Nhà máy chế biến rác thải ở Cà Mau. |
Ở thị trấn Núi Sập, đã mọc lên hai tuyến cụm dân cư dành cho các hộ tái định cư ở vùng ngập lũ của huyện Thoại Sơn. Những căn nhà mới khang trang, là tổ ấm của gần 200 hộ gia đình ở khu Ðập Ðá, giờ đã an cư nơi đây. Gặp chúng tôi, bà Phan Kim Huyền, 56 tuổi nói như khoe: "Trước kia tụi tui sống chung với lũ mỗi năm vài ba lần nước về ngập đến cổ, môi trường bị ô nhiễm nặng nề, thường phải chạy trốn lũ ở bờ đê, núi cao. Nay thì "khỏe" rồi, Nhà nước hỗ trợ nền nhà, cho vay tiền làm nhà. Không còn sống trong cảnh úng ngập nữa, bà con tụi tui cảm ơn Ðảng, Chính phủ".
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh An Giang Huỳnh Thế Năng cho biết: "An Giang là một trong các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, nằm trên lưu vực sông Mê Công. Với dân số gần 2,15 triệu người, trong đó dân cư khu vực nông thôn chiếm hơn 70%, dân trí còn thấp. Bên cạnh đó, An Giang là tỉnh đầu nguồn nên hằng năm phải thường xuyên chống chịu khi mùa nước lũ lên và nhiều vùng bị sạt lở nguy hiểm, ảnh hưởng đến đời sống và an toàn cho người dân nơi đây".
Trong nhiều năm trước đây, tình trạng ngập lũ đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và tính mạng người dân trong tỉnh, cụ thể: Lũ năm 1991, có hơn 67 nghìn căn nhà bị ngập lụt và 73 người chết; lũ năm 1994 có hơn 86 nghìn nhà bị ngập và 166 người chết; lũ năm 1996 có gần 120 nghìn ngôi nhà bị ngập và 35 người chết; lũ năm 2000 có 157 nghìn nhà bị ngập và 134 người chết; lũ năm 2001 có 31 nghìn ngôi nhà bị ngập và 101 người chết; năm 2002 có hơn 20 nghìn ngôi nhà bị ngập và 78 người chết.
Chương trình "Xây dựng cụm, tuyến dân cư vùng thường xuyên bị ngập lũ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 173/2001/QÐ-TTg ngày 6-11-2001 và Quyết định số 1548/QÐ-TTg ngày 5-12-2001. Ðây là chương trình trọng điểm quốc gia, trực tiếp bảo đảm cho nhân dân vùng lũ có cuộc sống an toàn, không phải di dời khi lũ về, từng bước ổn định và tiến tới phát triển bền vững. Ðược Chính phủ giao nhiệm vụ, Ngân hàng Phát triển Việt Nam Chi nhánh An Giang đã phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Thoại Sơn, lập đề án xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ. Giám đốc Chi nhánh An Giang Lê Văn Khanh cho biết: "Chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư tại An Giang chính thức được khởi động từ năm 2002. Tổng nguồn vốn đầu tư cho chương trình hơn 1.361 tỷ đồng, được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn I: Từ năm 2002 đến 2007, đã đầu tư với tổng nguồn vốn hơn 730 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương cấp 430 tỷ đồng; vốn vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam qua Chi nhánh An Giang hơn 300,5 tỷ đồng. Giai đoạn II: Từ năm 2008 đến 2012 đã đầu tư với tổng nguồn vốn hơn 630,6 tỷ đồng, bao gồm ngân sách Trung ương: 315,3 tỷ đồng vốn vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam Chi nhánh An Giang hơn 315 tỷ đồng, nguồn vốn này đã được giải ngân dứt điểm trong tháng 6-2012. Ngoài ra, Ngân hàng Phát triển Việt Nam cũng đã cho vay xây dựng hạ tầng kỹ thuật thiết yếu trong cụm, tuyến dân cư vượt lũ với tổng số vốn vay là 320 tỷ đồng".
Trong giai đoạn I, tỉnh An Giang đã đầu tư xây dựng được 203 cụm, tuyến dân cư (81 cụm và 122 tuyến), đạt tỷ lệ 100% kế hoạch. Quy mô, diện tích đã thực hiện gần 937 ha, đạt tỷ lệ 105% so với số đăng ký. Tổng số nền nhà 38.553, trong đó có 30.706 nền cơ bản và 7.847 nền linh hoạt. Chi phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hơn 997,8 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch. Về xây dựng hạ tầng kỹ thuật thiết yếu có 197 cụm, tuyến dân cư vượt lũ có hệ thống giao thông đường bộ; 151 cụm, tuyến có hệ thống cấp thoát nước; 202 cụm, tuyến có hệ thống cấp nước sạch; 202 cụm, tuyến có điện; 21 nhà lồng chợ trung tâm. Ðã bố trí gần 30 nghìn hộ dân thuộc đối tượng vào ở ổn định và có 1.775 hộ phát triển thương mại vùng nông thôn đã xây dựng nhà ở trên các cụm, tuyến dân cư.
Nhằm tiếp tục hoàn thiện đồng bộ và phát huy hiệu quả của chương trình, đồng thời xuất phát từ yêu cầu, tỉnh An Giang đã tiếp tục triển khai giai đoạn II, thực hiện thêm 42 cụm, tuyến dân cư với diện tích hơn 224 ha, để có 11.262 nền nhà. Ðến nay, đã tôn nền 42/42 cụm, tuyến đạt 100% kế hoạch; hoàn thành hệ thống thoát nước 34 cụm, tuyến; 34 cụm, tuyến có đường giao thông; 19 cụm, tuyến có hệ thống cấp nước sạch. Ðã có thêm 5.707 hộ dân vào ở ổn định trong cụm, tuyến dân cư vượt lũ ở giai đoạn II này đạt tỷ lệ 50,67% kế hoạch.
Ðánh giá hiệu quả của chương trình
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh An Giang Huỳnh Thế Năng cho biết: "Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vượt lũ trên địa bàn tỉnh An Giang của Chính phủ là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với thực tiễn vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long, được nhân dân đồng tình hoan nghênh. Tính ưu việt của phương thức cho vay bằng nền nhà thật sự phát huy hiệu quả tích cực: nhiều hộ nghèo thường xuyên bị đe dọa bởi lũ lụt, sạt lở hằng năm thì nay đã có chỗ ở ổn định; trẻ em được đến trường an toàn; sinh hoạt cộng đồng dân cư vẫn diễn ra bình thường, kể cả những năm có lũ lớn. Chính quyền các cấp không còn phải lo sơ tán, cứu đói cho dân trong mỗi mùa nước lũ mà thay vào đó là việc tập trung hướng dẫn nhân dân thực hiện các mô hình sản xuất, khai thác lợi thế mùa nước nổi, chăm lo đời sống tinh thần cho nhân dân như: tổ chức các lễ hội văn hóa ngay trong mùa lũ, tổng kết rút kinh nghiệm sản xuất sau lũ, tạo không khí phấn khởi trong nhân dân".
Chương trình đã phát huy hiệu quả tích cực, có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện chiến lược bảo đảm an sinh vùng lũ, đồng thời góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững trên địa bàn tỉnh An Giang. Chương trình đã giúp cho phần lớn các hộ nghèo được tạo điều kiện có nền nhà và nhà ở ổn định, đồng thời góp phần tích cực trong việc thực hiện các mục tiêu quan trọng khác của địa phương như: xóa nhà tranh, tre, nứa, lá tạm bợ, tăng tỷ lệ các hộ dùng điện và nước sạch ở nông thôn. Một số cụm, tuyến dân cư là hạt nhân để tiếp tục hình thành và phát triển các điểm đô thị mới, góp phần quan trọng trong việc thực hiện tốt chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng của địa phương.
Hiệu quả tích cực của cụm, tuyến dân cư vượt lũ trên địa bàn tỉnh An Giang giúp nhân dân vững tâm an cư lạc nghiệp. Ngoài việc bố trí chỗ ở an toàn cho người dân trong các cụm, tuyến dân cư vượt lũ, chính quyền địa phương còn quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng lồng ghép vào các chương trình giáo dục, y tế và dạy nghề góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Chương trình thành công thu hút dân cư vào ở, ổn định cuộc sống, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân khi lũ về, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, từng bước xây dựng nông thôn mới.
Kiến nghị
Sau mười năm triển khai, thực hiện dự án tuyến dân cư vượt lũ, tỉnh An Giang và Ngân hàng Phát triển Việt Nam mới đạt được những kết quả bước đầu. Người dân mới đạt được một phần hai tiêu chí của cụm từ "An cư - Lạc nghiệp".
"Tạo được công ăn, việc làm, để có nguồn thu nhập cho người dân luôn là trăn trở của lãnh đạo các cấp ở An Giang" - Giám đốc Sở Công thương Mai Thị Ánh Tuyết cho biết "Ðể chương trình đạt kết quả và hiệu quả kinh tế - xã hội cao cần có chính sách ngành nghề phù hợp, tạo việc làm ổn định cho các hộ nghèo, đối tượng chính sách; tăng thu nhập bảo đảm điều kiện sinh sống, sinh hoạt bình thường cho các hộ dân khi tham gia vào cụm, tuyến dân cư. Bên cạnh đó, phải nhanh chóng hoàn thiện các kết cấu hạ tầng tối thiểu để bảo đảm cho người dân "an cư lạc nghiệp". Ngoài ra, cần có sự tham gia đồng bộ của toàn hệ thống chính trị trong các công tác tuyên truyền mục tiêu của chương trình để vận động nhân dân sớm ổn định cuộc sống trong các cụm, tuyến dân cư".
Hiện nay, cơ sở hạ tầng thiết yếu, hệ thống giao thông nội bộ tại các cụm, tuyến dân cư ở giai đoạn II đã bắt đầu xuống cấp và hư hỏng. Do đó, UBND địa phương cũng cần lên kế hoạch chi ngân sách địa phương hằng năm để tu bổ, sửa chữa các cụm, tuyến dân cư vượt lũ trong giai đoạn I nhằm góp phần cải thiện điều kiện sinh sống cho người dân.
Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước là rất cần thiết, cũng cần tạo khả năng hỗ trợ của cộng đồng từ những cư dân có khả năng tài chính và tổ chức cuộc sống cho bản thân và cộng đồng. Tỉnh An Giang cũng đã đề ra những chính sách mới gọi các doanh nghiệp về xây dựng các cơ sở sản xuất - kinh doanh ở vùng vượt lũ. Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam Trần Phú Minh cho biết: "Ðể hoàn thành chương trình theo đúng Quyết định số 1998 của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương thực hiện dự án chung tay giúp Ngân hàng Phát triển Việt Nam cân đối được nguồn vốn, tiếp tục giải ngân vốn vay cho các dự án đầu tư trong điều kiện công tác huy động vốn của Ngân hàng Phát triển hiện còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, đề nghị UBND địa phương có biện pháp thu hồi khoản nợ của các hộ dân, bố trí ngân sách địa phương để trả nợ vốn vay cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo đúng hợp đồng tín dụng đã ký, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước - Ngân hàng và người dân".
Nhà máy xử lý rác thải tại Cà Mau
Dự án xây dựng Nhà máy xử lý rác thải tại Cà Mau nhằm bảo đảm sức khỏe cho người dân, cải thiện môi trường, tạo vẻ mỹ quan đô thị cho tỉnh Cà Mau. Việc xây dựng Nhà máy xử lý rác Cà Mau không chỉ phục vụ riêng thành phố Cà Mau mà còn có khả năng thu gom, xử lý lượng rác thải rất lớn từ các xã, thị trấn lân cận của các huyện như U Minh, Thới Bình, Cái Nước và Trần Văn Thời; góp phần cải thiện đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường tại thành phố Cà Mau và các địa phương lân cận.
Dự án có quy mô công suất 200 tấn rác/ngày, đồng thời qua xử lý rác, cung cấp một lượng phân hữu cơ khá lớn phục vụ sản xuất. Ðây là Nhà máy xử lý rác thải theo tiêu chuẩn, quy trình công nghiệp đầu tiên được xây dựng trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Thời gian thực hiện dự án hai năm (2010 - 2011). Dự án do Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Công Lý làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư ban đầu gần 315 tỷ đồng, tổng mức đầu tư điều chỉnh là 356,6 tỷ đồng, Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho vay 229 tỷ đồng.
Dự án đi vào hoạt động từ tháng 6-2012 đã đáp ứng tốt yêu cầu xử lý rác thải tại thành phố Cà Mau và các thị trấn, huyện lỵ trong tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Dương Thanh Bình đánh giá cao sự đầu tư kịp thời của Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Dịch vụ Công Lý, có sự hỗ trợ bằng nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, dự án được đầu tư đồng bộ, các hạng mục công trình đáp ứng yêu cầu khá cao trong chế biến rác. Hội đồng thẩm định của tỉnh Cà Mau xác định tỷ lệ chôn lấp rác là 8,24%. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang thực hiện quyết toán dự án. Dự án đáp ứng các tiêu chí để hưởng mức hỗ trợ của Ngân sách Nhà nước là 50% theo quy định tại Nghị định số 04/2009/NÐ-CP. Theo Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Dịch vụ Công Lý Tô Hoài Dân: Từ thành công của mô hình Nhà máy xử lý rác thải ở Cà Mau, năm 2013, công ty sẽ triển khai ra một số địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long. Nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng đô thị văn minh, góp phần cải thiện môi trường, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã