Nâng tầm chất lượng sản phẩm OCOP
Đại diện HTX Thu mua và chế biến thủy hải sản Chiến Thắng (xã Kỳ Ninh, TX Kỳ Anh) trình bày quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm nước mắm Luận Nghiệp trước Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đợt 1/2020.
Năm 2019, sản phẩm Nước mắm Luận Nghiệp của HTX Thu mua và chế biến thủy hải sản Chiến Thắng (xã Kỳ Ninh, TX Kỳ Anh) được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đánh giá đạt chất lượng OCOP 3 sao.
Không dừng lại ở đó, HTX Chiến Thắng tiếp tục nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm, đầu tư đổi mới công nghệ để sản phẩm ngày càng hoàn thiện, nâng cao chất lượng. Vừa qua, tại Hội đồng đánh giá, phân hạng OCOP đợt 1 năm 2020, nước mắm Luận Nghiệp là sản phẩm duy nhất được nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao.
“Để nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX Chiến Thắng đã tập trung lựa chọn sản phẩm đầu vào chất lượng cao hơn, nhờ đó nâng độ đạm toàn phần lên 50 - 65%. Cùng đó là đầu tư máy móc, chuyển đổi công nghệ lọc thủ công sang lọc bằng máy. Ngoài ra, HTX đã thay đổi mẫu mã, đa dạng về kích cỡ chai để người tiêu dùng thuận lợi trong sử dụng”, bà Đặng Thị Luận – Giám đốc HTX Thu mua và chế biến thủy hải sản Chiến Thắng cho biết.
Sản phẩm trà gừng hòa tan của Công ty CP Dược Hà Tĩnh được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đánh giá đạt chất lượng OCOP 4 sao.
Một sản phẩm mới, lần đầu tham gia chương trình OCOP Hà Tĩnh đã “ăn giải” chất lượng 4 sao, đó là sản phẩm “Trà gừng hòa tan” của Công ty CP Dược Hà Tĩnh. Với quy trình sản xuất hiện đại, mẫu mã thiết kế chuyên nghiệp, sản phẩm đã được người tiêu dùng tín nhiệm. Nguyên liệu đầu vào (gừng) được liên kết sản xuất với nông dân các địa phương Can Lộc, Thạch Hà. Đây là 1 trong những tiêu chí để “ăn điểm” sản phẩm OCOP.
Ông Lê Xuân Tùng – cán bộ phụ trách Phòng OCOP (Văn phòng NTM tỉnh) cho biết, trong lần đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP đợt 1/2020 có 26/35 sản phẩm đủ điều kiện tham gia đánh giá, phân hạng. Qua 3 ngày (từ 12 - 14/10), Hội đồng đánh giá phân hạng cấp tỉnh đã làm việc hết sức nghiêm túc, khách quan, chính xác và đã tuyển chọn ra 22 sản phẩm đủ điều kiện để kiểm nghiệm và tiến hành công bố đạt chuẩn, trong đó 20 sản phẩm đạt trên 50 điểm (đạt 3 sao) và 2 sản phẩm đạt trên 70 điểm (đạt 4 sao).
Một số sản phẩm OCOP tiêu biểu tham gia trưng bày tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Theo ông Tùng, nhìn chung, năm nay, các sản phẩm tham gia OCOP đều có sự đầu tư lớn hơn, chuyển biến rõ rệt về chất lượng, mẫu mã, hệ thống nhận diện, thương hiệu.... Nhiều sản phẩm được chủ cơ sở đầu tư sản xuất bài bản, chất lượng cao, mẫu mã bao bì đẹp, như: “Trà gừng hòa tan”; “Gạo Xuyên Hương”; "Trà gạo lứt Omega An Phát; Bánh đa nem Thuận Kỷ; Giò lụa Tiến Giáp; Nước mắm, sứa Luận Nghiệp; Mực khô, tôm nõn Thu Hùng…
Thu hồi chứng nhận “sao” đối với sản phẩm kém chất lượng
Các thành viên Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh kiểm tra, đánh giá quy trình sản xuất sản phẩm gạo Xuyên Hương (sản phẩm đạt 3 sao) của Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh.
Sau 3 năm triển khai thực hiện chương trình OCOP, đến cuối năm 2019, Hà Tĩnh đã công nhận 72 sản phẩm đạt chất lượng 3 sao, 4 sao. Riêng đợt 1 năm 2020, dự kiến sẽ có 22 sản phẩm được công nhận 3 sao, 4 sao. Những sản phẩm đã được công nhận đạt chuẩn OCOP năm 2019, hầu hết phát triển khá tốt; trong đó, một số sản phẩm có bước tăng trưởng ngoạn mục, chủ cơ sở phấn khởi, người tiêu dùng tin tưởng sử dụng.
Các sản phẩm OCOP đều được quản lý chặt chẽ theo quy chế quản lý sản phẩm và truy xuất các thông tin thông qua hệ thống tem mã QR do Văn phòng NTM tỉnh quản trị, đảm bảo công khai thông tin về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm cho người tiêu dùng. Xây dựng phần mềm chấm điểm đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đã phát huy hiệu quả trong công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm, đảm bảo chính xác, công khai, minh bạch, khách quan.
và sản phẩm tôm nõn Hoa Linh Chi (sản phẩm đạt 3 sao) ở Xuân Thành (Nghi Xuân).
Để quản lý chất lượng sản phẩm đã được công nhận “sao” OCOP, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cho biết, đối với những sản phẩm còn hạn chế, có tình trạng lạm dụng thương hiệu OCOP, sắp tới, tỉnh sẽ xây dựng quy chế, phân công lực lượng rà soát, giám sát. Trường hợp kiểm tra lại phát hiện sản phẩm không đạt yêu cầu kiên quyết đưa ra khỏi OCOP.
Xây dựng chất lượng, thương hiệu sản phẩm đã khó, thì việc gìn giữ và phát triển lại càng khó hơn. Điều đó, trước hết đòi hỏi ý thức, trách nhiệm của mỗi chủ thể sản xuất sản phẩm, đồng thời là sự vào cuộc trong công tác quản lý, giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng. Đảm bảo được 2 yếu tố này, sản phẩm mang thương hiệu OCOP Hà Tĩnh mới ngày càng phát triển, vươn xa trên thị trường và mang lại niềm tin cho người tiêu dùng.
Thanh Hoài/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã