DN còn lơ là với quyền sở hữu trí tuệ
Theo ông Trần Giang Khuê, Phó Trưởng đại diện phụ trách Văn phòng đại diện Cục SHTT tại TP Hồ Chí Minh, để khởi nghiệp thành công, một trong các yếu tố then chốt là DN phải có trong tay tài sản trí tuệ như: sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thương hiệu (nhãn hiệu) cho loại sản phẩm, dịch vụ mà mình thực hiện. Điều này không chỉ giúp DN khẳng định vị thế, nâng cao giá trị sản phẩm, hạn chế cạnh tranh từ các đối thủ mà còn thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong kinh doanh. Sự độc quyền dựa trên quyền SHTT sẽ làm tăng tính cạnh tranh và nâng giá trị của sản phẩm, dịch vụ. Mặt khác, DN khởi nghiệp rất dễ bị tổn thương khi phải đương đầu với việc tranh chấp, kiện tụng và đây là công cụ bảo vệ hữu hiệu cho DN. Tuy nhiên, trên thực tế, có quá ít DN khởi nghiệp chú trọng đến việc đăng ký bảo hộ SHTT cũng như biết cách quản trị thương hiệu của mình.
Dưa lưới được trồng tại Cần Thơ Farm. Ảnh: MỸ THANH
Theo các chuyên gia, đối với các DN khởi nghiệp, nhất là DN khởi nghiệp sáng tạo, khi đưa sản phẩm hay dịch vụ ra thị trường, các DN phải quan tâm ngay đến việc SHTT, bảo hộ bản quyền để tránh những tranh chấp về thương hiệu, quyền tác giả, thậm chí là tránh bị đối thủ cạnh tranh sao chép, đánh cắp ý tưởng. Đây hoàn toàn không phải là điều mới, nhưng nhiều DN khởi nghiệp, thậm chí là DN hoạt động lâu năm còn rất lơ là. Ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ Cơ sở sản xuất Nông trại sạch Cần Thơ (Cần Thơ Farm), quận Bình Thủy, cho rằng: Các DN khởi nghiệp hiện nay đang thiếu thông tin hỗ trợ về lĩnh vực SHTT cũng như chưa hiểu hết về pháp luật SHTT đối với hoạt động khởi nghiệp. Song song đó là tình trạng thiếu vốn, công nghệ và nhân lực thực hiện các ý tưởng đổi mới sáng tạo…
Đa phần DN khởi nghiệp chỉ tập trung phát triển sản phẩm, thu hút vốn mà quên vấn đề SHTT, bảo vệ ý tưởng. Nhiều DN phản ánh, quá trình khởi nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, tốn nhiều chi phí cho hoạt động marketing, quản trị, hệ thống nhân sự,… Trong khi đó, nếu phải bỏ thêm một khoản “chi phí vô hình” cho SHTT là chưa cần thiết, không quan trọng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Cung, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản sạch Đại Thuận Thiên, quận Ninh Kiều, đây là lối suy nghĩ sai lầm. “Ban đầu, chúng tôi cứ nghĩ là hãy làm đi, làm thành công sản phẩm rồi hãy đăng ký thương hiệu. Tuy nhiên, đến khi có kết quả, chúng tôi đăng ký thương hiệu là “Thuận Thiên”-sản xuất theo quy trình tự nhiên thì lại không được vì có người đăng ký rồi và buộc lòng phải chuyển sang “Đại Thuận Thiên”. Tôi cho rằng đây là bài học cho những DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo” - ông Nguyễn Hoàng Cung chia sẻ.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ Cơ sở sản xuất Nông trại sạch Cần Thơ (Cần Thơ Farm), quận Bình Thủy, DN khởi nghiệp hiện nay hầu hết có điểm xuất phát thấp, quy mô nhỏ nên năng lực về vốn, quản trị còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, DN cần phía Nhà nước hỗ trợ về vốn để phát triển và thực hiện ý tưởng; đầu tư hoàn thiện hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật cho việc nghiên cứu, thực nghiệm. Ngoài ra, các sở ngành hữu quan cần phối hợp chặt chẽ với DN trong việc hình thành điểm để giới thiệu, trưng bày và quảng bá sản phẩm. Nhiều ý kiến đề xuất ngành chức năng thực thi mạnh, đồng bộ các chính sách ưu đãi, hỗ trợ trực tiếp cho chủ sở hữu tài sản trí tuệ; thường xuyên tuyên truyền, đào tạo và phổ biến kiến thức SHTT cho các viện, trường và DN…
Theo bà Trần Thị Thanh Điệp, Trưởng Phòng Quản lý chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, trước nhu cầu bảo hộ quyền SHTT ngày càng cao từ phía DN, TP Cần Thơ có nhiều hỗ trợ đăng ký và phát triển tài sản trí tuệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại địa phương. Điển hình như: Chương trình “Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ TP Cần Thơ giai đoạn 2016-2020”, Kế hoạch Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Dự án Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa các DN nhỏ và vừa TP Cần Thơ đến năm 2020... Từ những nỗ lực này, tính đến cuối tháng 10-2017, TP Cần Thơ có 3.224 văn bằng SHTT được Cục SHTT cấp mới. Trong đó, có 3.013 nhãn hiệu, 192 kiểu dáng công nghiệp, 2 giải pháp hữu ích và 17 sáng chế, đạt 92% so với Nghị quyết 02-NQ/TU của Thành ủy Cần Thơ về “phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ”. Tuy nhiên, theo các chuyên gia đầu ngành, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng là chưa đủ mà phải cần sự quyết tâm từ bản thân các DN ý thức được tầm quan trọng của SHTT.
Theo đó, DN khởi nghiệp phải tự nâng cao nhận thức về SHTT cho chính mình, cho toàn thể cán bộ nhân viên. Đặc biệt, phải xác định ngay đối tượng đăng ký bảo hộ quyền SHTT ngay khi khởi nghiệp, nhất là các sáng tạo, bí quyết hoặc các logo, nhãn hiệu, biểu trưng, kiểu dáng đặc thù, hoặc các sáng chế… “DN khởi nghiệp phải chủ động đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ cả trong nước và quốc tế để tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”. Trong bối cảnh khó khăn trong buổi đầu khởi nghiệp, DN cần có kế hoạch, chiến lược khởi nghiệp gắn chặt với chiến lược khai thác tài sản trí tuệ của DN; tận dụng, khai thác thế mạnh của doanh nghiệp, lợi thế của địa phương gắn với chủ trương, chính sách chung của Nhà nước. Song song đó, DN cần phải tập trung vào chất lượng sản phẩm, dịch vụ bởi đây là gốc rễ của xây dựng và phát triển thương hiệu bền vững” - ông Trần Giang Khuê, Phó Trưởng đại diện phụ trách Văn phòng đại diện Cục SHTT tại TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
MỸ THANH/baocantho.vnm.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã