Nấm đùi gà Phùng Gia nằm trong danh sách 8 sản phẩm được đánh giá, phân hạng 4 sao
Thực hiện chương trình OCOP, tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Hỗ trợ các dự án phát triển sản phẩm chủ lực, đặc trưng nhằm tiêu chuẩn hóa các sản phẩm hiện có; xây dựng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm; đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm… Nhờ đó, sau gần 1 năm triển khai thực hiện, trên địa bàn tỉnh đã có 18 sản phẩm được chứng nhận “OCOP Vĩnh Phúc”, trong đó có 8 sản phẩm đạt 4 sao và 10 sản phẩm đạt 3 sao.
Điều dễ nhận thấy là nếu như trước đây, sản phẩm nông nghiệp của tỉnh chỉ dừng lại ở sự “nổi tiếng” trong phạm vi hẹp, chủ yếu chỉ tiêu thụ ở mức độ khiêm tốn thì nay, các sản phẩm đang ngày càng vươn ra thị trường lớn, mang lại giá trị kinh tế cao hơn; nhiều sản phẩm đã trở thành “thương hiệu” mang đặc trưng riêng của Vĩnh Phúc như: Thanh long ruột đỏ Lập Thạch, su su, trà hoa vàng, ba kích Tam Đảo, rắn và các sản phẩm chế biến từ rắn Vĩnh Sơn Vĩnh Tường, dưa chuột an toàn, gạo Long Trì, trứng gà an toàn Tam Dương… Đặc biệt, tham gia chương trình này, người dân không chỉ làm chủ được khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất, tạo ra sản phẩm có mẫu mã, chất lượng và giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với cách thức sản xuất truyền thống mà còn dần gỡ được nút thắt lớn liên quan đến liên kết, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành Nông nghiệp tỉnh, từ kết quả thống kê, rà soát sản phẩm đủ điều kiện tham gia chương trình OCOP của tỉnh đã cho thấy nhiều sản phẩm trong nhóm nông sản còn đại trà, chưa mang nét đặc trưng của địa phương. Đặc biệt, thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP vẫn chưa ổn định, còn phụ thuộc nhiều vào thương lái; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn hạn chế, chủ yếu là sản xuất thủ công; việc xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức…
Để giải bài toán này, bên cạnh việc đa dạng hóa hình thức tuyên truyền để người dân, các hợp tác xã và doanh nghiệp hiểu về mục đích, ý nghĩa của Chương trình OCOP đem lại, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tập trung hỗ trợ các dự án phát triển sản phẩm chủ lực, đặc trưng nhằm tiêu chuẩn hóa các sản phẩm hiện có gắn với xây dựng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Đồng thời, tăng cường tổ chức, tham gia hội nghị, diễn đàn, hội chợ xúc tiến thương mại nhằm quảng bá sản phẩm và huy động các nguồn lực thực hiện chương trình; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực cho phát triển các sản phẩm làng nghề theo đúng mục tiêu chương trình OCOP hướng tới.
Được biết, cùng với nỗ lực phấn đấu đến hết năm 2020 toàn tỉnh có 256 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả, Vĩnh Phúc đã dành 9 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực và tư vấn cho các hợp tác xã tham gia thí điểm mô hình áp dụng công nghệ cao; hỗ trợ thiết bị, in nhãn mác, bao bì xuất xứ sản phẩm hàng hóa.
Mai Hương
Nguồn tin: vinhphuc.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã