Theo kế hoạch, vụ xuân 2013 toàn tỉnh gieo cấy trên diện tích 54.500 ha, trong đó cơ cấu trà xuân trung hợp lý và tăng tối đa diện tích trà xuân muộn. Khác với mọi năm, cơ cấu giống cũng “bó gọn” hơn nhằm hạn chế tình trạng quá nhiều giống, nhiều trà làm phân tán, xẻ lẻ đồng ruộng trong mùa sản xuất với các giống: Xi23, NX30, P6 cho trà xuân trung và RVT, HT1, Nếp 98, VTNA2, TH3-3, Syn6 và Nhị ưu 838 làm “đội quân tinh nhuệ” cho trà xuân muộn. Phải nói rằng, chủ trương chuyển đổi cơ cấu không chỉ là cơ hội lớn để quy hoạch lại đồng ruộng, hình thành những vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa mà đây cũng là một cuộc cải cách về giống lúa lớn nhất từ trước tới nay. Toàn tỉnh có đến 5.500 ha chuyển đổi từ xuân sớm sang các trà lúa khác, đồng nghĩa với nhu cầu về giống mới cho vụ xuân năm nay sẽ tăng lên nhiều lần so với các năm.
Bà con xã Ích Hậu xuống giống trà xuân trung |
Thời điểm này, trà lúa đầu tiên theo cơ cấu, xuân trung đã bắt đầu bước vào thời vụ bắc mạ. Năm nay, các huyện đã chủ động chuẩn bị giống cho vụ xuân khá sớm, một mặt để kịp thời bù số diện tích chuyển đổi của trà xuân sớm, mặt khác là tiên lượng khả năng khan hiếm một số loại giống khi nhu cầu tăng lên. Ông Nguyễn Quang Thọ, Phó chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết: “Tính đến nay, lượng giống mới đăng ký cung ứng của huyện là 173,5 tấn, chiếm 91% diện tích canh tác. Số giống này đã được thanh toán tiền và đưa về tận hộ dân rồi. Với tỷ lệ này, chúng tôi có thể hoàn toàn yên tâm rằng sản xuất vụ xuân sẽ đúng cơ cấu của tỉnh”. Sau Hương Sơn, các huyện như Lộc Hà, Can Lộc, Thạch Hà là những địa phương làm tốt khâu chủ động nguồn giống vụ xuân. Song, tổng lượng giống toàn tỉnh (kể cả từ nguồn mua và nguồn dự trữ Quốc gia hỗ trợ) đạt hơn 1.162 tấn, mới “bén” khoảng hơn 1/3 % lượng nhu cầu. Hầu hết, các địa phương tìm cho mình phương án được cho là an toàn, đó là huy động lượng giống trong dân. Thiết nghĩ, tỷ lệ này liệu có quá chủ quan khi có đến 2/3 lượng giống phải phụ thuộc vào những chiếc chum nhỏ của nông dân. Chưa nói đến thừa hay thiếu, riêng chuyện kiểm chứng loại giống có đúng với cơ cấu hay không nghĩ đến cũng đã “bở hơi tai” rồi!
Cẩm Xuyên là địa phương có diện tích chuyển đổi trà xuân sớm lớn nhất tỉnh, hơn 5400 ha. Để đảm bảo phủ kín 8.819 ha lúa xuân, huyện cần đến 484 tấn giống. Dự tính của huyện là sẽ mua mới 225 tấn giống (46%), còn lại huy động trong dân là 259 tấn (54%). Kế hoạch là thế nhưng đến thời điểm xuống mạ cho trà xuân trung, số giống đăng ký mua của huyện mới “ngấp nghé” 36% (80 tấn). Cứ cho là sẽ mua dần theo khung thời vụ thì việc khan hiếm giống vào giữa và cuối vụ cũng không phải là không thể xảy ra. Hệ lụy khác, hiện nay lượng giống trong nhân dân không chỉ một vài loại và chắc chắn không phải loại nào cũng đúng với kế hoạch cơ cấu. Giả sử không đủ giống sản xuất hoặc rủi ro do thời tiết gây ra, ai bảo đảm người dân sẽ tìm đúng giống cơ cấu cho ruộng nhà?! Chẳng phải ở đâu xa, huyện Kỳ Anh năm nay cơ cấu 35% diện tích cho trà xuân trung và 65% diện tích xuân muộn với các giống chủ lực: Xi23, Xi30 ở trà xuân trung; HT1, KD18, KD đột biến, PC6, Nếp 97, Nếp 98 ở trà xuân muộn. Tổng lượng giống đã cung ứng về trên địa bàn đã đạt 105 tấn từ hỗ trợ từ nguồn giống dự trữ quốc gia, hỗ trợ hộ nghèo và do nhân dân đăng ký mua. Cơ cấu là một chuyện, thực tế đồng ruộng lại là chuyện khác. Chị Hoàng Thị Thiết, thôn 5, xã Kỳ Đồng (Kỳ Anh) cho biết: “Gia đình tôi làm 3 sào thì đều sản xuất giống IR 35366. Không riêng gì ruộng nhà tôi đâu, cả xóm này đều như vậy cả vì giống lúa này phù hợp với vùng, đông xuân năm 2012 năng suất đạt 2,5- 2,7 tạ/ha”. Theo ghi nhận của chúng tôi, để tìm loại giống không thuộc phạm vi cơ cấu IR 35366 trên đồng ruộng Kỳ Anh ở vụ xuân này là điều không hề khó!
Theo ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn trong chuyến công tác kiểm tra tình hình chuẩn bị sản xuất vụ xuân 2013 mới đây thì: Nguyên nhân chính của việc đề án sản xuất “xa rời” với thực tế đó là do công tác chỉ đạo và triển khai đề án sản xuất vụ xuân 2013 ở một số địa phương chưa quyết liệt, còn mang tính hình thức. Lượng giống cung ứng để gieo cấy theo cơ cấu đạt thấp, thậm chí một số địa phương còn chủ quan, cung ứng giống chưa thông qua hợp đồng.
Vấn đề trước mắt là nhất thiết phải đủ giống sản xuất cho vụ xuân, đảm bảo không để diện tích bỏ hoang và quan trọng hơn chính là “lái” bộ giống lúa theo cơ cấu của tỉnh, không để xảy ra tình trạng sử dụng giống tùy tiện trong sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp. Khi thời gian đang ủng hộ, cách tốt nhất các huyện cần rà soát, cân đối lại nhu cầu về giống và sớm có giải pháp chủ động nguồn cung ứng để cùng bà con nông dân làm nên những mùa vàng bội thu.
Nguyễn Oanh
Báo Hà Tĩnh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã