Học tập đạo đức HCM

Chuyển đổi trồng dưa hấu trên đất màu kém hiệu quả cho thu nhập cao

Thứ ba - 25/06/2024 03:22
Từ những diện tích đất cao cạn bỏ hoang hoặc sản xuất các loại cây màu kém hiệu quả đã được nhiều nông dân Hà Tĩnh cải tạo chuyển đổi sang trồng dưa hấu không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn giải quyết việc làm cho lao động nông thôn
Cánh đồng Cồn của thôn Trung Đức, xã Kỳ Tân  rộng hơn 7ha, là một vùng đất cao cạn quanh năm. Đây từng là vùng đất sản xuất hoa màu, nhưng do hiệu quả thấp nên dần trở thành cánh đồng hoang.
Nhận thấy vùng đất này có thể cải tạo để trồng dưa hấu, năm 2022, vợ chồng ông Nguyễn Văn Ánh ở thôn Trung Đức, xã Kỳ Tân (huyện Kỳ Anh) đã mạnh dạn mượn đất, đầu tư trồng thử 3 sào dưa hấu và cho kết quả khả quan.
Với kết quả đó, vợ chồng ông Ánh đã thuê lại toàn bộ diện tích 7ha đất để đầu tư trồng dưa hấu. Đến nay, vùng đất cao cạn bỏ hoang ngày nào đã trở thành cánh đồng bạt ngàn dưa hấu đem lại hiệu quả kinh tế cao.
h3 2
Ông Nguyễn Văn Ánh ở thôn Trung Đức, xã Kỳ Tân (huyện Kỳ Anh) đã “biến” vùng đất hoang thành cánh đồng bạt ngàn dưa hấu.

Ông Ánh cho biết, để triển khai mô hình này, sau khi thuê được đất, ông và đã quy hoạch cải tạo lại mặt bằng, lắp đặt hệ thống tưới, tiêu và đầu tư 2 chiếc máy cày đa chức năng, vừa phục vụ làm đất vừa đảm bảo vận chuyển sản phẩm từ ruộng về kho tập kết để đảm bảo yêu cầu về tiến độ sản xuất, cũng như thuận lợi trong quá trình thu hoạch.
Trên toàn bộ diện tích 7 ha, ông Ánh đã trồng 2 loại giống dưa chất lượng cao Apolo và giống dưa sọc Mỹ siêu quả Fancy 555. Để thường xuyên có sản phẩm xuất bán, ông Ánh đã chia đất ra 2 thửa và sản xuất luân canh. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, cộng với sự kiên trì, chịu khó, nên cánh đồng dưa hấu ngày càng cho năng suất cao.
Theo tính toán của ông Ánh, từ vụ thứ 2, ruộng dưa bắt đầu cho năng suất cao và duy trì từ 20-22 tấn/ha. Với giá bán 6000-8000 đồng/kg, sau khi trừ mọi chi phí, mỗi vụ sản xuất cho lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/ha.
          Không ngừng học hỏi kinh nghiệm và nâng cao giá trị sản phẩm, ông Nguyễn Văn Ánh dành diện tích 6 sào đất  trồng dưa theo hướng hữu cơ, liên kết với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm, đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực.
Ông Ánh cho biết: “Áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, quá trình gieo hạt, ươm cây đến khi trồng và chăm sóc, đều sử dụng hoàn toàn bằng phân bón hữu cơ và xử lý sâu bệnh  bằng chế phẩm sinh học, vì thế nên đất trồng ngày càng giàu dinh dưỡng, cây dưa sinh trưởng phát triển tốt, thân cây dẻo dai, mập mạp, có sức chống chịu tốt với khí hậu khắc nghiệt. Cây hoàn toàn khỏe mạnh, ít bị sâu bệnh cho đến khi thu hoạch. Đặc biệt, cho quả to đều, mỗi quả 2-2,5kg, độ ngọt tăng và mẫu mã đẹp, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
Tuy năng suất tương đương so với trồng dưa thông thường nhưng chất lượng dưa đảm bảo, giá bán dưa hấu trồng theo hướng hữu từ 12.000-13.000 đồng/kg, cao hơn so với dưa canh tác truyền thống 5.000-6.000đồng/kg. Chính vì thế, tôi đang dự định mở rộng diện tích trồng dưa hấu theo hướng hữu cơ trong những vụ tiếp theo để cung cấp sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng”.
A046- Ông Nguyễn Văn Ánh  dự định mở rộng diện tích trồng dưa hấu theo hướng hữu cơ để tạo sản phẩm có giá trị cao.
Cùng với sự năng động của người dân, thời gian qua, UBND xã Kỳ Tân đã phối hợp với Trung tâm ứng dụng KHKT và BVCTVN huyện Kỳ Anh đã tổ chức tập huấn quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc dưa hấu, nhờ vậy hiệu quả từ trồng dưa hấu được nâng lên.
Ông Lê Xuân Lành- Chủ tịch UBND xã Kỳ Tân cho biết: Trên địa bàn hiện có nhiều diện tích đất cao cạn làm màu không hiệu quả đã được người dân chuyển sang trồng dưa hấu, bởi loại cây cây trồng này không chịu ngập, không cần quá nhiều nước tưới và phát triển mạnh trên vùng đất cát pha. Đến nay, toàn xã có 11 hộ trồng dưa hấu, với gần 20 ha sản xuất rất tốt. Tuy nhiên, việc tăng diện tích chuyển đổi sẽ theo khả năng canh tác và theo kế hoạch chung của xã, không triển khai ồ ạt. Chính quyền địa phương sẽ định hướng cho bàn con mở rộng diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ để tạo sản phẩm chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm, làm cơ sở để tiến tới xây dựng chuỗi giá trị nông sản và phát triển thành sản phẩm OCOP của xã.
Còn tại xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, những năm qua, nhiều hộ dân trên địa bàn cũng chủ động chuyển đổi những vùng đất pha cát bạc màu trồng các loại cây truyền thống như lạc, ngô kém hiệu quả sang trồng dưa hấu đem lại thu nhập cao.
Là năm thứ 2 chuyển từ trồng cây lạc sang trồng dưa hấu, ông Hoàng Văn Doãn thôn Nam Sơn, xã Thịnh Lộc hết sức phấn khởi vì hiệu quả cây dưa hấu mang lại cao hơn hẳn trồng lạc, trồng khoai. Điều đáng nói, dù mới chuyển đổi trồng dưa được 2 vụ nhưng ông Doãn đã mạnh dạn áp dụng trồng dưa hấu theo hướng hữu cơ liên kết với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm. Điều này, đồng nghĩa với việc, quá trình triển khai mô hình đòi hỏi ông Doãn phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất bên phía công ty đưa ra để tạo sản phẩm đảm bảo chất lượng, mẫu mã đẹp như đã cam kết.
 “Biết là sản xuất theo quy trình quy chuẩn sẽ tốn kém công sức và khắt khe từng khâu kỷ thuật nhưng gia đình sẵn sàng áp dụng vì rõ ràng sản phẩm sẽ an toàn, chất lượng giá trị được nâng cao. Nếu như trước đây, trồng lạc cho thu nhập 5 triệu đồng/sào, khoai lang 3 triệu đồng/sào thì bây giờ trồng dưa hấu cho thu nhập 16-17 triệu đồng/sào, cao gấp 3-5 lần, được Công ty thu mua sản phẩm đầu ra nên chúng tôi rất yên tâm.”. Ông Doãn nói.
Vụ dưa này, với diện tích hơn 1 sào, gia đình đã thu hoạch được 3 lứa với tổng sản lượng trên 2 tấn, trong đó có khoảng hơn 1,5 tấn loại 1 được bán cho doanh nghiệp, và gần 5 tạ loại 2 (trọng lượng mỗi quả dưới 2 kg) bán lẻ cho người tiêu dùng địa phương.
Được biết, ông Doãn là 1 trong 5 hộ dân tham gia mô hình sản xuất dưa hấu theo hướng hữu cơ do Hội Nông dân huyện Lộc Hà, Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện phối hợp với xã Thịnh Lộc triển khai. Để thực hiện mô hình, địa phương đã tổ chức khảo sát,  quy hoạch đất đai, đầu tư hạ tầng sản xuất (điện, nước, hàng rào...), tổ chức cho hộ dân đi tham quan các mô hình thực tế để triển khai trên diện tích 3.000 m2.
Cùng với đó, các hộ dân còn được Công ty Quế Lâm cung ứng trước giống, phân bón, quy trình sản xuất, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm... với tổng chi phí 2,3 triệu đồng/sào. Số tiền đầu tư này sẽ được doanh nghiệp khấu trừ sau khi mua lại sản phẩm.
a047
Mô hình chuyển đổi trồng dưa hấu hữu cơ trên đất trồng cây màu kém hiệu quả mang lại thu nhập cao cho một số hộ dân xã Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà)
 Nguyễn Duy Lam – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lộc Hà cho biết:  “Với mô hình sản xuất dưa hấu theo hướng hữu cơ, bước đầu đã có những thành công nhất định, bà con rất phấn khởi. Lợi thế khi trồng dưa hấu, thời gian ngắn, tính từ ngày xuống giống đến khi thu hoạch xong (2-3 lứa/vụ) là 3 tháng, mỗi sào có thể cho sản lượng 2 tấn dưa loại 1 và khoảng 5-7 tạ dưa loại 2. Với giá bán bình quân từ 10 - 11 nghìn đồng/kg ngay tại chân ruộng, mỗi sào dưa sẽ cho giá trị sản xuất khoảng 27 - 30 triệu đồng, trừ mọi chi phí, có lãi 12-15 triệu đồng/sào, cao gấp 3-5 lần trồng các loại cây hoa màu khác. Do hiệu quả kinh tế cao nên  trong thời gian tới, chúng tôi dự kiến sẽ mở rộng mô hình thêm 3 ha tại các xã: Thịnh Lộc, Bình An, Thạch Mỹ, Thạch Châu, Mai Phụ và Thị trấn Lộc Hà.”.
Dưa hấu có thể nói dễ trồng trên các đồng đất khác nhau, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Đến nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có trên 250ha trồng cây dưa hấu, tập trung chủ yếu tại một số huyện như: Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Nghi Xuân. Đáng chú ý là phần lớn những diện tích trồng dưa hấu này trước đây là đất hoang hóa, hoặc là đất cao cạn, sản xuất cây trồng truyền thống cho năng suất thấp. Qua thực tế sản xuất, cây dưa hấu đã khẳng định vai trò thế mạnh khi đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so một số loại cây trồng ngắn ngày khác. Đây là hướng đi phù hợp với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích của tỉnh, qua đó, góp phần đa dạng hóa các loại cây trồng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân.
Ngành chuyên môn khuyến cáo, song song với việc mở rộng diện tích, chính quyền địa phương tích cực phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức tập huấn hướng dẫn quy trình sản xuất cho nông dân theo hướng an toàn (hữu cơ, VietGAP), hỗ trợ tìm kiếm thị trường, liên kết sản xuất, vừa cung cấp cho thị trường những sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, vừa bảo vệ hệ sinh thái đồng ruộng và phát triển bền vững./.
Nguyễn Hoàn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập152
  • Hôm nay27,306
  • Tháng hiện tại449,588
  • Tổng lượt truy cập87,804,658
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây