Toàn cảnh buổi làm việc |
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết, với lợi thế và tiếm năng của mình, tỉnh Kon Tum đã và đang tiếp tục chú trọng đầu tư phát triển một số sản phẩm chủ lực như cà phê, cao su, rau hoa xứ lạnh, dược liệu và đại gia súc…; trong đó tập trung vào khâu tổ chức sản xuất theo chuỗi và liên kết với doanh nghiệp trong việc sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Hiện nay, tỉnh Kon Tum đã thu hút được nhiều dự án sản xuất các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô lớn; trong đó, dự án quản lý bảo vệ rừng, kinh doanh du lịch và nhân giống, phát triển cây dược liệu kết hợp chăn nuôi dê sữa với trên 3.000 con và 100ha trồng cỏ… đã bước đầu thành công và cho sản phẩm sữa cung cấp trên thị trường.
Theo kết quả điều tra của Viện Dược liệu (Bộ Y tế), Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Y tế tỉnh Kon Tum, hiện trên địa bàn có 853 loại cây thuốc và nấm làm thuốc, 30/853 loại cây thuốc có nhu cầu lớn cho thị trường và khoảng 25 loài cây thuốc được trồng, sử dụng nhiều, có giá trị chữa bệnh và kinh tế cao.
Riêng đối với cây sâm ngọc linh, tỉnh Kon Tum đã trồng được trên 315 ha và một số dược liệu như hồng đăng sâm, đương quy đang phát triển tốt. Tuy nhiên theo đánh giá, việc phát triển vùng trồng dược liệu ở đây còn nhỏ lẻ và các khâu như: nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất giống, chế biến sau thu hoạch chưa được quan tâm đúng mức và chuẩn hóa. Bên cạnh đó, chưa có sự liên kết vùng trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ dược liệu.
“Lợi thế về phát triển dược liệu đã rõ và mong muốn của tỉnh là phát triển loại cây này gắn với chế biến với mục tiêu phấn đấu đưa tỉnh Kon Tum trở thành vùng dược liệu trọng điểm của quốc gia; nhưng với những khó khăn thực tại rất cần chủ trương, chính sách hỗ trợ từ Trung ương ” - ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum kiến nghị.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại buổi làm việc |
Đánh giá cao thành công và định hướng phát triển lĩnh vực nông, lâm nghiệp của tỉnh Kon Tum theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, việc phát huy được tiềm năng các cây dược liệu quý là một hướng đi đúng và phù hợp với định hướng phát triển chung, không chỉ mang tính địa phương, vùng miền mà ở tầm quốc gia. Tỉnh Kon Tum dù sớm đã có những chính sách ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân tham gia trồng và phát triển cây dược liệu; nhưng cũng rất cần sự hỗ trợ, đồng hành và hợp tác của các bộ, ngành để biến những lợi thế, tiềm năng này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Kon Tum.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng ủng hộ và đánh giá cao định hướng phát triển của tỉnh Kon Tum về việc thành lập viện nghiên cứu giống cỏ và giống động vật quốc gia đặt tại Măng Đen; phương án quản lý rừng bền vững đã được cấp chứng chỉ của Hội đồng quản trị rừng quốc tế (FSC) và thành lập khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Kon Tum…
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng cần thực hiện một cách bài bản, khoa học, hiệu quả; nhất là sự cam kết trách nhiệm đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ quốc phòng, an ninh.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã