Học tập đạo đức HCM

Những nhà môi giới lúa

Thứ tư - 13/03/2013 23:25
Tại những vùng nông thôn sâu, xa nhất của vựa lúa ĐBSCL đã hình thành đội ngũ môi giới trong chuỗi sản xuất - tiêu thụ lúa, mà người dân thường gọi họ là “cò”. Có người coi đó như “nghề tay trái”, làm thêm khi tới mùa vụ, nhưng cũng không ít người xem đây là một nghề thật sự, đã gắn bó cả chục năm.
 
  • Nhờ “cò” lúa làm trung gian với nông dân, thương lái Nguyễn Văn Buôl (bìa trái) từ Châu Thành (An Giang) chạy ghe thẳng qua Hòn Đất (Kiên Giang) mua gần 40 tấn lúa chỉ trong một ngày - Ảnh: Tấn Đức

  • “Cò” lúa Trần Hoàng Tâm (trái) thương lượng giá cả, mua lúa của nông dân qua điện thoại di động - Ảnh: Lê DâTrường Sa - khúc bi tráng 14-3 - Kỳ 7: Tìm lại tên cho anh (14/03)

 

Mặc dù dư luận xã hội còn có những góc nhìn khác nhau về bộ phận này, nhưng không ai phủ nhận vai trò của “cò” trong việc đẩy nhanh tiến độ tiêu thụ lúa hàng hóa trong bối cảnh không ít doanh nghiệp chưa thể ra tận đồng mua trực tiếp cho dân.

“Trăm hoa đua nở”

 

"Trong lúc doanh nghiệp chưa đủ sức tổ chức mua lúa trực tiếp tại ruộng để tăng lợi nhuận cho nông dân, thì “cò” môi giới mua bán lúa là một hình thái phát triển tất yếu. Cần nhìn nhận lực lượng này như một nghề, góp công, góp sức tiêu thụ lúa cho nông dân"

TS DƯƠNG VĂN NI (Trường ĐH Cần Thơ)

 

Bên bờ kênh 9, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất (Kiên Giang), lão nông Nguyễn Văn Tư xòe tay tính: “Vùng này có khoảng 400ha đất trồng lúa nhưng có tới gần chục người môi giới lúa. Đó là chưa tính lượng “cò” thời vụ từ các địa phương kế cận đổ về. Có xóm hai, bốn “cò” nhà ở cạnh nhau, hằng ngày đụng mặt nhau chan chát nhưng xem ra “cò” nào cũng ăn nên làm ra, một vụ lúa kiếm vài chục triệu đồng là chuyện thường”.

Rồi ông mở điện thoại cho tôi xem tên và số điện thoại của từng người một. Ông bảo nhiều người trong số đó là nông dân cố cựu ở địa phương, nên họ thuộc lòng nhà nào có bao nhiêu đất, vụ này làm giống gì, chừng nào cắt, thậm chí họ còn nhìn “mã lúa” ước đoán chính xác năng suất ra sao. Ngoài ra, có người là lao động làm thuê, thậm chí là viên chức nhà nước, có quan hệ xã hội rộng cũng tranh thủ tham gia trong mùa thu hoạch lúa vừa kiếm thêm thu nhập, vừa giúp bà con sớm bán được lúa với giá phải chăng.

Để tường tận công việc và thu nhập của “cò” lúa, chúng tôi đã nán lại giữa đồng đến tận đêm đón các “cò” đi “làm ăn” về. Bên chén rượu cay nồng giữa tiếng máy cắt xập xình, “cò” Điền trút bầu tâm sự: “Làm nghề này suốt ngày phải nhong nhong “bay lượn” ngoài đồng như con chim. Rồi phải có sức khỏe để nhậu “tới bến” với nông dân thì khi thu hoạch họ mới nhớ tới mình để gọi. Mua được lúa, thương lái trả công cho mình 10-20 đồng/kg tùy thời điểm, nên ngày nào trúng mối lớn cũng kiếm được 500.000-700.000 đồng, nhưng mỗi năm hai vụ lúa làm ăn được chừng 20-30 ngày mà phải chi xài trong cả năm nên cũng chẳng mấy dư dả”.

Tuổi đời mới ngoài 30, ít ai ngờ Điền từng là chủ ruộng “cò bay thẳng cánh” ở xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn (An Giang). Bước đường chuyển từ chủ ruộng lớn sang “cò” lúa của Điền là một câu chuyện đầy thương đau như tự nhận của anh: “Khoảng đầu năm 2001 tui thu hoạch hơn 200 công ruộng, thấy giá lúa chỉ ở mức 1.300 đồng/kg nên trữ lại gần trăm tấn lúa chờ giá nhóng lên. Nhưng không ngờ sau đó lúa tiếp tục rớt thêm 150-200 đồng/kg, khiến tui bị lỗ thêm gần 200 triệu đồng, chưa tính chi phí thuê nhân công vận chuyển, bốc vác lúa từ ruộng vô kho. Tức mình vì không dự đoán được giá cả thị trường, lại bị các chủ đại lý phân bón xiết nợ, tui đành sang nhượng dần đất ruộng, quay sang làm nghề “cò” lúa, coi như bỏ công làm lời cho chắc ăn” - anh Điền tâm sự.

Để có được mối quan hệ thâm tình với hơn 500 nông dân trên địa bàn các xã Bình Giang, Bình Sơn, Nam Thái Sơn (huyện Hòn Đất, Kiên Giang), Lương An Trà (huyện Tri Tôn, An Giang), lúc mới vô nghề Điền “ôm” chiếc Super Dream từ sáng sớm tới tối mịt rong ruổi khắp các nẻo đường quê, gặp từng nông dân lập “hồ sơ” khách hàng cho riêng mình.

Tới mùa thu hoạch anh trở lại với bộ đồ nghề là mớ túi nilông, khúc ống sắt nhọn như ống hút và cây bút lông. Chiếc ống sắt dùng chọc vào bao cho lúa chảy vô bọc, rồi ghi vào đó địa chỉ, giống lúa, giá cả nông dân kêu bán, mang đi chào hàng với thương lái. Mỗi chủ ruộng anh chỉ xin chừng một nắm lúa làm mẫu, vậy mà bữa nào cũng chở đầy cả hai giỏ bự chảng.

“Ban đầu nhiều nông dân nói tui “xạo”, giả bộ đi gom lúa về nuôi gà đá độ; còn thương lái có người khó tính bắt đưa tận nhà nông dân cho giáp mặt, xem lúa, trả giá trực tiếp. Dần dà nông dân thấy công việc của mình giúp họ khi cần là bán lúa được liền, còn hàng sáo thì không phải tốn xăng dầu và thời gian chạy ghe vô đồng tìm hàng” - anh Điền kể.

Đường đến với nghề của “cò” lúa Trần Hoàng Tâm (quê ấp Đông Mỹ, xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ) lại thật tình cờ.

“Năm 2004, bà dì tui có 2 tấn lúa cần bán, nhưng nhà ở khá sâu nên bán không được. Bà dì nhờ tui kêu thương lái bán giùm, lúc đó tui đem mẫu lúa đến nơi ghe thương lái đậu, họ đồng ý mua, bán xong thì được họ cho 20.000 đồng uống cà phê. Người thương lái này sau đó khi cần mua lúa thì nhờ tui đi mua giúp, họ trả công 10.000 đồng/tấn. Từ đó thành cái nghề hồi nào không hay - “cò” Tâm tâm sự.

Cuộc nói chuyện giữa chúng tôi với “cò” Điền, “cò” Tâm luôn bị gián đoạn bởi những cuộc điện thoại của thương lái, của nông dân nhờ các anh bán lúa. Dứt điện thoại, “cò” Tâm lại khoe với chín năm trong nghề, giờ anh đã có hơn 20 mối “ruột” là thương lái và khoảng 2.000 nông dân trồng lúa khắp các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long...

Với mối quan hệ làm ăn này, anh có thể làm trung gian mua bán vài trăm tấn lúa mỗi ngày nếu thương lái có nhu cầu. Như vụ đông xuân năm ngoái, có thời điểm trong tay anh cầm mấy tỉ bạc tiền mua lúa cho thương lái.

Lợi cả đôi bên

Chuyện về “cò” lúa đang hồi rôm rả, lão nông Nguyễn Văn Tuyến (Út Tuyến), nhà ở TP Rạch Giá, mới vào Bình Giang thuê đất làm lúa được một vụ, hào hứng kể: “Vụ đông xuân này tui gieo sạ hơn 80 công đất (8ha) toàn bằng giống IR 50404. Theo lịch xuống giống thì lúa đã tới ngày thu hoạch, nhưng phần vì bị “cháy” máy cắt (thiếu máy gặt đập liên hợp) do nhiều địa phương vùng ĐBSCL thu hoạch rộ, phần chưa tìm được thương lái nên cứ để lúa “ngất ngư” trên ruộng.

Bụng dạ đang rối như canh hẹ, chợt có ông Năm Báo nhà ở đầu vàm kinh Xáng (xã Bình Giang) đi ngang, biết chuyện bèn lục danh bạ cho tui số của “cò” lúa tên Điền kèm theo lời trấn an: “Anh Út muốn gì cứ gọi, thằng em tui lo được hết”. Nghe xong tui liền gọi ngay cho “cò” Điền. Mất chừng năm phút “nối mạng” với tay “cò” chưa biết mặt mũi ra sao, đã thống nhất được giá 4.450 đồng/kg lúa tươi (lúa vừa gặt, chưa phơi sấy).

Ngay chiều hôm đó “cò” Điền mang tiền vô tận ruộng gặp tôi đặt cọc trước 20 triệu đồng, qua bữa sau “cò” đưa máy cắt và ghe của thương lái vào rồi cân luôn hết trơn. Thiệt may hết sức”.

Phía thương lái, ông Nguyễn Văn Buôl, quê ở vàm kinh Mặc Cần Dưng, xã Bình Hòa, huyện Châu Thành (An Giang), bộc bạch: “Hơn 30 năm làm nghề thương lái lúa, chưa bao giờ tui thấy việc mua lúa của nông dân được dễ dàng như bây giờ. “Cò” lúa là trung gian góp phần mang lại sự thuận lợi đó”.

Ông dẫn chứng: “Gia đình tui có chiếc ghe chở được gần 40 tấn. Nếu ngày nào cũng chạy ghe đi tìm nông dân bán lúa thì nội chi phí tiền dầu đã ngốn hơn 300.000 đồng. Mà chắc gì đi hai ba ngày được đầy ghe. Chi bằng mình tốn năm, bảy trăm ngàn đồng cho “cò” để họ dọ chỗ trước rồi báo lại, tui chỉ cần đưa ghe vô tới nơi cân lúa rồi chở đi sấy, xay xát, cân lại cho các công ty lương thực. Cái lợi rõ ràng là mình xoay được đồng vốn nhanh, nhưng cạnh đó còn lợi lớn hơn khi tận dụng được kinh nghiệm coi lúa của “cò”, bởi họ rất có kinh nghiệm xem lúa nào “đặng” gạo (cho ra gạo tốt)”.

Thương lái Nguyễn Văn Út (phường Thới Long, quận Ô Môn, TP Cần Thơ), người có nhiều năm trong nghề, cũng khẳng định: “Làm ăn với “cò” lúa bây giờ sướng lắm. Chỉ cần gọi điện nói cần mua bao nhiêu, giống lúa gì, khi nào giao hàng để nhờ họ lo liệu, có khi mình khỏi phải đi coi lúa cũng không sao”.

Cả ông Buôl và ông Út đều nhớ lại cái thời chưa có “cò” lúa mà ngao ngán. “Hồi trước, việc mua bán lúa còn đong bằng táo (dụng cụ đo lường bằng 20 lít), đi đâu tụi tui phải để cái táo sắt trước mũi ghe. Tới lúc chuyển qua mua bán bằng cân, lại thay chiếc táo bằng cân bàn. Cứ thế mà đi, ai cần bán lúa thì kêu mình ghé lại. Một vụ thu hoạch lúa bình quân diễn ra khoảng 20 ngày. Mình mua đầy ghe mang đi bán rồi quay vòng lại được vài ba chuyến là hết. Còn bây giờ nhờ có đội ngũ “cò” lúa khắp nơi làm trung gian nên mỗi lần làm tới 5-6 chuyến, lời tăng gấp đôi, gấp ba, tính ra chi phí trả cho “cò” không đáng là bao”.

 

 

Chỉ cần alô

Ngoài việc giúp nông dân bán lúa nhanh chóng còn có cả “cò ngân hàng không lãi suất”, giúp nông dân giải quyết những khó khăn đột xuất khi lúa chưa tới ngày thu hoạch. Ông Nguyễn Trường Khương, ngụ ấp Đông Thắng, xã Đông Bình, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ góp thêm câu chuyện: “Do “cò” nắm được giá cả nên muốn hỏi giá lúa và kêu bán cũng dễ hơn so với việc mình trực tiếp tìm thương lái. Nhiều bận kẹt tiền đóng học phí cho con, chỉ cần alô là “cò” sẵn sàng đem tiền tới cho mình tạm ứng, khi nào bán lúa thì trả lại”.

 

Theo tuoitre.vn



 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập453
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại785,950
  • Tổng lượt truy cập93,163,614
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây