cùng lợi
Cục Trồng trọt kiến nghị Chính phủ ban hành văn bản bắt buộc doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải xây dựng ít nhất một vùng nguyên liệu, đảm bảo đủ lúa cung ứng cho từ 30 – 50% lượng gạo xuất khẩu trong năm theo hợp đồng, tiến tới nâng con số này lên 50 – 80%. |
Ông Huỳnh Văn Thòn, tổng giám đốc công ty cổ phần BVTV An Giang, tâm sự: khi thực hiện mô hình CĐML, cần làm sao doanh nghiệp được mà nông dân cũng được. Ông cho rằng đừng nên nói nông dân “bẻ kèo” vì vài trường hợp bà con quá nghèo nên tính chi li. Theo ông Thòn, sau một, hai vụ, bà con thấy doanh nghiệp được sự tin tưởng của đa số nông dân, tự bà con sẽ thay đổi suy nghĩ. Những chuyện ứng giống, phân, thuốc không tính lãi suất, phân công kỹ sư bám ruộng với nông dân, chở lúa về sấy giữ, theo ông, là sự phân phối lại lợi nhuận cho nông dân khi cắt bớt các khâu trung gian, giảm chi phí và nhờ sản xuất có kiểm soát chất lượng nên giá bán lúa xuất khẩu cao hơn 15 – 30 USD/tấn. Điều này hợp với đạo lý “ăn đồng, chia đủ” nên tạo ra sự bền vững trong mối liên kết.
Ông Huỳnh Thế Năng, phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cũng khẳng định nông dân đang quan tâm mô hình không ở diện tích lớn, mà họ muốn biết có doanh nghiệp đi theo hay không và có giải quyết được vấn đề đầu ra hay không. Ông Năng cảnh báo: “Cần định nghĩa cho đúng về mô hình sản xuất. Đến lúc không cung ứng được các dịch vụ đầu vào và đảm bảo đầu ra, sẽ lại rơi vào tình trạng thất tín với nông dân”.
Theo cục Trồng trọt, việc hợp tác khép kín từ đầu vào cho đến đầu ra trong CĐML hiện mới có hai công ty thực hiện là Gentraco và BVTV An Giang. Còn lại, phổ biến vẫn là vận động nông dân tham gia, doanh nghiệp cung ứng giống, hợp tác với đơn vị khác cung ứng phân bón, thuốc BVTV cho nông dân, nhưng thiếu vắng đại diện thu mua, tiêu thụ lúa thuộc nhóm 210 doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Ngay cả các công ty lương thực trực thuộc tổng công ty Lương thực miền Nam cũng chưa sốt sắng đầu tư, mua lúa. Khi thị trường xuất khẩu có nhu cầu, họ dựa vào mạng lưới hàng xáo thu gom lúa, gần như không có trách nhiệm với nông dân.
Tại diễn đàn, có thực tế một số địa phương triển khai mô hình mà không có đội ngũ kỹ thuật nông nghiệp nên diện tích không đạt yêu cầu. Có nơi trồng đạt yêu cầu nhưng doanh nghiệp thu mua chậm do không có hệ thống sấy và bảo quản, làm thiệt hại cho nông dân. Có hiện tượng doanh nghiệp lợi dụng niềm tin của nông dân, cung ứng giống, phân bón, thuốc BVTV trả chậm với giá cao hơn giá thị trường, tính lãi suất ngân hàng theo từng thời điểm.
Theo SGTT
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã