Xã Nam Hương có 550 hộ với 2.500 nhân khẩu, diện tích khoảng 2.100 ha, trong đó chủ yếu là đất đồi và rừng. Thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Trước đây, Nam Hương là xã nghèo 135, năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của xã trên 25%. Do địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, Nam Hương vẫn chưa có chợ, thương mại - dịch vụ kém phát triển.
Theo kế hoạch của tỉnh Hà Tĩnh, phải đến năm 2020, Nam Hương mới đạt các tiêu chí NTM. Tuy nhiên, qua trao đổi với Chủ tịch UBND xã Nguyễn Sỹ Quý được biết, hiện, xã đã hoàn thành 12 tiêu chí, các tiêu chí còn lại đều đạt từ 70-80%. Nhân dân đang nỗ lực hết mình để kịp cán đích trong năm 2018.
Nói về bước “nhảy vọt” của địa phương, ông Quý cho biết, Nam Hương trước đây thuộc xã 135, được các cấp quan tâm giúp đỡ, thụ hưởng nhiều chính sách ưu đãi. Tuy nhiên, cán bộ xã và nhân dân không có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các nguồn hỗ trợ mà tập trung lồng ghép, sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ sao cho có hiệu quả nhất.
Về phía chính quyền, UBND xã sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ để xây dựng các công trình hạ tầng xã hội như đường, trường học… Bên cạnh đó, xã còn kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất. Về phía nhân dân, các gia đình tích cực cải tạo vườn tạp, biến những khó khăn thành lợi thế, xây dựng các mô hình kinh tế vườn đồi, đặc biệt là trồng cây ăn quả, trồng rừng… Bởi vậy, kinh tế ngày càng chuyển biến tích cực.
Chị Nguyễn Thị Tuyết (thôn Lâm Hưng) chia sẻ: “Trước đây, dù vườn rộng nhưng chủ yếu là cây tạp, hoặc bỏ hoang, không tạo ra giá trị kinh tế. Được xã khuyến khích, tiếp cận với kỹ thuật, năm 2014, gia đình quyết định đầu tư xây dựng kinh tế vườn. Đến nay, trên diện tích 1 ha, chúng tôi có hơn 350 cây ăn quả các loại gồm cam, bưởi và chanh, ngoài ra, còn trồng nhiều loại rau và dưa hấu. Hiện, cây cam đã ra quả bói, thu nhập từ vườn vẫn chưa nhiều, song, hứa hẹn trong tương lai sẽ mang lại nguồn thu lớn”.
Được biết, xã Nam Hương còn hàng chục mô hình kinh tế mới như nuôi lợn rừng, trồng tiêu, nuôi chim yến… bước đầu cho thấy những tín hiệu tích cực về hiệu quả kinh tế.
Nam Hương còn có nhiều cách làm sáng tạo trong xây dựng NTM. Chúng tôi ghi nhận nhiều câu chuyện thú vị trong xây dựng NTM ở địa phương đặc biệt này. Trong quá trình xây dựng khu dân cư kiểu mẫu ở thôn Tân Sơn và thôn Yên Thượng, để tiết kiệm chi phí mua giống cây làm hàng rào xanh, người dân rủ nhau lên rừng đào cây sim về trồng. Những ngày hè, sim nở tím đường, vừa tạo cảnh quan đẹp, vừa giữ được nét quê.
Ấn tượng nhất là câu chuyện tận dụng gạch block làm bồn hoa, lát lề đường. Trong một lần đi qua TP Hà Tĩnh, thấy công nhân đang thay gạch vỉa hè (gạch block), Chủ tịch UBND xã đã xin toàn bộ số gạch cũ rồi thuê xe chở về địa phương. “Cũ người mới ta”, gạch được người dân tận dụng làm bồn hoa, lát lề đường, tiết kiệm được nhiều chi phí nhưng vẫn đảm bảo các chỉ tiêu theo quy định.
Về thu hút đầu tư, xã hiện có 2 khu du lịch sinh thái đang được xây dựng trên diện tích 20 ha, tổng nguồn vốn khoảng 160 tỷ đồng.
Dù nhận thấy vẫn còn nhiều khó khăn, song Chủ tịch UBND xã Nguyễn Sỹ Quý lạc quan rằng: “Với sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền, các mạnh thường quân, cùng sự đồng lòng của chính quyền và nhân dân thì Nam Hương hoàn toàn có thể cán đích NTM trong năm 2018.