Buông lỏng quản lý Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến tháng 12/2012, cả nước có 664 nông trường, trung tâm, trạm trại, công ty nông nghiệp, lâm nghiệp và ban quản lý rừng, trong đó có 235 nông trường, 167 lâm trường, 262 ban quản lý rừng. Tổng diện tích đất của các NLT đang quản lý, sử dụng là 6.818.093ha, chiếm 94,25%, ngoài ra còn có 75.862ha đất phi nông nghiệp, chiếm 1,11%; đất chưa sử dụng và đất có mặt nước ven biển 315.933 ha, chiếm 4,63%; diện tích đất các NLT trả lại cho địa phương trong quá trình sắp xếp lại là 735.700ha. Ngoài ra, cả nước còn có 82 vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo tồn sinh thái đang quản lý, sử dụng diện tích 1.889.393ha, trong đó diện tích đất rừng đặc dụng là 1.653.581ha, chiếm 87,52%; diện tích rừng phòng hộ 192.283ha, chiếm 10,18%. Hiện, cả nước mới cấp 2.963 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho các NLT, ban quản lý rừng, với diện tích 2.039.777ha, chiếm 29,92% tổng diện tích đất đã giao cho các NLT, ban quản lý rừng. Thực tế cho thấy, việc triển khai cấp sổ đỏ cho NLT tại các địa phương rất chậm, có tới hơn 50% đơn vị với trên 70% diện tích đất chưa được cấp. Một số NLT làm thủ tục đăng ký nhưng không đến lấy sổ đỏ do phải ký hợp đồng thuê đất hoặc mức phí đo đạc quá cao. Theo báo cáo, hiệu quả sử dụng đất của nhiều NLT đã tăng so với trước. Diện tích đất chưa sử dụng giảm đáng kể (trong 5 năm giảm 1,8 triệu hecta), diện tích đất có rừng tăng lên, độ che phủ rừng tăng từ 37,1% lên 37,8%. Tuy nhiên, tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai, cho thuê, cho mượn đất trái pháp luật trong các NLT vẫn diễn ra khá phổ biến. Ông Trần Hồng Phi, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: “Nhìn chung, việc quản lý đất đai vẫn còn nhiều bất cập, cho đến bây giờ chúng tôi vẫn chưa nắm được việc sử dụng đất ở các NLT, con số chưa chuẩn xác. Hệ thống hồ sơ về quản lý đất đai ở nhiều địa phương đến nay vẫn chưa thực hiện được do còn nhiều vướng mắc”. Theo báo cáo kết quả kiểm kê tình hình sử dụng đất của các tổ chức theo Chỉ thị số 31/2007/CT-TTg ngày 14/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ, cả nước có 185 NLT bị lấn chiếm đất đai với diện tích 240.395,92ha; 54 NLT đang có tranh chấp với diện tích 11.116ha. Điều đáng nói là đến nay, hầu như các trường hợp tranh chấp, vi phạm chưa được giải quyết. Nguyên nhân chủ yếu của việc chậm giải quyết là do việc giao đất cho NLT trước đây không cụ thể, chủ yếu giao trên giấy tờ, theo bản đồ tỷ lệ nhỏ có độ chính xác thấp, dẫn đến tình trạng giao trùm lên đất của các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức khác... Việc quản lý đất đai của NLT còn lỏng lẻo. Bên cạnh đó, trong quá trình giao đất, nhiều đơn vị không quản lý được hợp đồng giao khoán, để xảy ra tình trạng chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất nhận khoán làm nhà ở, công trình dịch vụ, gây nên nhiều bức xúc, điển hình là một số NT trên địa bàn Hà Nội. Cần giải pháp mạnh mẽ Trước thực trạng sử dụng đất kém hiệu quả của các NLT, các cấp, ngành đã có nhiều công văn chỉ đạo, kiểm tra; Thủ tướng Chính phủ cũng đã ra nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện việc rà soát, xác định và cắm mốc ranh giới NLT, tuy nhiên, việc thực hiện triển khai khá chậm chạp. Khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại 56 NLT, ban quản lý cho thấy, đến nay vẫn chưa có đơn vị nào thực hiện. Ông Phi cho biết: “Điều cần làm hiện nay là rà soát, đánh giá tổng thể, chi tiết về tình trạng sử dụng đất, trong đó việc quan trọng nhất là điều tra, đo đạc, xác định ranh giới NLT, kiểm tra xem việc tranh chấp ở các địa phương như thế nào. Qua đó, chúng tôi sẽ rút ra phương pháp giải quyết phù hợp nhất”. Ông Phạm Quốc Doanh, Phó trưởng ban chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho hay: “Trong suốt những năm 2000, chúng ta đề ra mục tiêu nhưng vẫn chưa thực hiện được. Một phần do trong suốt thời gian dài, công tác quản lý đất đai chưa chặt chẽ; quá trình hướng dẫn chưa kịp thời, còn lúng túng và thiếu kinh phí; một phần do phân cấp trách nhiệm chưa rõ ràng, lúc thì Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý, lúc thì Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm”. Trước tình hình trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề ra 9 giải pháp, trong đó tập trung chỉ đạo rà soát, đánh giá lại tình hình, thực trạng sử dụng đất của từng NLT để có giải pháp xử lý đúng đắn, sát với thực tế; chuyển đổi NLT tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng chiến lược quốc phòng, vùng đặc biệt khó khăn thành các đơn vị sự nghiệp, đồng thời đánh giá lại hiệu quả của việc cổ phần hóa doanh nghiệp nông, lâm nghiệp để có giải pháp và định hướng trong quá trình tiếp tục thực hiện mô hình này. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có kế hoạch đưa đất đã thu hồi vào sản xuất, không được bỏ hoang hóa; tổ chức chỉ đạo UBND các cấp có thẩm quyền thực hiện việc giao đất, cho thuê đất theo quy định. Đối với diện tích đất NLT đang giao khoán cho hộ gia đình, cá nhân người lao động mà thực hiện đúng hợp đồng, đúng mục đích thì người sử dụng đất tiếp tục được nhận khoán... Kim Đức Nguồn:kinhtenongthon.com.vn | ||
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã