Học tập đạo đức HCM

Siết chặt quản lý chất lượng sản phẩm OCOP

Thứ hai - 26/10/2020 18:40
Nhờ triển khai hiệu quả chương trình OCOP, nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh đã từng bước tạo dựng được niềm tin yêu trong đông đảo người tiêu dùng. Việc chú trọng thắt chặt quản lý chất lượng sẽ là yêu cầu hàng đầu để các sản phẩm tiếp tục được hoàn thiện, có thể vươn tầm xa hơn nữa với mục tiêu tiến tới phục vụ xuất khẩu thời gian không xa.

 


Người dân tham quan, mua sắm tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2020 (tháng 5/2020).

Nhiều “quả ngọt” nhờ có OCOP

Trải qua 2 giai đoạn triển khai thực hiện từ năm 2013 đến nay, chương trình OCOP đã tạo được nhiều dấu ấn đậm nét. Hỗ trợ của Nhà nước chủ yếu đến từ việc tạo ra “sân chơi”, hỗ trợ chính sách, xúc tiến thương mại. Đơn cử như việc từ tỉnh đến các địa phương đã chủ động thành lập Ban Điều hành OCOP, triển khai các dự án phát triển sản xuất, tổ chức hội thi đánh giá và phân hạng sản phẩm... Còn ý nghĩa của chương trình OCOP là nhằm động viên, hướng dẫn để các chủ thể sản xuất có sự chủ động về ý tưởng sản phẩm, xác định thị trường, nghiên cứu, áp dụng giải pháp nâng cao chất lượng, đa dạng hóa chủng loại, chuyên nghiệp hóa sản phẩm. Đặc biệt là có thể tự lực, tự tin và sáng tạo trong mọi khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông sản thế mạnh của địa phương.


Sản xuất "Chân giò Ba Miền" tại cơ sở nhà hàng Ba Miền (xã Tân Lập, huyện Đầm Hà).

Nhờ đó đến nay, toàn tỉnh đã có gần 450 sản phẩm tham gia và được xếp hạng từ 3-5 sao trên cơ sở đánh giá loạt các tiêu chí về nguồn gốc, quy trình sản xuất, chất lượng, vệ sinh. Gần 180 đơn vị, doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất tham gia chương trình và ngày càng tiến bộ về dây chuyền sản xuất, hệ thống nhà xưởng; đổi mới mẫu mã bao bì, tem nhãn sản phẩm ngày càng đẹp và chuyên nghiệp hơn để phục vụ người tiêu dùng.

Đơn cử như tại huyện Đầm Hà, món ăn “Chân giò Ba Miền” là một trong những đặc sản mang thương hiệu OCOP nổi bật những năm qua. Ông Phan Văn Khôi (xã Tân Lập, huyện Đầm Hà) là người sáng tạo ra món ăn chân giò rút xương, tẩm gia vị, nướng than hoa đầy hấp dẫn này và phát triển thành sản phẩm được ưa chuộng như hiện nay. Theo ông Khôi: Món chân giò lợn có thể trở thành sản phẩm OCOP, được xếp hạng 3 sao cấp tỉnh, là bởi đã đáp ứng được những yêu cầu khắt khe trong việc chế biến, hoàn thiện bao bì nhãn mác để đóng gói sản phẩm phục vụ thực khách xa gần tin dùng.


Nông sản Bình Liêu được bày bán tại Trung tâm Giới thiệu và Bán sản phẩm OCOP huyện.


Còn tại huyện vùng cao Bình Liêu, chương trình OCOP cũng đã giúp người dân có định hướng để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo ra nhiều nông sản phẩm, khẳng định thương hiệu trên thị trường. Các xã, thị trấn trên địa bàn cũng chủ động phối hợp với các phòng, ban chuyên môn rà soát quy hoạch đất đai trên địa bàn, ưu tiên bố trí khu vực sản xuất các sản phẩm OCOP tập trung. Đồng thời, hoàn thiện hạ tầng phục vụ sản xuất để đảm bảo các sản phẩm OCOP được sản xuất trong điều kiện tốt nhất. Hiện huyện có 27 sản phẩm OCOP của 9 tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, HTX; trong đó có 2 sản phẩm hạng 4 sao là miến dong và nước lọc tinh khiết Bình Liêu, 10 sản phẩm đạt 3 sao.

Trong quá trình triển khai chương trình OCOP, vai trò của MTTQ và các đoàn thể của tỉnh cũng được khẳng định rõ qua việc đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đây là kênh tuyên truyền, vận động hiệu quả, liên tục tới đông đảo đoàn viên, hội viên, nhân dân toàn tỉnh; góp phần kết nối thông suốt từ sản xuất đến tiêu dùng khi người dân có thói quen tiêu dùng ủng hộ nhiều hơn cho mặt hàng nội địa. Khi đó, chính chất lượng tốt, mẫu mã chuyên nghiệp lại tiếp tục thuyết phục người dân tin dùng lâu dài các mặt hàng OCOP.

Giữ vững thương hiệu và niềm tin

Giai đoạn 2017-2020, tỉnh xác định nhiệm vụ trọng tâm của chương trình OCOP là phải tập trung chuyển từ “lượng” sang “chất”. Tức là yêu cầu các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP phải chủ động hơn nữa nâng cao chất lượng, hoàn thiện bao bì, đa dạng hóa chủng loại nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và từng bước hướng tới xuất khẩu. Đặc biệt là chủ trương kiên quyết đề nghị đưa ra khỏi Chương trình OCOP đối với những sản phẩm mà doanh nghiệp “thờ ơ”, không chú trọng đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cấp bao bì, tem nhãn, thậm chí là quản lý sản xuất kém, sản phẩm tiêu thụ chậm, không còn có tính cạnh tranh trên thị trường.


Chanh đào mật ong là một trong những sản phẩm OCOP nổi bật của huyện Hải Hà.

Quy định của Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh cũng nêu rõ, nhãn hiệu OCOP Quảng Ninh chỉ được sử dụng cho các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng đạt từ 3 sao trở lên. Đồng thời, đình chỉ việc sử dụng nhãn hiệu đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định khi sử dụng nhãn hiệu quá 2 lần nhưng không khắc phục, không còn đáp ứng điều kiện sử dụng nhãn hiệu, không thanh toán đầy đủ các chi phí cho việc chứng nhận, bảo vệ nhãn hiệu. Với cách làm như vậy, trong 6 tháng đầu năm nay, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định thu hồi giấy chứng nhận đạt sao đối với 10 sản phẩm OCOP đã cấp sao từ năm 2016. Ban Xây dựng NTM đã quyết định đưa 65 sản phẩm (chưa cấp sao) ra khỏi Chương trình OCOP do không còn sản xuất, không đảm bảo tiêu chuẩn và không có tiềm năng phát triển để đánh giá phân hạng.

Giải pháp này được đưa ra nhằm đảm bảo chương trình OCOP luôn được triển khai theo đúng mục tiêu ban đầu đề ra. Đó là đảm bảo tính công bằng cho mọi sản phẩm khi tham gia vào “sân chơi” này phải ngày càng nâng cao về chất lượng, hoàn thiện về mẫu mã, chuẩn hóa về bao bì, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong, ngoài tỉnh và tiến gần hơn với thị trường quốc tế.


Người dân tham quan, mua sắm tại điểm bán hàng OCOP cảng Cái Rồng (thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn).

Từ sự quyết liệt, sát sao của cấp tỉnh cũng đặt ra nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên cho các địa phương là cần bám sát các quy trình trong Chương trình OCOP để hỗ trợ, tư vấn và giúp đỡ các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh đối với các sản phẩm mới. Đồng thời áp dụng các cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện sản phẩm; tổ chức kiểm tra, rà soát để kịp thời báo cáo tỉnh có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các sản phẩm có khả năng phát triển nhưng đang gặp khó...

Quảng Ninh đã ghi dấu ấn là địa phương đầu tiên triển khai chương trình OCOP và gặt hái nhiều thành tựu đáng tự hào, tạo cơ sở để nhân rộng thực hiện trên phạm vi cả nước. Đến nay, những nỗ lực và tinh thần sáng tạo đó vẫn được toàn tỉnh phát huy, để nông sản Quảng Ninh ngày càng hoàn thiện và vươn tầm.

Theo Hoàng Giang/quangninh.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập195
  • Hôm nay44,536
  • Tháng hiện tại816,370
  • Tổng lượt truy cập88,171,440
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây