Học tập đạo đức HCM

"Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công"

Thứ hai - 21/09/2020 00:37
Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” đã và đang được cả hệ thống chính trị của Quảng Ninh vận dụng trong thực hiện nhiệm vụ trên các lĩnh vực phát triển kinh tế và đời sống xã hội. Nhiều cách làm hay, mô hình tiêu biểu, cá nhân điển hình trong phong trào “Dân vận khéo” xuất hiện, đã góp phần tạo nên sức mạnh đoàn kết, đồng thuận trong nhân dân để thực hiện thành công những nhiệm vụ trọng tâm, việc khó của mỗi địa phương và toàn tỉnh.



Hội thi "Dân vận khéo" tỉnh Quảng Ninh năm 2020 cụm miền Tây tổ chức tại TP Cẩm Phả, ngày 16/9.

Củng cố niềm tin bằng dân vận khéo

Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Lê Thị Tuyết Mai, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Quang Hanh (TP Cẩm Phả) kể lại thời điểm tháng 3, tháng 4/2020 cùng cả nước căng mình trước tình hình phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Theo đó, bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của tỉnh, đội ngũ cán bộ từ phường cho đến các tổ dân, khu phố trên địa bàn Quang Hanh đều nêu cao tinh thần “chống dịch như chống giặc”, làm tốt công tác dân vận để chống dịch hiệu quả từ mỗi gia đình, khu dân cư.

Dường như trong tình hình đặc biệt thì tinh thần trách nhiệm của đội ngũ này càng được nêu cao: Vừa đảm bảo các biện pháp bảo vệ sức khỏe cho bản thân, vừa tranh thủ triển khai mọi biện pháp phù hợp để đưa đầy đủ thông tin đến cho người dân trên địa bàn hiểu và tự giác chấp hành nghiêm việc đeo khẩu trang, khai báo y tế, hạn chế tụ tập, giãn cách xã hội...



Bà Lê Thị Tuyết Mai (giữa), Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Quang Hanh (TP Cẩm Phả), nắm tình hình hộ nghèo bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 cần nhận hỗ trợ.

“Khi đó bất kể là ngày hay đêm, mọi cán bộ tổ dân, khu phố, MTTQ, các đoàn thể của phường đều sẵn sàng tới từng hộ dân để tuyên truyền, vận động, phối hợp rà soát tình hình dịch tễ, nhanh chóng kiểm tra biến động về dân cư. Với những hộ kinh doanh mặt hàng không thiết yếu buộc phải dừng hoạt động, công tác tuyên truyền, vận động phải khéo léo, kịp thời, để thuyết phục họ nhanh chóng chấp hành theo chỉ đạo chung.

Rồi khi có những luồng thông tin không chính xác về dịch bệnh Covid-19 lan truyền trong công đồng, đội ngũ cán bộ dân vận của phường và các tổ dân, khu phố lại vào cuộc để làm công tác tư tưởng, kiên trì giải thích, thuyết phục hợp lý hợp tình. Nhờ làm tốt công tác dân vận, đã giúp cho người dân không còn tâm lý hoang mang, càng thêm yên tâm, tin tưởng vào các giải pháp quyết liệt, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, đồng lòng chống dịch hiệu quả” - Bà Mai cho biết.



Ủy ban MTTQ phường Quang Hanh (TP Cẩm Phả) triển khai nhiệm vụ phối hợp tuyên truyền, vận động phòng chống dịch Covid-19 trong giai đoạn bình thường mới.

Đây không phải là cách làm riêng của phường Quang Hanh (TP Cẩm Phả), mà được khắp các xã, phường, thị trấn trên địa bàn Quảng Ninh vận dụng trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trong đó, cán bộ dân vận ở cơ sở chính là những người góp phần tạo nên “pháo đài chống dịch” vững vàng: Liên tục tăng cường nắm tình hình, phối hợp tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn; kịp thời phát hiện, đấu tranh với những luồng thông tin sai lệch, ổn định tư tưởng trong nhân dân...



Khu phố 6, thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn) kiểm soát chặt người ra vào địa bàn trong thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 (tháng 4/2020).

Đối với những nhiệm vụ thuộc các lĩnh vực khác, công tác dân vận cũng luôn đóng vai trò quan trọng như thế để góp phần vào thành công chung. Nổi bật như việc Quảng Ninh triển khai chiến dịch “30 ngày đêm" hoàn thành công tác GPMB Dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sau điều chỉnh.

Trong không khí dân chủ, phấn khởi, 100% hộ dân, tổ chức liên quan đều đã tự nguyện ký biên bản bàn giao tổng số diện tích đất lên đến 187ha chỉ trong 15 ngày - bằng một nửa thời gian so với dự tính. Người dân đã đặt niềm tin hoàn toàn vào chủ trương và sự lãnh đạo của tỉnh. Từ nền tảng đó, Quảng Ninh tiếp tục phát động thi đua triển khai chiến dịch “500 ngày đêm” hoàn thành dự án cao tốc này.



Cán bộ MTTQ và các đoàn thể xã Quảng Thịnh (huyện Hải Hà) tham gia cùng tổ công tác đến từng hộ dân thuộc diện bàn giao mặt bằng tại thôn 3 để vận động, tuyên truyền. Ảnh: Thái Cảnh

Hay như việc dân vận khéo trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”. Nhờ luôn quán triệt chủ trương này, tỉnh đã vận động, quy tụ được nguồn lực lớn từ nhân dân cùng tham gia xây dựng NTM.

Thống kê của Ban xây dựng NTM tỉnh, giai đoạn 2010-2019, nguồn lực xã hội hóa cho xây dựng NTM được các doanh nghiệp, người dân trong tỉnh đóng góp hơn 17.700 tỷ đồng, trong đó người dân đã góp gần 236.000 ngày công lao động, bàn giao gần 122ha đất các loại, cùng nhiều vật kiến trúc, cây cối, rau màu liên quan.

Người dân còn tham gia tích cực vào công tác giám sát, góp sáng kiến, trí tuệ trong từng dự án, công trình NTM tại địa phương mình; chủ động học tập kiến thức khoa học kỹ thuật, phát triển các mô hình kinh tế cho thu nhập cao; hăng hái tham gia tự quản an ninh trật tự, xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc...

Nhân lên cách làm hay, kinh nghiệm quý

Đội ngũ làm công tác dân vận tại cơ sở đã góp phần tích cực củng cố niềm tin, mối quan hệ giữa nhân dân với tổ chức cơ sở Đảng và chính quyền các cấp, tạo sức mạnh tổng hợp để thực hiện thành công mọi nhiệm vụ chính trị.

Họ thường xuyên, liên tục “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, phối hợp tuyên truyền để đem chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước giải thích cho người dân hiểu rõ và thi hành; sâu sát, gần gũi để nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của người dân; phối hợp với chính quyền tổ chức đối thoại với người dân trước khi quyết định những chủ trương lớn của địa phương.

Không dập khuôn, máy móc hay hành chính hóa, công tác dân vận đã và đang được triển khai rất linh hoạt, phù hợp theo từng địa bàn dân cư, với những đặc thù riêng về dân tộc, vùng miền, điều kiện kinh tế, dân trí... Đó chính là cách làm hay, kinh nghiệm quý trong công tác dân vận.



Cán bộ khu phố Chùa Bằng, phường Quảng Yên, TX Quảng Yên (ngoài cùng, bên trái) nắm tình hình trên địa bàn qua phản ánh của người dân.

Phong trào dân vận khéo đã có sức lan tỏa khắp các địa phương, đơn vị trong tỉnh, mang lại hiệu quả thiết thực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Các cấp ủy, chính quyền, địa phương, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn cũng cụ thể hóa từ nhiệm vụ của đơn vị mình để có những cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện công tác dân vận. Đặc biệt, đã chủ động xây dựng, phát động các phong trào thi đua, những mô hình, điển hình dân vận khéo, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, các cấp ủy đảng, chính quyền luôn coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, nhằm biểu dương, khen thưởng những đơn vị có cách làm hay, sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực; phát hiện những khó khăn, vướng mắc, để có hướng chỉ đạo, tháo gỡ. Đến nay, toàn tỉnh đã có gần 2.200 mô hình dân vận khéo đăng ký các cấp. Qua thẩm định, đã lựa chọn gần 800 điển hình dân vận khéo đề nghị UBND các cấp khen thưởng.



Cán bộ xã Quảng Thành (huyện Hải Hà) nắm tình hình xây dựng vườn mẫu của nông dân địa phương.

Năm 2020, tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội thi "Dân vận khéo" các cấp, là đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp để thiết thực chào mừng đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV; đồng thời hướng tới dịp kỷ niệm 90 năm Ngày Truyền thống công tác dân vận của Đảng 15/10 (1930-2020). Trong đó, hội thi cấp tỉnh được tổ chức theo 2 cụm (miền Đông và miền Tây) lần lượt trong các ngày 16 và 19/9/2020.

Đúng với mục tiêu Ban Tổ chức đề ra, những cán bộ dân vận của tỉnh đã có dịp khẳng định kiến thức, kinh nghiệm hoạt động của mình; đồng thời giao lưu, học hỏi lẫn nhau về cách làm hay, kinh nghiệm quý, nhằm nâng cao nghiệp vụ công tác.



Các đội thi tham dự phần tìm hiểu kiến thức tại Hội thi "Dân vận khéo" cấp tỉnh năm 2020 cụm miền Tây tổ chức tại TP Cẩm Phả, ngày 16/9.

Từng vòng thi tại các địa phương là dịp để đội ngũ cán bộ dân vận tự tin giới thiệu tới cộng đồng về những phương pháp hay trong công tác vận động quần chúng, mang lại hiệu quả thiết thực; nhất là trong vận động nhân dân góp công, góp của xây dựng NTM, hòa giải những mâu thuẫn phát sinh trong đời sống thường ngày, củng cố mối quan hệ khăng khít giữa Đảng với nhân dân...

Đây cũng là đợt sinh hoạt văn hoá tinh thần bổ ích, thú vị cho các tầng lớp nhân dân tới xem và cổ vũ, bởi hình thức tổ chức rất phong phú, sôi nổi, hấp dẫn, như: Thi kiến thức, dàn dựng màn chào hỏi công phu, diễn tiểu phẩm từ chất liệu đời sống... Từ đó, người dân thêm hiểu hơn về công tác dân vận, về cả đội ngũ những người cán bộ đang nỗ lực mỗi ngày “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” để phục vụ nhân dân.



Phần thi xử lý tình huống tại Hội thi "Dân vận khéo" cấp tỉnh năm 2020 cụm miền Tây tổ chức tại TP Cẩm Phả, ngày 16/9.

Có mặt tại Hội thi "Dân vận khéo" cấp tỉnh năm 2020 tổ chức tại TP Cẩm Phả ngày 16/9 vừa qua, chúng tôi có dịp hiểu rõ những bài học quý trong từng phần thi hấp dẫn từ các đội thi cụm miền Tây của tỉnh. Nếu như phần chào hỏi được các đội thi thể hiện dưới hình thức sân khấu hóa, nhằm khái quát được đơn vị, địa phương mình, gắn với kiến thức dân vận, thì phần thi kiến thức là thử thách cho các đội về việc nắm vững những quan điểm chỉ đạo, các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Trung ương, của tỉnh về công tác dân vận.

Đặc biệt là việc yêu cầu thí sinh phải hóa thân vào những vị trí công tác khác nhau, như: Trưởng thôn/khu phố, trưởng công an xã, chủ tịch ủy ban MTTQ phường, người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số... để xử lý tình huống khó mà Ban Tổ chức đặt ra.

Còn trong phần thi tiểu phẩm, các đội đã sử dụng chất liệu đời sống để mang lên sân khấu, chia sẻ rộng rãi về kinh nghiệm vận dụng kiến thức pháp luật, kỹ năng dân vận khéo, cách làm hiệu quả của địa phương, đơn vị mình. Có thể nói, các đội, các thí sinh tham gia đã làm rất tốt việc chuyển thông điệp đến người xem về vai trò, vị trí, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, người cán bộ làm công tác dân vận.

Bằng cách quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận ở các cấp đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội... đã giúp cho công tác dân vận của Quảng Ninh ngày càng đổi mới, tạo sự đồng thuận cao từ cơ sở.

Theo Hoàng Giang/quangninh.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập107
  • Hôm nay24,918
  • Tháng hiện tại292,541
  • Tổng lượt truy cập92,670,205
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây