Đó là một trong những chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2013, được Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết tại cuộc họp báo chiều 29-1.
Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đảm bảo hàng hóa thiết yếu đầy đủ, không để thiếu hàng, sốt giá. Bảo đảm đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân thuận tiện, an toàn, không để xảy ra tình trạng thiếu phương tiện và quá tải. Chăm lo đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn... Nhiệm vụ trước mắt trong những ngày tết là phải giảm cả ba chỉ tiêu về an toàn giao thông so với tết năm trước, đồng thời giữ vững trật tự an toàn xã hội trong dịp tết.
Về tình hình kinh tế - xã hội, theo ông Vũ Đức Đam, mặc dù một tháng chưa nói lên nhiều điều nhưng theo dõi các diễn biến thì có thể thấy được xu hướng vĩ mô đã ổn định hơn. “Nhưng vẫn phải luôn cảnh giác, bằng chứng là chỉ số giá tiêu dùng tháng này đã tăng 1,25%”. Ông Đam cho biết Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh việc các bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai thực hiện hai nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 và về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu...
Trả lời câu hỏi về công việc hiện nay của ông Đào Văn Hưng (nguyên chủ tịch HĐQT Tập đoàn Điện lực VN) sau khi bị kỷ luật, đại diện Bộ Công thương cho hay: “Sau khi ông Đào Văn Hưng nhận quyết định thi hành kỷ luật thì Bộ Công thương đã điều động ông Hưng về công tác tại cơ quan bộ, thực hiện công việc do bộ trưởng giao trực tiếp, chờ có quyết định chính thức”.
Tại cuộc họp báo, ông Vũ Đức Đam đã trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến thị trường bất động sản, dư luận về “chạy” công chức...
* Có thông tin cho rằng theo báo cáo kết quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản thuộc Bộ Xây dựng thì năm 2012 có khoảng 80% doanh nghiệp đang hoạt động có lãi, như vậy liệu một số giải pháp đề ra trong nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu có là “cứu nhà giàu”?
- Từ đầu năm 2012, Chính phủ đã giao cho hai bộ có khảo sát cụ thể, trong đó Bộ Xây dựng chủ trì cùng với một số địa phương khảo sát đánh giá lại thực trạng thị trường bất động sản. Trước khi Chính phủ bàn nghị quyết nêu trên, Thường trực Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã có buổi làm việc tại TP.HCM và TP Hà Nội, vì thế nghị quyết của Chính phủ được soạn thảo dựa trên kết quả đánh giá khảo sát của các cơ quan chức năng với các địa phương, với các ngân hàng thương mại lớn và với hiệp hội bất động sản hai thành phố, cộng với lấy ý kiến bằng văn bản từ các tỉnh, thành khác, căn cứ thực trạng như vậy Chính phủ đã đề ra giải pháp. Chính phủ không bao giờ tập trung cứu nhà giàu, Chính phủ điều hành để nền kinh tế phát triển và trong điều hành luôn nhất quán ưu tiên đối tượng khó khăn. Chắc chắn trong đối tượng được thụ hưởng của nghị quyết này, những người có thu nhập trung bình sẽ được thụ hưởng nhiều hơn những người giàu.
* Về dư luận “chạy” công chức ở Hà Nội, phía TP Hà Nội khẳng định không có, như vậy Chính phủ có chỉ đạo các bộ, ngành kiểm tra lại và cá nhân ông đánh giá thế nào về dư luận này?
- Phiên họp Chính phủ lần này, trong rất nhiều giải pháp thì Chính phủ có thảo luận xem xét tăng cường chỉ đạo thực hiện tốt chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước. Chương trình có nhiều nội dung, trong đó có liên quan đến đội ngũ cán bộ công chức... Đối với việc “chạy” công chức, không chỉ công chức mà tất cả các lĩnh vực nếu liên quan đến từ “chạy” theo nghĩa tiêu cực thì đều phải lên án, ở đâu có hiện tượng đó thì phải nghiêm trị.
Cá nhân tôi nghĩ rằng đây là một quá trình chúng ta phải phấn đấu, không thể ngày một ngày hai làm được, phải có một nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, làm sao mỗi vị trí, mỗi chức danh trong hệ thống hành chính đều có trách nhiệm rõ ràng, có các thước đo đánh giá chuẩn mực chính xác, một khi mà chúng ta đánh giá được chất lượng công chức thật sự bằng hiệu quả công việc thì không còn đất cho việc “chạy”.
* Mới đây báo chí có tường thuật phát biểu của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập hiện tượng trong bộ máy có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào. Vậy con số thống kê này dựa trên khảo sát và đánh giá nào?
- Đồng chí phó thủ tướng phát biểu ra thì chắc chắn phải căn cứ vào các số liệu và kiến nghị của cơ quan chức năng. Thực tế trong bộ máy hành chính đúng là có một bộ phận do nhiều nguyên nhân mà mức độ đóng góp là hạn chế, ngay cơ quan Văn phòng Chính phủ cũng có một bộ phận. Như tôi đã nói quá trình cải cách hành chính là tiến trình làm trong nhiều năm, làm thường xuyên và quyết liệt chắc chắn sẽ có lúc thuận lợi và khó khăn, nhưng tinh thần phải kiên trì mới có được bộ máy công chức với chức trách nhiệm vụ được xác định rất rõ. Lúc đó, số cán bộ mà nhà báo dùng từ là “có cũng được không có cũng được” sẽ giảm đi.
* Mới đây nhà thầu Nhật đòi bồi thường do chậm giải phóng mặt bằng trong dự án cầu Nhật Tân. Chính phủ quan tâm và có chỉ đạo về vụ việc này như thế nào?
- Vụ việc này có được báo cáo lên Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Đây là một việc rất đáng tiếc và chúng ta phải làm sao không chỉ xử lý được vụ việc này mà còn nhiều công trình khác... Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với TP Hà Nội để cố gắng đảm bảo tiến độ công trình kết cấu hạ tầng quan trọng này, giải quyết với nhà thầu Nhật Bản.
Không có khái niệm thanh tra lại” Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã trả lời câu hỏi liên quan đến “Thông báo kết luận thanh tra trách nhiệm của chủ tịch UBND TP Đà Nẵng trong việc chấp hành pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, thanh tra một số dự án đầu tư có liên quan đến việc quản lý sử dụng đất” (thông báo kết luận thanh tra). Nội dung như sau: * Phóng viên: Vừa qua Thanh tra Chính phủ đã có thông báo kết luận thanh tra, sau đó Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo. Báo chí cũng đã thông tin về phản hồi của lãnh đạo TP Đà Nẵng. Vậy sau khi tiếp nhận thông tin đó thì lãnh đạo Chính phủ có chỉ đạo gì thêm không, có yêu cầu phúc tra hay giữ nguyên nội dung kết luận thanh tra và thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của Thủ tướng? - Ông Vũ Đức Đam: Trước hết, công tác thanh tra là việc làm thường xuyên của Chính phủ, trong bộ máy Chính phủ có Thanh tra Chính phủ, nhiệm vụ quyền hạn của Thanh tra Chính phủ được pháp luật quy định rất chặt chẽ. Hằng năm Thanh tra Chính phủ đều có kế hoạch thanh tra, có thanh tra theo kế hoạch và có thanh tra đột xuất. Việc thanh tra ở Đà Nẵng như nhà báo nêu cũng là một cuộc thanh tra như rất nhiều cuộc thanh tra khác. Nếu vào cổng thông tin điện tử Thanh tra Chính phủ thì thấy năm 2011 Thanh tra Chính phủ đã có 27 kết luận thanh tra và công bố được 26 kết luận, năm 2012 trong số mấy chục cuộc thanh tra đã có 24 kết luận và công bố được 20 kết luận. Còn lại một số rất nhỏ, hoặc là nội dung liên quan đến các vấn đề an ninh quốc phòng, hoặc là cần làm rõ tiếp chưa kịp công bố. Như vậy việc thanh tra ở Đà Nẵng là cuộc thanh tra bình thường được thanh tra thực hiện theo đúng quy định pháp luật, việc công bố kết luận thanh tra cũng là theo quy định pháp luật. Nhà báo có nói đến việc Đà Nẵng có phản ứng thông qua báo chí. Chính phủ hiện mới tiếp nhận được thông tin này qua báo chí. Chính phủ luôn cầu thị, trách nhiệm trước các thông tin báo chí phản ánh, vì vậy Chính phủ yêu cầu Thanh tra Chính phủ có báo cáo về những thông tin mà báo chí đã đưa. Theo Luật thanh tra và nghị định hướng dẫn cũng như một số luật khác thì không có khái niệm phúc tra, chỉ có khái niệm thanh tra lại. Nhưng thanh tra lại chỉ áp dụng đối với những kết luận thanh tra của thanh tra các bộ hoặc các tỉnh, còn khi Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra thì không có khái niệm thanh tra lại. Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận về thanh tra ở Đà Nẵng, đã giao nhiệm vụ cho UBND TP Đà Nẵng và cho một số bộ ngành, các cơ quan hành chính nhà nước đó theo quy định cần thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong quá trình thực hiện ý kiến chỉ đạo, nếu các cơ quan đó thấy có vấn đề cần báo cáo Thủ tướng xem xét lại thì sẽ báo cáo. Đến giờ phút này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa nhận được báo cáo của UBND TP Đà Nẵng hay của bộ ngành nào liên quan đến việc thực hiện ý kiến của Thủ tướng. Trong tương lai, nếu các nơi phát hiện có vấn đề cần báo cáo lại thì báo cáo và lúc đó Thủ tướng sẽ xem xét và có ý kiến chỉ đạo. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã