Hiện tổng đàn vịt Sín Chéng của toàn huyện Si Ma Cai có khoảng hơn 6.000 con. (Ảnh: Báo Lào Cai)
Gia đình ông Giàng A Lủng ở thôn Bản Giáng xã Sín Chéng huyện Si Ma Cai đã nhiều đời chăn nuôi giống vịt Sín Chéng. Hiện đàn vịt nhà ông có gần 100 con. Ông Lủng cho biết, việc chăm sóc giống vịt này không khó, thức ăn chủ yếu là ngô hạt và phải được chăn thả ở nơi có nước. Trung bình mỗi buổi sáng, gia đình ông Lủng thu 25 quả trứng.
“Gia đình nuôi vịt Sín Chéng đã từ lâu thấy có hiệu quả về kinh tế. Tính cả trứng và bán vịt thịt, mỗi năm gia đình thu được từ 30 – 40 triệu đồng”, ông Lủng cho biết.
Thôn Bản Giáng xã Sín Chéng có 50 hộ dân thì nhà nào cũng nuôi vịt. Có những gia đình nuôi nhiều đến hàng trăm con. Bên cạnh hiệu quả về kinh tế, vịt Sín Chéng còn giúp người dân bắt ốc bươu vàng để bảo vệ lúa. Hiện tổng đàn vịt Sín Chéng của toàn huyện Si Ma Cai có khoảng hơn 6.000 con. Với giá bán ổn định 120.000 đồng/kg vịt thịt, từ 6.000 đến 7.000 đồng/quả trứng, vịt Sín Chéng đã giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo từ nuôi vịt.
Theo đánh giá của Viện chăn nuôi quốc gia, ưu điểm của vịt Sín Chéng là trọng lượng lớn, thịt ngọt, quả trứng to, tỷ lệ lòng đỏ cao nên rất được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên nguồn cầu lớn nhưng cung vẫn chưa thể đáp ứng, bởi những khó khăn trong việc chăn nuôi và phát triển đàn vịt quý này.
Trứng vịt Sín Chéng to và có tỷ lệ lòng đỏ cao nên rất được thị trường ưa chuộng. (Ảnh: Báo Lào Cai)
Đã từ lâu, giống vịt Sín Chéng đã thành thương hiệu gắn liền với mảnh đất Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai. Vịt Sín Chéng vừa là đặc sản, vừa mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững thoát nghèo cho bà con trên vùng cao nguyên đá. Ông Lương Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai cho biết, vịt Sín Chéng đang đem lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con. Hiện nay hầu hết các thôn trong xã đều chăn nuôi vịt, tập trung nhiều nhất có diện tích nước nhiều là thôn bản giáng và thôn Sín Chải. Giá trị kinh tế và thương hiệu vịt Sín Chéng đã được khẳng định, riêng giá trứng bao giờ cũng cao hơn so với giống vịt khác từ 2.000 – 3.000 đồng/quả.
Năm 2012, Viện chăn nuôi Quốc gia đã quyết định đưa giống vịt Sín Chéng vào danh sách cần bảo tồn nguồn gen để nhân giống phát triển đàn gia cầm quốc gia. Năm 2013 vịt Sín Chéng được công nhận thương hiệu, trở thành đặc sản của vùng cao này. Để bảo tồn và phát triển giống vịt quý này, huyện Si Ma Cai đã thúc đẩy tăng nhanh số đàn, tạo thị trường vững chắc cho tiêu thụ giống vịt Sín Chéng.
Ông Viên Đình Hiệp, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai cho biết, việc xây dựng thương hiệu vịt Sín Chéng đến nay đã được tỉnh công nhận và hiện nay đã trở thành hàng hóa để cung ứng cho thị trường.
Việc bảo tồn và phát triển vịt Sín Chéng là một trong những hướng giúp bà con vùng cao Si Ma Cai có nguồn thu nhập ổn định, xóa nghèo và làm giàu. Để làm được điều này, rất cần thị trường tiêu thụ ổn định lâu dài cho bà con.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;