Nhiều địa phương đang hiểu nội dung Nghị định 42 của Chính phủ là phải giữ cho được 3,8 triệu ha đất lúa, thực tế cách hiểu trên đang là trở ngại cho việc chuyển đổi nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Tôi ghi nhận việc Chính phủ đã cố gắng bảo vệ đất sản xuất, hạn chế tối đa thực trạng chuyển đổi đất nông nghiệp sang mục đích phi nông nghiệp. Tuy nhiên, ở đây cũng cần nhìn nhận thêm ở chỗ có nên giữ 3,8 triệu ha đất trồng lúa hay không?
Việc bảo đảm an ninh lương thực là quan trọng nhưng nếu anh đói muốn tôi trồng lúa gạo thì phải trả giá cao. Các nước trên thế giới muốn Việt Nam giữ trọng trách này sẽ không thể cứ bắt nông dân Việt Nam trồng lúa rồi lại thu mua với giá thấp. Quan điểm của tôi là phải lấy lợi ích của dân làm gốc. Để đảm bảo an ninh lương thực chúng ta chỉ cần giữ một phần diện tích vừa đủ. Còn lại cần chuyển đổi sang trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao.
Chúng ta đang xây dựng NTM và chỉ tiêu quan trọng nhất là nâng cao thu nhập nhưng ở đồng bằng sông Hồng, diện tích đất sản xuất rất nhỏ hẹp thì thử hỏi làm sao mà có thể làm giàu bằng trồng lúa được? Tuy nhiên, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải gắn liền quy hoạch nếu không sẽ lâm vào tình trạng được mùa thì mất giá, được giá lại mất mùa.
Tức là chúng ta chỉ nên quy hoạch và giữ vùng đất chuyên lúa ở đồng bằng sông Cửu Long, còn nên tạo điều kiện để các vùng miền khác được chuyển đổi sang cây trồng giá trị kinh tế cao?
Đúng vậy, giá trị xuất khẩu lúa chỉ bằng giá trị nhập khẩu thức ăn chăn nuôi thì không nên giữ cả 3,8 triệu ha lúa làm gì. Nước Pháp chỉ cần dùng 3% diện tích đất nông nghiệp để trồng nho, chế biến rượu. Giá trị xuất khẩu hàng năm từ sản phẩm rượu vang của Pháp lên tới 6 tỉ USD. Trong khi chúng ta dùng 63% diện tích đất nông nghiệp để trồng lúa nhưng chỉ xuất khẩu được trên 3 tỉ USD.
Hoặc ngay như nước trong khu vực là Thái Lan, khi tôi sang thấy họ trồng những vùng cây me bạt ngàn, tôi hỏi họ trồng me để làm gì thì họ trả lời rất tự hào rằng “nếu chúng tôi không trồng nhiều me như vậy thì lấy đâu ra nguồn cung để cho sản phẩm ô mai me Thái Lan phủ khắp thế giới”. Nghe họ nói, mình cảm thấy xấu hổ. Nước mình có lợi thế về nông nghiệp nhiều, quả sấu, quả trám của Việt Nam ngon hơn quả me của Thái Lan nhưng không ai chế biến. Việt Nam có sản phẩm nông nghiệp nào có giá trị đâu?
Vai trò của Chính phủ trong quy hoạch, hoạch định chính sách, định hướng sản xuất là rất quan trọng nhưng bảo Chính phủ đã làm tốt vai trò của mình chưa thì tôi nghĩ là chưa. Nếu Chính phủ đầu tư chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp, chúng ta sẽ có vô vàn sản phẩm có thể giới thiệu ra thế giới.
Giữ đất sản xuất nông nghiệp là tốt rồi nhưng cần phải mạnh dạn tìm tòi các sản phẩm mới làm sao để trên cùng một diện tích đất nông nghiệp chúng ta sản xuất ra sản phẩm có giá trị cao hơn lúa nhiều lần. Bài toán này phải giao cho các chuyên gia khoa học nông nghiệp, bà con nông dân và các đồng chí lãnh đạo ngành nông nghiệp.
Chúng ta phải học Pháp, học Thái Lan đầu tư vào khoa học công nghệ, đầu tư vào chế biến, quy hoạch những vùng nông nghiệp hàng hóa tạo ra những sản phẩm có chất lượng, được thế giới chấp nhận.
Sản xuất cần gắn liền với quy hoạch nhưng đã có rất nhiều vùng nguyên liệu quy hoạch kèm với nhà máy chế biến mà vẫn không thành công. Ví dụ như ngành mía đường chẳng hạn, đường trong nước không thể xuất khẩu, thậm chí còn bị thua khi cạnh tranh ở thị trường nội địa?
Đây là vấn đề tầm nhìn và năng lực quản lý. Trong liên kết 4 nhà: Nhà nông, nhà khoa học, Nhà nước và doanh nghiệp thì hiện nay ông Nhà nước đảm nhiệm vai trò của mình kém nhất. Chỉ có nhà nông và nhà khoa học là tự tìm đến và gắn kết với nhau, ông doanh nghiệp thì “phập phù” có lợi mới làm.
Việc của Nhà nước là phải tạo ra chính sách để gắn kết các “nhà” với nhau nhưng thực tế thì sao? Có thể lấy thí dụ thế này để hiểu, đề tài khoa học về sản phẩm cam không hạt đã được nghiệm thu, tiền đã tiêu nhưng nông dân VN có làm ra sản phẩm cam không hạt đâu? Chứng tỏ không có chính sách để khoa học và nông nghiệp tiếp cận với nhau. Khoa học mà không được ứng dụng vào sản xuất thì lấy đâu ra sản phẩm năng suất, chất lượng để cung ứng cho thị trường?
Đối với việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ta cũng không thấy hiệu quả từ chính sách của Nhà nước. Thế giới chỉ có vài nước cung ứng dầu mỏ, họ liên kết với nhau để nâng giá dầu lên vậy tại sao chúng ta không liên kết với Thái Lan để nâng giá lương thực?
Để tiêu thụ nông sản tôi nghĩ Chính phủ cần giao nhiệm vụ cho các đại sứ quán, tìm mọi cách để kết nối, tạo mối quan hệ giao thương buôn bán với các nước. Việc này, nhìn sang Thái Lan có thể thấy nước bạn làm rất tốt, rất linh hoạt. Cụ thể Chính phủ Thái Lan vừa kí kết hợp đồng đổi 100 ngàn tấn hoa quả sấy để lấy xe bọc thép của Trung Quốc. Đấy là cách vừa giúp dân tiêu thụ nông sản, vừa nhập khẩu được trang thiết bị mà không phải sử dụng đến nguồn dự trữ ngoại tệ.
Việt Nam đâu có làm được việc ấy, giá nông sản thấp, nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp thu mua tạm trữ để nâng giá nhưng cuối cùng là doanh nghiệp hưởng lợi mười thì dân chỉ được một.
Xin cảm ơn ông!
Theo nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã