Việt Nam được biết đến là một nước có lợi thế về nông nghiệp với trên 9 triệu ha đất nông nghiệp, trong đó có hai vùng đồng bằng phì nhiêu là: Vùng ĐBSCL và, đồng bằng sông Hồng. Đây là những vùng trồng lúa được xếp vào loại tốt nhất của thế giới.
Với lợi thế đó, Việt Nam có thể phát triển một nền nông nghiệp hàng hóa mạnh, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và thế giới, có thể làm giàu cho nông dân, làm giàu cho đất nước.
Trong điều kiện kinh tế và xã hội hội ngày một phát triển thì việc nâng cao sản lượng cũng như cải thiện các giống cây trồng… cũng đòi hỏi cao hơn. Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó thì không phải điều dễ dàng và người nông dân do hạn chế về kiến thức cũng như trình độ.
Việt Nam được biết đến là một nước có lợi thế về nông nghiệp với trên 9 triệu ha đất nông nghiệp |
Sự vướng mắc nằm ở chỗ, một số nông dân chỉ làm theo kinh nghiệm, ngại tiếp cận với thông tin, tri thức. Số khác, ham học hỏi, nhưng lại thiếu chỗ, người để hỏi và tìm hiểu. Họ thường tìm đến chủ đại lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hay hỏi hàng xóm…
Thói quen này chứa đựng nhiều rủi ro vì câu trả lời mà nông dân nhận được, thường là không đầy đủ hoặc thiếu chính xác. Thực tế này giải thích một phần hiện tượng, nhưng dịch bệnh cứ lặp đi lặp lại, cứ được mùa thì lại rớt giá, hay cả huyện chặt cây bưởi đi, đổ xô đi trồng cam để rồi ế ẩm.
Anh Thân Văn Tường – Bắc Giang thừa nhận: “Tôi thấy khó nhất của người nông dân là không biết nên nuôi con gì, trồng cây gì vì không có thông tin định hướng được cho mình”.
Nhưng quả thật khi có vướng mắc, nông dân ít có lựa chọn. Sách về khuyến nông thì không đủ, các chuyên gia khuyến nông thì ở xa hoặc hạn chế về trình độ.
Chị Trương Thị Hồng Linh – Quảng Ngãi: “Những lúc vườn cây của gia đình bị bệnh. Tôi chỉ mong được gọi điện đến một chuyên gia thật giỏi để có thể nói cho chuyên gia đó biểu hiện của bệnh và nhờ chuyên gia hướng dẫn tôi cách trị bệnh, cách phòng bệnh cho vụ sau nữa. Chứ như tôi và bà con trong xã, trồng rau, hoa màu không được nhiều mà cứ sâu bệnh thế này thì không thể có lãi”.
“Hãy hỏi để biết” sẽ giải quyết những thắc mắc, vần đề khó khăn trong khi sản xuất. |
Xuất phát từ những nhu cầu thực tiễn đó kênh 3NTV đã xây dựng nên chương trình “Hãy hỏi để biết” được phát sóng trực tiếp vào 20h30’ các tối trong tuần để giải quyết những thắc mắc, vần đề khó khăn trong khi sản xuất.
Khán giả có thể gọi điện thoại đường dây nóng, hoặc gửi e-mail những câu hỏi từ buổi sáng, hoặc liên lạc trực tiếp trong lúc chương trình đang phát sóng để được giải đáp.
Sau đó, với một đội ngũ chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn, chương trình có thể giải đáp gần như mọi vướng mắc của nông dân. Với tính tương tác cao, nông dân có thể hỏi lại các chuyên gia, nếu như họ chưa hài lòng về câu trả lời để hiểu rõ nhất về vần đề.
“Hãy hỏi để biết” là một chương trình được mở rộng trên nền tảng của chương trình “Hỏi đáp trong ngày” trên 3NTV. Sau hơn 2 năm phát sóng, chương trình này đã tư vấn cho hàng chục nghìn nông dân về mọi vấn đề trong đời sống sản xuất và sinh hoạt hàng ngày. Hàng nghìn người trong số đó, đã có thể tự xoay sở, ổn định cuộc sống và nhiều người, đã có thể làm giàu. Chương trình thể hiện đúng bản sắc của kênh 3NTV, đó là sự gần gũi, tin cậy và mộc mạc.
TS Tống Khiêm, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia nhận định: “Thực ra, những chương trình thông tin về nông nghiệp thì có nhiều, nhưng để phổ biến những thông tin đó một cách có hệ thống, đáp ứng ngay lập tức những vướng mắc cụ thể của người dân thì ít có chương trình nào làm được. Tôi nghĩ là “Hãy hỏi để biết” sẽ làm được việc này. Chắc chắn là chương trình cũng có một tác động lớn hơn, đó là thúc đẩy sự liên kết 4 nhà, khi mà những quan tâm của người dân được chuyển đến cho các doanh nghiệp, các nhà khoa học và các cơ quan quản lý nhà nước”.
“Hãy hỏi để biết” – Đúng như tên gọi, chương trình muốn tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành thói quen học hỏi cho nông dân, thói quen giải quyết những vấn đề dựa trên cơ sở của thông tin và tri thức. Đó cũng là cách tiếp cận chung của 3NTV.
Thông điệp của chương trình là : “Hãy nhấc điện thoại, bạn chỉ mất 1 phút nói chuyện – nhưng sẽ tiết kiệm được 1 năm làm việc”./.