Sáng 10/9, thông tin từ Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Phòng cho hay, trên địa bàn thành phố Cảng đang có gần 30 nghìn ha lúa mùa đang thời kỳ trỗ bông, khoảng 2.000 ha rau màu đang trên các cánh đồng.
Do lúa đang trong thời kỳ "nhạy cảm" và các địa phương đang vào đợt cao điểm phòng trừ sâu, bệnh, trừ sâu đục thân, bệnh đạo ôn trổ bông,… nên nếu bão Conson đổ bộ vào Hải Phòng, có thể ảnh hưởng lớn đến năng suất vụ mùa.
“Giai đoạn từ mùng 10-25/9, gần 30 nghìn ha trồng lúa vụ mùa ở Hải Phòng đang giai đoạn trỗ bông, đây là giai đoạn quan trọng, nếu bão gió vào kèm mưa lớn sẽ bị ảnh hưởng nhiều đến năng suất”, ông Lê Việt Cường – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thông tin.
Tại các địa phương sản xuất nông nghiệp, khi nhận thông tin về cơn bão, nhiều người trồng lúa đang “nín thở” theo dõi tin bão từng giờ và hy vọng bão Conson không đổ bộ.
Huyện Kiến Thụy, nơi đang có hơn 3.000 ha lúa vụ mùa đang làm đòng, dù cơ quan chức năng đã sẵn sàng các phương án ứng phó như: hạ mực nước đệm, chủ động tranh thủ thời gian nắng khi bão chưa vào để phun thuốc bảo vệ thực vật,… nhưng người dân vẫn rất lo lắng về một vụ mùa thất thu có thể xảy ra.
Bà Phạm Thị Dung, trưởng thôn Xuân Chiến, xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy cho biết, cả thôn có 75ha, trong đó đến 90% đang trong giai đoạn ôm đòng, khi biết thông tin về cơn bão Conson, cả thôn như ngồi trên đống lửa.
“Lúa vụ này đẹp lắm nên khi nghe tin bão số 5 ai cũng lo lắng. Kinh nghiệm của người nông dân chúng tôi là không có cách nào để ứng phó nếu bão về, giờ chỉ chờ vào may mắn, bão không về thôi”, bà Dung lo lắng.
Theo Sở NN-PTNT Hải Phòng, để chủ động các biện pháp phòng chống, ứng phó bão số 5, ngành nông nghiệp Hải Phòng đã có công điện gửi các địa phương và các đơn vị trực thuộc yêu cầu nắm chắc tình hình sản xuất, tình hình mưa bão.
Mặt khác, giao nhiệm vụ cho cán bộ và các trạm bảo vệ thực vật tiến hành nắm toàn bộ diện tích cây trồng, rau màu có bao nhiêu, đang thời kỳ thu hoạch hay mới trồng,… để có biện pháp đề nghị các địa phương chủ động khơi thông dòng chảy, tránh ngập úng.
Trong đó, với cây lúa, cần có giải pháp để chỉ đạo các Công ty khai thác công trình thủy lợi tháo nước đệm để đề phòng ngập úng và đảm bảo tiêu thoát nước kịp thời nếu mưa lớn, còn ngành thủy lợi chủ động kiểm tra ống cống, trạm bơm để chủ động tiêu thoát nước nếu mưa lớn để đảm bảo rau màu.
Tình hình bão Conson:
Hồi 10h ngày 10/9, vị trí tâm bão Conson ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 112,6 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Nam khu vực quần đảo Hoàng Sa.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 160km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, cường độ giảm xuống cấp 7-8, mỗi giờ đi được khoảng 10km và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi.
https://nongnghiep.vn/nguoi-trong-lua-dat-cang-nin-tho-theo-doi-tin-bao-conson-d302251.html
Theo Đinh Mười/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã