Một bài nhỏ đăng trên báo Nông Thôn Ngày Nay nhưng có ý nghĩa lớn. Đó là bà con nông dân ở Khu du lịch Mỹ Sơn (Quảng Nam) đang tổ chức học tiếng Anh. Học tiếng Anh ư? Tại sao không? Muốn người ta đến chơi nhà mình, bỏ tiền ra mua hàng hóa "cây nhà lá vườn" của mình thì ít nhất cũng có một lời mời chứ?
Có gì thú vị bằng khi một bà già bỏm bẻm ăn trầu, chít khăn ra ngõ mời khách du lịch bằng tiếng Anh! Hello (Hế-lô), Please (Pơ-li-dơ)... Đồng bào H'mông trên Sapa nói tiếng Anh như gió, nhiều người nói không thua mấy người bản địa. Sapa được khách nước ngoài ưa chuộng một phần nhờ thế.
Kết nối bằng những nụ cười. Ảnh: Nguyễn Hữu Sơn |
Một thằng cháu họ của tôi quê Nghệ Tĩnh, làm bảo hiểm ở Hà Nội. Nó đến gạ tôi mua bảo hiểm cho hãng nó. Nói một hồi, mô tê răng rứa, tôi là chú họ nó, là người cùng quê mà nghe mãi không thủng nó nói gì. Tôi bảo: "Cháu muốn người Hà Nội rút hầu bao ra thì ít nhất cũng phải nói cho người ta hiểu cái lợi cái hại chứ? Sao bao năm mà vẫn không thay đổi chút nào? Cháu không thể bảo dân thủ đô hãy đón gia sư về nhà học tiếng Nghệ vài năm rồi mới có điều kiện mua bảo hiểm cho cháu! Phải không?" Thằng cháu đáp: “Cháu sợ mất gốc chú ạ!”. À ra thế!
Không thể bắt người Anh, người Pháp hay người Nhật phải học tiếng Việt mới được sang nước ta du lịch, mới được quyền bỏ đôla ra mua hàng hay làm từ thiện. Mình là chủ nhà, mình phải dùng thứ tiếng gì mà người nhiều nước nghe được để mời, để đón tiếp, giao lưu thân thiện với người ta. Vì đó lòng hiếu khách, là thiện chí hòa nhập, là rộng cửa làm ăn.
Ngôn ngữ không có lỗi gì, nó chỉ là công cụ để giao tiếp. Con người càng hiểu nhau, thiên hạ càng thái bình. Hòa nhập trước hết phải có chìa khóa mở cửa. Đầu tiên là mở lòng, mở dạ, mở tình bạn, tình thương yêu. Sau đến là mở cửa tham quan, du lịch, buôn bán. Cái chìa khóa vàng ấy là ngôn ngữ. Biết và nói ngoại ngữ không liên quan gì đến mất gốc hay còn gốc. Mất gốc hay không là do văn hóa, do tư duy, do đối xử.
Nông dân học tiếng Anh không chỉ để làm du lịch. Những nơi không có du lịch thì sao? Biết tiếng Anh không chỉ tiện giao lưu mà còn có nghĩa là sử dụng vi tính thêm dễ dàng, dùng máy móc, mua bán hàng hóa trên mạng. Nhiều nông dân, thậm chí người khuyết tật, nhờ biết tiếng Anh, giỏi tin học mà ngồi một chỗ trong làng vẫn trở thành triệu phú.
Nông dân học tiếng Anh, tại sao không?
Nguyễn Quang Thân
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã