Ông Phan Văn Huy, nông dân xã An Bình B, thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp), chuẩn bị tôm giống thả nuôi trong mùa lũ - Ảnh: Thanh Tú |
Khác với mọi năm, năm nay người dân ở hai tỉnh đầu nguồn An Giang và Đồng Tháp rất bình thản không đắp đê, không chuẩn bị gì để chống lũ. Nhiều người quả quyết: “Năm nay chúng tôi sẽ đón lũ chứ không chống nữa”.
Háo hức trước mùa lũ
Năm nay, ngoài tâm lý chung cho rằng năm Thìn bão lụt nên nhiều khả năng sẽ có lũ lớn thì thực tế đã có nhiều chỉ dấu báo hiệu lũ lớn theo kinh nghiệm của nhiều lão nông như: đốt sậy buông lóng dài hơn trung bình hàng năm từ 2-3cm, kiến di cư lên làm tổ trên cây nhiều hơn và ve sầu kêu đông và lớn tiếng hơn so với mọi năm. |
Ông Mai Thành Son, phó chủ tịch UBND xã Long Thắng, cho biết năm nay người dân dự đoán lũ sẽ lớn nên đã mạnh dạn đầu tư để tăng sản lượng gấp 2-3 lần so với năm 2011, tức đạt 30.000-40.000 sản phẩm đánh bắt cá. Bà Trần Thị Diệu ở ấp Long Bình, xã Hòa Long, nói: “Năm rồi tui làm 4.000 chiếc lọp nhưng năm nay làm đến 5.000 chiếc vì tin rằng sẽ có lũ lớn. Năm nào lũ lớn sẽ có nhiều cá tép nên lọp, lờ được tiêu thụ nhiều hơn”.
Xã Long Hậu, huyện Lai Vung là nơi có làng nghề đóng xuồng nổi tiếng cũng đã nhộn nhịp vào vụ. Ông Năm Hồng, người có hơn 20 năm đóng xuồng, cho biết từ mồng 5-5 âm lịch làng nghề này đã bắt đầu ra quân đóng xuồng đón lũ. Mấy ngày qua một số thương lái từ An Giang, Long An, Tiền Giang đã tìm đến đặt hàng. Tuy nhiên, do giá gỗ năm nay tăng cao so với mọi năm nên nhiều hộ dân còn thận trọng, không dám đầu tư tăng sản lượng. Ông Năm Hồng đã chuẩn bị sẵn lượng gỗ để đóng khoảng 250 chiếc xuồng, tăng hơn 50 chiếc so với năm 2011.
Trong khi đó, tại vùng nuôi tôm càng xanh mùa lũ ở hai xã Phú Thành A, Phú Thành B (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) cũng đang rôm rả chuẩn bị con giống. Ông Nguyễn Sĩ Khánh, trưởng trạm thủy sản huyện Tam Nông, cho biết từ hơn hai tháng qua người dân đã chuẩn bị hơn 110 triệu con giống để thả nuôi khi lũ tràn vô ruộng. Phần lớn tôm giống đều phát triển tốt, không bị nhiễm bệnh. Do dự báo năm nay có lũ lớn nên nhiều hộ cho thuê ruộng nuôi tôm cũng “làm giá” khi tăng thêm 10 triệu đồng/ha, nghĩa là muốn thuê ruộng phải bỏ ra tới 30 triệu đồng/ha. Tuy nhiên giá tăng cũng không làm người nuôi tôm chùn bước, ngược lại họ vẫn tìm đất để thuê nuôi tôm vì năm 2011 tôm càng xanh trúng lớn. Theo thống kê của huyện Tam Nông, diện tích nuôi tôm càng xanh mùa lũ sẽ đạt 1.000ha, tăng 200ha so với năm trước.
Ông Phạm Văn Huy ở xã An Bình B, thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) cho biết năm rồi ông chỉ thả nuôi khoảng 2ha tôm càng xanh. Năm nay dự báo lũ lớn nên ông đã chuẩn bị 120.000 con tôm giống để nuôi 3ha. Nhiều người khác cũng đang chuẩn bị làm ăn lớn trong mùa lũ sắp tới.
Mở đê đón lũ vào ruộng lúa
Bà Đỗ Thị Tha Thủy, trưởng Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Thoại Sơn (An Giang), cho biết suốt 12 năm qua huyện đều tổ chức sản xuất lúa vụ ba trong mùa lũ. Tuy nhiên, năm nay dù nông dân yêu cầu duy trì diện tích lúa vụ ba trên 35.000ha nhưng huyện chỉ cho phép gieo sạ 31.000ha trong các tiểu vùng đê bao an toàn. Diện tích còn lại sẵn sàng cho lũ tràn vào để lấy phù sa.
Ông Lê Văn Nưng, phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết chủ trương của tỉnh là nơi nào có đê bao an toàn thì mới sản xuất lúa vụ ba, tức đê phải cao hơn đỉnh lũ năm 2000. Mặt khác, những nơi đã sản xuất lúa liên tục ba năm liền (khoảng 30.000ha) thì kiên quyết xả lũ vào ruộng chứ không sản xuất vụ ba năm nay. “Việc đón lũ để thu nhận phù sa, đồng thời tiêu độc, xả phèn để các vụ sau lúa sẽ tốt hơn, trúng hơn” - ông Nưng giải thích.
Tại Đồng Tháp, chính quyền địa phương cũng chủ trương “mở đê đón lũ vào” chứ không chống lũ như những năm trước. Hàng chục ngàn hecta chuyên sản xuất lúa mùa lũ thuộc huyện Tân Hồng, huyện Hồng Ngự và thị xã Hồng Ngự đang án binh bất động, không còn hình ảnh hối hả đắp đê như trước đây.
Ông Mai Văn Xuyên, phó chủ tịch UBND huyện Tân Hồng, cho biết rút kinh nghiệm từ mùa lũ năm 2011, năm nay huyện đã chủ động vận động người dân không sản xuất lúa vụ ba trong mùa lũ. Thay vào đó, đến khi nào lũ đạt đỉnh thì chủ động bơm tát ra để gieo sạ sớm. Thực hiện phương án này, người dân sẽ được lợi hai chuyện. Thứ nhất là đồng ruộng sẽ được tăng lượng phù sa, rửa độc, xả phèn. Thứ hai là không phải huy động hàng ngàn người và phương tiện thức trắng đêm chống chọi với cảnh vỡ đê như đã từng xảy ra.
Theo ông Nguyễn Văn Hải - người phát ngôn UBND tỉnh Đồng Tháp, chủ trương chung của tỉnh đối với việc sản xuất lúa vụ ba là chỉ làm ở những nơi đảm bảo an toàn. Để thực hiện phương án này, tỉnh Đồng Tháp đã đầu tư 150 tỉ đồng gia cố đê bao ở các huyện hạ nguồn. Những nơi này ít bị tác động của lũ nên làm vụ ba an toàn hơn.
THANH TÚ - QUANG VINH
Nguồn:tuoitre.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã