Học tập đạo đức HCM

Bảo vệ đất lúa hay đất sản xuất?

Thứ bảy - 15/12/2012 01:39
Vấn đề bảo vệ 3,8 triệu ha đất lúa đang là chủ đề gây tranh cãi ở các địa phương. Muốn chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, phát triển sản xuất thì không thể giữ nguyên “đất lúa” nhưng nếu dân cải tạo “đất lúa” thành vườn cây ăn quả thì lập tức bị cán bộ phòng TN-MT lập biên bản xử phạt vì vi phạm Nghị định 42.

 

Việc mở rộng sản xuất của nông dân huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đang gặp vướng mắc ở cách hiểu bảo vệ “đất lúa” là đất chỉ được trồng lúa hay bảo vệ đất phục vụ sản xuất nông nghiệp?

Đất “vàng” vùng cây ăn quả

Những năm gần đây, giá đất sản xuất nông nghiệp của huyện Lục Ngạn liên tục tăng vùn vụt. Thị trường bất động sản cả nước đóng băng nhưng thị trường đất sản xuất ở huyện Lục Ngạn lại sôi động chưa từng thấy. Nếu cách đây 3 năm, giá một sào ruộng tốt ở huyện chỉ xấp xỉ 40 triệu đồng thì hiện nay có bỏ ra 100 triệu đồng cũng chưa chắc đã có người muốn bán. Lý do giá đất sản xuất đắt như vàng là vì người dân trong huyện đang “ăn nên, làm ra” từ đất. Chủ vườn đang có 1 mẫu lại muốn phát triển thành 10 mẫu, người có 10 mẫu thì muốn mở rộng lên 100 mẫu.


Mỗi ha cam đường canh tại huyện Lục Ngạn thu lợi 650 triệu đồng

Điển hình là gia đình ông Nguyễn Duy Tuấn, thôn Kim Thạch, xã Thanh Hải, cách đây gần 20 năm khi mới ra ở riêng ông Tuấn được cho có 1 mẫu đất để lập nghiệp, sau nhiều năm không ngừng đầu tư mở rộng đến nay ông Tuấn đã có 130 mẫu đất sản xuất. Trong đó, ông dùng 120 mẫu để trồng cam đường Canh, còn lại 10 mẫu trồng bưởi Diễn. Với diện tích đất sản xuất lớn như vậy nên mỗi năm gia đình ông Tuấn phải thuê tới 10.000 công lao động, mỗi công lao động tương đương 150 ngàn đồng, góp phần đáng kể giải quyết công ăn việc làm cho cư dân địa phương. Bản thân gia đình ông Tuấn, sau khi trừ hết chi phí mỗi năm cũng thu lợi nhuận vài tỉ đồng.

Hiện, trên địa bàn huyện Lục Ngạn những nông dân có khả năng thu lợi 2-3 tỉ đồng/năm không phải là hiếm như gia đình ông Trần Huy Thành, thôn Trường Sinh, xã Tân Quang; ông Bùi Văn Chỉnh, thôn Đồng Quýt, xã Tân Mộc; ông Long, ông Tiến ở Hồng Giang.… Năm 2011, thu nhập của riêng các hộ trồng cam Canh tại thôn Đoàn Kết, xã Tân Quang đã được trên 10 tỷ đồng. Năm nay, xã Tân Quang có sản lượng cam ước đạt 800 tấn với giá đặt mua tại vườn đang là 60.000 đồng/kg, tổng giá trị ước đạt 48 tỉ đồng. Ngoài cây cam đường Canh người dân Lục Ngạn còn trồng rất nhiều cam Vinh, bưởi Diễn, thanh long ruột đỏ, táo Đài Loan…, toàn là những cây có giá trị kinh tế cao. Tính ra trồng 1 ha cây cam đường Canh thu lãi cao hơn 16,6 lần so với cây lúa, 1 ha cam Vinh gấp 9,6 lần so với trồng lúa.

Tổng nguồn thu từ các loại cây ăn quả của huyện năm nay ước đạt trên 1.500 tỉ đồng, trong đó cây cam đường cho thu 138 tỉ đồng, táo Đài Loan 41 tỉ đồng, bưởi Diễn 80 tỉ đồng, cam Vinh 12 tỉ đồng, nhãn, thanh long ruột đỏ trên 7 tỉ đồng và vải được trên 1.000 tỉ đồng. Chính vì vậy người dân liên tục chuyển nhượng đất hoặc liên kết với các hộ để mở rộng diện tích trồng cây ăn quả.

Biến ruộng thành vườn, được không?

Tuy nhiên, tổng diện tích đất nông nghiệp của huyện Lục Ngạn chỉ có 28.000 ha đã sử dụng mất 22.000 ha để trồng cây ăn quả, giờ chỉ còn lại 5.000 ha đất ruộng trồng lúa và gần 1.000 ha trồng màu. Nay nhu cầu của nông dân muốn mở rộng diện tích cây ăn quả thì chỉ còn cách trồng trên đất ruộng và sẽ phải thay đổi cải tạo bề mặt ruộng.


Không nhất thiết khăng khăng phải trồng lúa

Đương nhiên, việc làm này sẽ vấp phải phản ứng mạnh mẽ của những cán bộ ngành Tài nguyên và Môi trường vì Nghị định 42 nghiêm cấm: “Thay đổi mặt bằng của ruộng lúa, làm ruộng lúa không đồng đều về kết cấu, thành phần dinh dưỡng và hệ vi sinh vật dẫn đến không trồng lúa được”. Trên thực tế, người dân cải tạo ruộng thành đất vườn nếu sau này không có nhu cầu thì vẫn có thể tiếp tục quay lại trồng lúa. Nhưng để “chứng minh” điều này cho cán bộ TN-MT hiểu và chấp nhận thì không thể.

 

Vừa qua, tại Hội nghị tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng giá trị kinh tế của cây lúa đem lại không cao, giá trị xuất khẩu lúa chỉ bằng giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc. Hơn nữa, trong tương lai, nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng lên, nhu cầu sử dụng lương thực sẽ giảm xuống vì vậy cần phải xem xét lại chủ trương giữ 3,8 triệu ha đất lúa. Lý giải vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã khẳng định chủ trương giữ đất lúa nhằm hạn chế chuyển đổi đất sản xuất sang mục đích phi nông nghiệp nhưng không có nghĩa là giữ đất chỉ để trồng lúa. Trong quá trình sản xuất, người nông dân trên cả nước có thể linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị kinh tế.

Mà có lẽ cũng không bao giờ xảy ra chuyện ngược đời như thế, bởi từ mấy chục năm nay, huyện Lục Ngạn đã chuyển đổi hàng nghìn ha đất ruộng lúa thành vườn cây ăn quả nhưng có bao giờ người ta nghĩ đến việc quay lại với cây lúa đâu? Trồng cam chỉ một vụ thu lợi bằng 16 năm trồng lúa. Làm 3 vụ cam chắc chắn sẽ bằng một đời người 48 năm trồng lúa. Vậy người dân còn lý do gì để quay lại với cây lúa nữa? Có chăng cũng chỉ chuyển đổi từ trồng vải, nhãn sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn như cam, bưởi mà thôi.

Ông Trương Đức Nhẫn, PGĐ Sở TN-MT tỉnh Bắc Giang cho rằng: “Để hỗ trợ nông dân sản xuất lúa thì Chính phủ đã chuyển 30 tỉ cho tỉnh Bắc Giang vì vậy cần phải giữ đất trồng lúa theo Nghị định 42. Diện tích đất lúa, đất trồng cây ăn quả đã được UBND tỉnh quy hoạch nên không thể tùy tiện chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đất trồng cây ăn quả được. Nếu địa phương có nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì có thể cân đối chuyển đổi từ loại cây ăn quả này sang loại cây ăn quả khác”. Rõ ràng nhu cầu mở rộng sản xuất trồng cây ăn quả của các hộ dân huyện Lục Ngạn đang gặp trở ngại. Bởi vải là thương hiệu, là thế mạnh của huyện Lục Ngạn, không thể phá vải đi để trồng cây ăn quả khác.

Nhưng vải không thể bỏ, lúa cũng không thể bỏ thì dân biết trồng cây ở đâu? Mặt khác, nếu không được phép chuyển đổi ruộng thành vườn cây ăn quả liệu người nông dân có để ruộng hoang? Đây chính là điều mà ông Trần Sĩ Thanh – Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang băn khoăn. Ông Thanh khẳng định Nghị định 42 của Chính phủ là để bảo vệ đất sản xuất nông nghiệp của dân nên cần phải tuân thủ chặt chẽ, hạn chế tối đa việc lấy đi đất lúa vì mục đích phi nông nghiệp. Tư tưởng xuyên suốt của mọi chính sách đều phải phục vụ dân, hợp với lòng dân. Vì vậy nếu chuyển đổi đất lúa để nâng cao hiệu quả kinh tế, nâng cao mức sống của nhân dân thì cũng nên làm nhưng không được phép chuyển đổi tự phát mà huyện phải xây dựng đề án làm rõ chuyển đổi bao nhiêu diện tích cây ăn quả cho từng loại, bổ sung quy hoạch, trình UBND tỉnh.

Kiên Cường
Theo nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập94
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm93
  • Hôm nay21,483
  • Tháng hiện tại180,814
  • Tổng lượt truy cập92,558,478
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây