Lúa mùa sinh trưởng trong mùa mưa bão, nền nhiệt độ cao, cường độ bức xạ cao nên thời gian sinh trưởng ngắn, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu các yếu tố thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều với cường độ cao (các đợt nóng nắng hạn kéo dài, mưa lớn, mưa nhiều ngày, giông, lốc, mưa đá xảy ra bất thường), sâu bệnh phát sinh gây hại nhiều, lúa trỗ gặp thời tiết bất thuận gió Tây, mưa giông, lúa đổ non làm giảm năng suất, tăng tỷ lệ thất thoát trên đồng ruộng. Để đảm bảo sản xuất lúa mùa hiệu quả, bà con nông dân cần quan tâm một số vấn đề sau:
1. Ngộ độc hữu cơ
Hiện nay hầu hết các địa phương thu hoạch lúa đông xuân để lại rơm rạ trên đồng ruộng nhiều. Thời gian thu hoạch lúa đông xuân đến gieo cấy lúa mùa rất ngắn, rơm rạ chưa kịp phân hủy nên lúa mùa dễ ngộ độc hữu cơ.
Triệu chứng:
Ruộng lúa bị ngộ độc hữu cơ có biểu hiện: ruộng lúa phát triển không đồng đều, chậm lên, cây còi cọc, yếu ớt. Kiểm tra lúa không ra rễ mới hoặc rễ trắng rất ít, cây lúa vàng đỏ, rễ thâm đen, có mùi thối và tanh, có khóm lụi tàn dần.
Biện pháp hạn chế hiện tượng lúa bị ngộ độc hữu cơ:
- Các địa phương cần tổ chức làm đất sớm, tốt nhất nên sử dụng các máy làm đất có công suất cao để vùi sâu rơm rạ, giữ nước trong ruộng để rơm rạ nhanh phân hủy. Mỗi sào Bắc bộ (360m2) bón trung bình 30 kg vôi bột hoặc sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, các chế phẩm vi sinh phân hủy chất hữu cơ, phân giải lân, phân giải xenlulo, bổ sung các vi sinh vật cố định đạm, vi sinh vật đối kháng… liều lượng sử dụng theo hướng dẫn trên bao bì.
- Phương thức gieo cấy và kỹ thuật cấy: Tốt nhất là gieo thẳng, cấy nông tay để bộ rễ nằm trên mặt ruộng, hạn chế tác hại của nhiệt độ đất và khí độc sinh ra trong quá trình phân hủy rơm rạ. Cấy sau khi đã ngả ruộng tối thiểu 7 ngày.
- Bón lót nhiều, đầy đủ phân hữu cơ, đạm, lân và kali, bón cân đối N,P,K giúp cho cây lúa phát triển tốt bộ rễ ăn sâu, rộng, ít bị ảnh hưởng nghẹt rễ, nhanh hồi xanh. Bón thúc sớm để cây lúa hấp thu dinh dưỡng tốt, sinh trưởng phát triển nhanh, đẻ nhánh sớm, tập trung.
- Điều tiết nước: Sau cấy giữ mực nước nông để cây lúa nhanh bén rễ, hồi xanh và giúp cho khí độc trong đất thoát ra ngoài tốt.
Biện pháp khắc phục lúa bị ngộ độc rơm rạ:
Đưa nước vào ruộng lúa rồi bón vôi bột với lượng 20 – 30 kg/sào, làm cỏ sục bùn sau khoảng 3 - 4 giờ rồi tháo cạn để làm giảm các chất độc trong ruộng do quá trình phân hủy rơm rạ sinh ra. Sau 2 – 3 ngày mới đưa nước trở lại, bón phân lân với lượng 10 kg/sào và phân chuồng hoai mục, phun chế phẩm kích thích ra rễ. Kiểm tra lúa ra rễ trắng và lá mới thì mới bón phân.
2. Bón phân cho lúa mùa
Vụ mùa khó xác định lượng phân bón vì thời tiết diễn biến thất thường, nắng hạn hoặc mưa nhiều. Giai đoạn đầu vụ nếu gặp nắng hạn lúa dễ bị ngộ độc hữu cơ, phát triển chậm. Nếu không biết cách để khắc phục mà bón nhiều phân, nhất là phân Urê thì giai đoạn giữa vụ và cuối vụ chất độc giảm, bộ rễ lúa hồi phục và phát triển mạnh, hút dinh dưỡng cộng với lượng đạm do nước mưa dẫn đến thừa phân, cây lúa dễ bị đổ khi trỗ bông vào hạt. Việc bón phân cho lúa mùa cần quan sát chiều cao và màu sắc lá lúa để điều chỉnh lượng phân Ure.
Lúa mùa thời gian sinh trưởng ngắn, ví dụ như giống Q5 cấy mạ dược có thời gian sinh trưởng 115 ngày, nếu để mạ 20 ngày thì thời gian từ cấy đến làm đòng chỉ còn khoảng 30 – 35 ngày. Vì vậy, bón phân cho lúa mùa cần bón lót cao, bón thúc sớm để lúa nhanh bén rễ hồi xanh, đẻ nhánh sớm, tăng số dảnh hữu hiệu, bông to.
Lượng phân bón trung bình 1 sào Bắc bộ là: phân chuồng 200 – 250kg, Supe lân 15kg, Ure 8 – 10 kg, Kali 7 – 8 kg.
Bón lót: 100% phân chuồng, 100% phân lân, 50 - 60% Urê, 30% Kali. Bón lót sâu hạn chế phân bón bay hơi và rửa trôi.
Bón thúc đẻ nhánh: Sau cấy 3 - 5 ngày, đối với lúa gieo thẳng bón sau gieo 10 – 12 ngày để lúa đẻ nhánh sớm và đẻ tập trung. Lượng bón 30 - 40% Urê, 20% Kali.
Bón đón đòng: Lượng phân Urê tùy theo mức độ sinh trưởng phát triển của ruộng lúa và tình hình thời tiết nếu giai đoạn phân hóa đòng mưa nhiều thì giảm lượng phân Urrr, phân Kali bón 50%.
Nên sử dụng các loại phân bón tổng hợp chuyên dùng cho lúa, bổ sung phân bón có chứa silic như phân Silica để giúp lúa cứng cây, chống đổ tốt, bón phân bón có chứa Bo để lúa cứng cây và hạt mẩy.
3. Biện pháp hạn chế lúa đổ non
Thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật liên hoàn giúp cho cây lúa có bộ rễ phát triển tốt, ăn sâu, ăn rộng, thân cây lúa cứng, bộ lá không rậm rạp.
- Sử dụng các giống lúa cứng cây, thấp cây, giống có cổ bông ngắn.
- Làm đất bảo đảm sau cấy lúa không bị ngộ độc hữu cơ, không bị bốc chua.
- Bón phân cân đối N,P,K. Bón nặng đầu, nhẹ cuối. Bón bổ sung silic giúp cho cây lúa cứng cây.
- Rút nước lộ ruộng: thực hiện biện pháp tưới ướt khô xen kẽ. Những ruộng chân cao, chân vàn, vàn cao nên cấy hàng rộng, hàng hẹp. Cấy mật độ hợp lý. Chân vàn thấp nên cấy thưa, tăng cường bón vôi, kali và lân.
4. Phòng trừ sâu bệnh
Một số sâu bệnh hại chính trong vụ mùa: Sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân bướm hai chấm, rầy nâu, nhện gié, bệnh bạc lá, bệnh đốm sọc vi khuẩn, bệnh lem lép hạt, bệnh khô vằn.
Áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp IPM trên đồng ruộng, theo nguyên tắc 4 đúng. Thực hiện vệ sinh đồng ruộng, sử dụng giống có tính chống chịu cao, thích ứng rộng, gieo cấy mật độ hợp lý, bón phân cân đối.
- Rầy nâu: Thường phát sinh giai đoạn làm đòng đến đỏ đuôi, tiến hành phun trừ khi mật độ 1.000 – 1.500 con/m2. Phun khi rầy còn nhỏ. Nên sử dụng các thuốc trừ rầy đặc hiệu có tính lưu dẫn mạnh.
- Nhện gié: Vụ mùa nóng ẩm nên thuận lợi cho nhện gié phát sinh gây hại. Nhện gié có kích thước rất nhỏ, không phát hiện được bằng mắt thường. Khi trên cây lúa biểu hiện triệu chứng gây hại mới tiến hành phun thuốc thì đã muộn. Để phòng trừ nhện gié phải thường xuyên thăm đồng giai đoạn lúa làm đòng quan sát kỹ phần bẹ lá lúa, nếu có vết nám như vết cạo gió thì tiến hành phun thuốc trừ nhện ngay. Sử dụng thuốc trừ nhện như: Kinalux 25EC… nên phun khi lúa có đòng và phun lại khi lúa có đòng già chuẩn bị trỗ.
- Đối với bệnh bạc lá, bệnh đốm sọc vi khuẩn: Do vi khuẩn gây hại, phát sinh trong điều kiện nóng ẩm, đến nay chưa có thuốc phòng trừ đặc hiệu. Bệnh gây hại nặng từ giai đoạn làm đòng đến trỗ bông, thường phát sinh sau các đợt mưa giông. Biện pháp hữu hiệu phòng trừ bệnh bạc lá, bệnh đốm sọc vi khuẩn là: sử dụng giống kháng bạc lá, bón phân cân đối, xử lý giống bằng cách ngâm 3 sôi 2 lạnh, sau mưa giông làm rách lá lúa, nên dùng vôi bột với lượng 10kg/sào (360m2) rắc vào sáng sớm. Khi bệnh chớm xuất hiện, sử dụng các loại thuốc sau để phun trừ như: Staner, Kasumin, Physan, Xanthomic…
- Bệnh lem lép hạt: Thường phát sinh giai đoạn lúa trỗ bông gặp thời tiết mưa nhiều, đêm và sáng sớm nhiều sương, bệnh do nấm và vi khuẩn gây ra, nên phun phòng trừ khi lúa trỗ báo và sau khi lúa trỗ thoát. Nên sử dụng thuốc trừ vi khuẩn kết hợp với Tilt-super.
Lưu ý: Không nên phun thuốc bảo vệ thực vật khi lúa đang phơi màu. Phun khi lá lúa đã khô. Phun xong, nếu chưa đủ 3 – 4 giờ mà gặp mưa phải phun lại. Phun kỹ, đều. Những ruộng bị bệnh, sâu nặng, ổ bệnh, ổ rầy nên phun kép, lần 2 sau lần 1 từ 3 – 5 ngày, phun vành đai ổ bệnh, ổ rầy.
Năng suất lúa mùa là kết quả tổng hợp của thời tiết, đất đai, giống lúa và việc thực hiện liên hoàn các biện pháp chăm sóc, bảo vệ. Trong đó, các biện pháp cơ bản là tạo điều kiện cho bộ rễ lúa ăn sâu, phát triển rộng, hạn chế lúa đổ non, thân, lá sạch sâu bệnh, bố trí thời vụ để lúa trỗ gặp điều kiện thời tiết có nắng. Kinh nghiệm và kỹ năng sử dụng các loại nông dược góp phần tăng năng suất và hiệu quả sản xuất lúa.
Theo Bùi Văn Viện/khuyennongvn.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã