Học tập đạo đức HCM

Tổ chức lại sản xuất để cứu ngành chăn nuôi

Thứ hai - 09/07/2012 04:12
Một lần nữa, ngành chăn nuôi lại lâm vào tình cảnh nguy cấp: dịch bệnh hoành hành, giá giảm sâu, người tiêu dùng mất niềm tin vào thịt lợn... Kịch bản bỏ chuồng, treo ao, nguy cơ thiếu thịt vào dịp Tết, thiếu nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu có thể tiếp diễn...
 
Giá heo giảm sâu, nông dân nuôi cầm chừng hoặc treo chuồng.

Khó khăn bủa vây

Trong 6 tháng qua, tại nhiều địa phương, người chăn nuôi không những phải đương đầu với dịch bệnh mà còn mất ăn mất ngủ vì giá giảm mạnh, đẩy người chăn nuôi lâm vào tình cảnh thua lỗ triền miên.

Mặc dù sản lượng thịt hơi của cả nước tính từ đầu năm đến nay tăng trưởng mạnh, đạt 2,6 triệu tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ, trong đó lợn hơi đạt 1,9 triệu tấn, tăng 4,8%; thịt gia cầm 439.300 tấn, tăng 13,7% nhưng tổng giá trị sản xuất của ngành quy ra tiền lại giảm khoảng 3.000 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Có thể nói, chưa bao giờ giá bán sản phẩm thịt các loại lại giảm sâu như vậy, lên tới 20- 25% so với đầu năm 2012 và nếu so với cùng kỳ năm 2011 thì giảm tới 50%, khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT), sở dĩ ngành chăn nuôi lâm vào cảnh khó khăn như hiện nay là do rất nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là do chuỗi sản xuất, tiêu thụ của ngành chăn nuôi vẫn thiếu sự liên kết, luôn tạo ra những bất lợi cho người chăn nuôi, khiến thị trường thịt trong nước không ngừng biến động.Thứ hai là do khó khăn của nền kinh tế khiến sức mua của người tiêu dùng giảm. Đặc biệt, mức tiêu thụ tại các bếp ăn tập thể của các khu công nghiệp giảm 25-30% so với cùng kỳ năm ngoái. Thứ ba là do dư âm của tình trạng lạm dụng chất cấm trong chăn nuôi khiến một bộ phận người tiêu dùng giảm tiêu thụ thịt lợn trong bữa ăn hàng ngày. Thứ tư là dịch lợn tai xanh đang diễn biến phức tạp. Thứ năm là do tình trạng nhập lậu động vật và sản phẩm động vật qua biên giới diễn ra ngày càng phức tạp. Điều đáng báo động là tình trạng nhập lậu thịt bẩn, thịt thối, thịt loại thải khó kiểm soát, gây nên tác động kép “bức tử” người chăn nuôi.

Cục Chăn nuôi dự báo, từ nay đến cuối năm, ngành chăn nuôi vẫn còn khó khăn. Hiện, nhiều người chăn nuôi đã bỏ chuồng, không thiết tha với việc tái đàn. Một số cơ sở sản xuất giống đã giảm tỉ lệ đàn giống bán ra khoảng 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều trang trại cũng giảm quy mô đàn từ 10-15% so với hồi tháng 2, tháng 3.

Nếu thị trường thịt không sớm được cải thiện thì nguy cơ thiếu thịt vào các tháng cuối năm rất dễ xảy ra.

Cùng với sự khó khăn của lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm, ngành chế biến, xuất khẩu cá tra cũng đang rơi vào khủng khoảng. Ông Dương Thành Thái, người nuôi cá tra ở cù lao Thanh Bình (Thanh Bình - Đồng Tháp) cho biết: “Hiện, giá cá nguyên liệu đã giảm xuống còn 20.500 đồng/kg (loại 800 - 850 g/con), cá 1kg trở lên giá chỉ 18.000 - 19.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thành sản xuất từ 24.000 - 25.000 đồng/kg nên người nuôi lỗ nặng và đang đứng trước nguy cơ phá sản, treo ao...”.

Về phía doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu, tình cảnh cũng không khá hơn do thiếu vốn và bất ổn nguồn nguyên liệu. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện chỉ còn 473 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, giảm 40% so với cùng kỳ năm 2011.

Cần tổ chức lại sản xuất và thị trường

Trước tình hình khó khăn trên, Cục Chăn nuôi kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và PTNT trình Chính phủ nhiều giải pháp cấp bách. Thứ nhất, Chính phủ nên có gói hỗ trợ tín dụng trị giá khoảng 9.000 tỉ đồng cho các hộ chăn nuôi, đặc biệt là các trang trại, cơ sở chế biến giết mổ để có vốn tiếp tục phát triển sản xuất. Thứ hai, cần tập trung mọi biện pháp để ngăn chặn tình trạng nhập lậu sản phẩm động vật qua biên giới, trong đó có gà các loại vì không những làm cho thị trường trong nước thêm khó khăn mà còn tăng khả năng gây dịch bệnh. Thứ ba, Chính phủ nên có gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp chế biến, giết mổ để thu mua, trữ đông thịt lợn phục vụ cho cuối năm.Thứ tư, giảm và miễn một số loại phí, trong đó có phí và lệ phí kiểm dịch thú y (chỉ thu phí kiểm dịch đầu vào và đầu ra, không thu ở khâu trung gian). Thứ năm, Bộ Nông nghiệp và PTNT cần tập trung mọi giải pháp để khống chế dịch tai xanh và kiểm soát lạm dụng chất cấm trong chăn nuôi để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng.

Bên cạnh những giải pháp mang tính tức thời, về lâu dài, để ngành chăn nuôi thoát khỏi tình trạng bấp bênh, “no dồn đói góp” thì điều quan trọng là phải điều chỉnh lại tổ chức sản xuất và thị trường, đẩy mạnh công tác dự báo thị trường, cung/cầu sản phẩm chăn nuôi. Tổ chức thực hiện thí điểm mô hình liên kết giữa các chủ thể sản xuất theo chuỗi giá trị để ngành chăn nuôi trong nước đứng vững khi phải cạnh tranh với thịt nhập khẩu và những biến động của thị trường. Thực hiện tái cơ cấu ngành hàng theo hướng giảm dần tỉ trọng thịt lợn. Sớm có quy hoạch dài hạn vùng chăn nuôi hàng hóa tập trung để chủ động cân đối cung/cầu trong trung và dài hạn. Rà soát và ban hành quy định mới về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm chăn nuôi.

Đồng thời, tiếp tục siết chặt và nâng cao hàng rào kỹ thuật đối với thịt nhập khẩu nhằm đưa giá thịt nhập khẩu gần hơn với giá không có trợ cấp và giá thịt trong nước. Theo ông Sơn, việc nhập khẩu là bài toán cần tính kỹ để đảm bảo tình hình sản xuất trong nước, nhất là trong tình cảnh khó khăn như hiện nay.

 

Theo tính toán của Hội Chăn nuôi Việt Nam, thiệt hại của ngành chăn nuôi hiện nay lên tới 2.000 tỷ đồng/tháng. Nhiều khả năng tình trạng này sẽ còn kéo dài tới tháng 9 đối với chăn nuôi lợn và đến tháng 8 đối với gia cầm, con số thiệt hại sẽ là 5.000 tỷ đồng/tháng.

Về giải pháp cấp bách, Hội kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, các bộ, ngành khác trình Chính phủ gói hỗ trợ 1.170 tỷ đồng từ gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng để giảm giá thức ăn chăn nuôi, trong đó 900 tỷ đồng thông qua giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; 270 tỷ đồng để vay tín dụng 9.000 tỷ đồng với lãi suất giảm chỉ còn 6%/năm kỳ hạn 6 tháng”.

 

Trần Trọng Thiết
Theo kinhtenongthon.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập106
  • Hôm nay27,469
  • Tháng hiện tại417,088
  • Tổng lượt truy cập90,480,481
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây