Trong quá trình chăn nuôi sức khỏe của heo là hàng đầu. Sức khỏe của heo ảnh hưởng rất lớn tới tỷ lệ chuyển đổi thức ăn (FCR). Nếu một cá thể heo bị tiêu chảy nặng trong thời gian từ cai sữa 25 kg, có thể không tăng trọng thậm chí giảm cân trong khoảng thời gian vài tuần nhưng vẫn tiêu thụ một lượng thức ăn không nhỏ và tỷ lệ FCR trong giai đoạn gần xuất chuồng có thể lớn hơn 10.
Những cá thể heo có “vấn đề sức khỏe” như thế có thể dễ dàng nhận thấy trong điều kiện chăn nuôi thí nghiệm nhưng khó nhận ra trong điều kiện chăn nuôi đại trà trong một trang trại. Những cá thể heo có “vấn đề” về sức khỏe sẽ làm ảnh hưởng đến tỷ lệ FCR chung của toàn đàn. Do vậy, để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, người chăn nuôi cần “mạnh tay” loại những cá thể heo sức khỏe kém, không nên giữ lại nuôi những cá thể heo có “vấn đề”. Ngoài làm giảm hiệu quả kinh tế của trang trại, còn có nguy cơ gây/truyền bệnh dịch.
Tỷ lệ FCR phụ thuộc vào tuổi của heo thịt. Tỷ lệ FCR tăng dần lên (đồng nghĩa heo chậm lớn) khi heo lớn dần lên. Heo con sơ sinh có tỷ lệ FCR dưới 1.0. Ở giai đoạn này, heo con chỉ mới phát triển cơ bắp và xương, ngoài cơ bắp phần còn lại gần như tất cả là nước. Giai đoạn này heo con chủ yếu bú mẹ, trong sữa có chứa lượng nước nhiều hơn 80% lượng nước này dùng để tăng trưởng trọng lượng heo con. Giai đoạn heo gần xuất chuồng, thì tỷ lệ chuyển đổi thức ăn FCR càng lớn, lượng thức ăn heo ăn vào nhiều (trung bình một heo ăn từ >3 kg cám/ngày) nhưng hệ số heo tăng trọng thấp.
Khi heo nuôi có trọng lượng càng lớn thì tỷ lệ chuyển đổi thức ăn FCR càng lớn (heo ăn nhiều hơn nhưng tăng trọng ít). Vậy trọng lượng heo bao nhiêu thì có tỷ lệ FCR hợp lý? Heo có trọng lượng 100 - 115 kg có tỷ lệ FCR tương đối tốt, vì trong giai đoạn này heo ít phát mỡ. Khi heo ngoài 115 kg bắt đầu tích lũy mỡ, ăn nhiều hơn và điều này làm giảm hiệu quả chăn nuôi. Do vậy, người chăn nuôi cần xem xét trọng lượng xuất bán hợp lý ngoài yếu tố về giá bán heo trên thị trường và giá cám đầu vào. Đồ thị dưới đây là quan hệ giữa tỷ lệ FCR với trọng lượng heo.
Giống heo có ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ FCR. Có giống heo mau lớn, giống heo chậm lớn. Ngoài yếu tố giống heo thì lứa đẻ của heo mẹ cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ FCR của heo thịt. Thực tế cho thấy, heo được sinh ra ở lứa 1 (heo nái đẻ con so) và lứa trên 8 - 9 thì chậm lớn hơn heo được sinh ra từ lứa 2 - 7. Khi heo mẹ đẻ ở lứa 1, cơ thể chưa hoàn thục (trưởng thành), nên hệ miễn dịch và sức đề kháng còn thấp, không đủ để truyền cho con qua sữa non. Ngược lại, heo mẹ ở lứa quá già (lứa đẻ lớn hơn lứa 8) cũng ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của bầy con sau khi cai sữa, còi cọc và tỷ lệ chết cao. Do vậy, khi mua heo con, người chăn nuôi ngoài việc xem xét ngoại hình, sức khỏe, cũng cần quan tâm đến heo con được đẻ ra ở lứa nào. Việc xác định heo con được sinh ra ở lứa nào căn cứ vào thời gian hoạt động của trại nuôi heo nái: Nếu trại mới đi vào hoạt động (khoảng 6 tháng) thì heo con hầu hết được sinh ra ở lứa 1 (con so). Nếu trại đã hoạt động lâu năm (khoảng từ 3 năm trở lên) mà tỷ lệ thay đàn thấp (nhiều nái có lứa đẻ lớn) thì heo con được sinh ra từ lứa cao, nên khả năng phát triển của heo thấp. Chúng ta nên mua heo giống của các trang trại vì thường họ chọn những con mẹ chuẩn và thay đàn thường xuyên.
Ngoài ra, tỷ lệ FCR còn phụ thuộc vào giống, tinh của heo đực sử dụng để phối giống. Tinh heo đực có ảnh hưởng lớn đến sự tăng trưởng của heo con được sinh ra, làm giảm số ngày nuôi, nâng cao chất lượng thịt, đặt biệt là tăng phần thịt nạc, dễ bán với giá cao vì đa số lái buôn chuộng mua loại heo này. Hiện nay, người tiêu thụ thích thịt heo có phối với đực giống Duroc của Canada cho ra thịt thơm ngon và chất lượng tốt. Ngoài ra, sản phẩm thịt của heo được phối từ đực Duroc của Canada có vân mỡ trong thịt nạc, thịt không bị khô.
+ Dòng máu F1 của heo mẹ: Heo con được sinh ra từ heo mẹ thuần với hai máu (F1= GGP Landrace x GGP Yorkshire) sẽ lớn nhanh hơn heo được sinh ra từ heo mẹ ba máu. Chúng ta không nên tự tạo ra heo mẹ vì chúng ta không thể xác định được nguồn gốc thuần của giống cái và đực.
+ Môi trường: Heo được nuôi trong điều kiện môi trường tốt, thoáng, sạch sẽ, khô ráo và nhiệt độ hợp lý và ổn định thì lớn nhanh hơn;
+ Thức ăn, chế độ dinh dưỡng: Là yếu tố ảnh hưởng lớn đến khả năng phát triển và tăng trọng của heo thịt.
+ Công tác quản lý sản xuất heo.
+ Chủng ngừa vaccine đầy đủ cho từng giai đoạn nuôi.
Sức khỏe có ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ FCR của heo thịt và ảnh hưởng đến hiệu quả chăn nuôi heo thịt. Do vậy người chăn nuôi cần phải tăng sức khỏe đàn heo nhằm giảm các bệnh tật trong trại. Để tăng sức khỏe đàn heo, ngoài việc tiêm đầy đủ vaccince, sử dụng thức ăn đảm bảo chất lượng,
Trong điều kiện chăn nuôi trang trại, thức ăn, dinh dưỡng trong thức ăn và cách thức cho heo ăn có ảnh hưởng đến tỷ lệ FCR. Ngoài việc sử dụng thức ăn có chất lượng, có thể bổ sung thêm một số loại dinh dưỡng, các chất phụ gia thức ăn chăn nuôi giàu axit hữu cơ amino, lysine trong khẩu phần ăn của heo thịt. Một trong số đó là sản phẩm có tên YieldStar-S và sản phẩm LeanStart được nhập khẩu từ Canada. Đây là hai sản phẩm dinh dưỡng bổ sung trong khẩu phần ăn của heo thịt với tỷ lệ rất nhỏ nhưng kết cho thấy heo tăng trọng nhanh hơn, tăng cơ giảm mỡ, chuyển hóa thức ăn tốt và khỏe mạnh hơn. Ngoài ra nên sử dụng sản phẩm Anigane nhập từ Australia, sản phẩm này giúp heo con giảm tiêu chảy và tiếp tục ăn ngay sau khi cai sữa dẫn đến tăng trọng liên tục và giảm tỷ lệ hao hụt và chậm lớn cho đến giai đoạn trọng lượng 25 kg.
Ngoài việc bổ sung dinh dưỡng, cũng cần cho heo ăn theo các giai đoạn sinh trưởng của heo. Việc phân chia khẩu phần ăn của heo theo các giai đoạn nhằm đáp ứng nhu cầu về dinh dưỡng của heo ở giai đoạn đó. Nếu khẩu phần ăn của heo không hợp lý thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ FCR, dẫn đến chi phí sản xuất tăng. Trên thế giới, các giai đoạn nuôi heo thịt thường phân ra như sau: Giai đoạn từ heo con cai sữa đến 15 kg, giai đoạn 15 - 25 kg, giai đoạn 25 - 50 kg, giai đoạn 50 - 80 kg và giai đoạn từ 80 kg đến xuất bán.
+ Người chăn nuôi cần mạnh tay loại heo còi, chậm lớn, bệnh tật vì những con này tiêu tốn thức ăn bằng những con khỏe mạnh nhưng tăng trưởng thấp dẫn đến không hiệu quả kinh tế.
+ Tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine, phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh.
+ Đảm bảo an toàn sinh học: Khu chuồng chăn nuôi phải được ngăn cách với khu vực xung quanh, chỉ nên có một cổng vào, ngăn không cho chó, mèo, gà, vịt, chuột, bọ vào chuồng nuôi và hạn chế người tham quan.
Phan Văn Danh
Giám đốc HTX Dịch vụ Chăn nuôi Xuân Phú
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã