Chậm phát triển
Giám đốc HTXNN Thuận Hòa, xã Hương Phong (TX. Hương Trà), ông Nguyễn Ngọc Bình thừa nhận, có bề dày hơn 40 năm hoạt động nhưng HTX vẫn chậm phát triển, xoay quanh các lĩnh vực làm đất, thủy lợi, cung ứng giống nên hiệu quả kinh tế thấp. Một trong những nguyên nhân chính khiến HTX qua các thời kỳ đều gặp khó khăn là do năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành còn thấp và già hóa.
Nhiều thế hệ quản lý, điều hành HTX có trình độ chưa hết cấp hai, sau này mới bổ túc, phổ cập tốt nghiệp phổ thông. Hầu hết đội ngũ này chưa qua trường lớp, đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ. Đến thời điểm này, đội ngũ cán bộ quản lý HTX đều đã cao tuổi, trên dưới 60. Tuổi tác đã lớn khiến đội ngũ quản lý chủ quan, không tham gia các lớp đào tạo chuyên môn, nâng cao trình độ; kể cả cán bộ một số bộ phận cũng chưa được đào tạo nghiệp vụ một cách bài bản.
Ban lãnh đạo HTXNN Thuận Hòa thường xuyên theo dõi, liên hệ con em là sinh viên các trường đại học, cao đẳng của địa phương, kể cả một số sinh viên ngoài địa phương để vận động về phục vụ phát triển kinh tế HTX. Tuy nhiên hầu hết sinh viên sau khi tốt nghiệp đều từ chối, cho rằng mức lương và nguồn thu nhập thấp, không đảm bảo đời sống bản thân và gia đình. Một phần các em chưa nắm bắt, hiểu rõ môi trường làm việc của HTX nên cho rằng thiếu năng động, “không có đất diễn”.
Những hạn chế này khiến kinh tế HTXNN Thuận Hòa trong nhiều năm qua khá lúng túng, trong khi tiềm năng, lợi thế của địa phương khá lớn. HTX luôn tư duy, hướng đến mô hình kinh tế đầm phá như du lịch sinh thái, nuôi trồng, tiêu thụ và chế biến thủy sản theo “chuỗi giá trị” nhưng chưa thành công. Nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ vay vốn sản xuất, kinh doanh nhưng HTX thiếu mạnh dạn vay vốn đầu tư.
Thực tế tại HTXNN Thuận Hòa cũng là trở lực chung của nhiều HTX trên địa bàn tỉnh hiện nay. Giám đốc HTXNN Đông Phú, xã Quảng An (Quảng Điền), ông Lê Văn Thứ thừa nhận, dù năng suất, chất lượng lúa các vụ luôn đứng tốp đầu của huyện, tỉnh nhưng HTX vẫn nhận thấy chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế của địa phương. Mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, trồng lúa an toàn, cánh đồng mẫu lớn theo “chuỗi giá trị” đến nay vẫn chưa thực hiện được. Hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX cầm chừng.
Tiếp tục đãi ngộ thu hút cán bộ trẻ
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, ông Trần Lưu Quốc Doãn đánh giá, sau khi chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, KTTT, HTX dần đi vào ổn định, có bước phát triển mới, tuy nhiên thiếu bền vững. Một trong những hạn chế dẫn đến trở lực trong thúc đẩy phát triển KTTT là nhiều HTX gặp khó khăn trong trong việc trẻ hóa đội ngũ cán bộ. Phần lớn HTX sau khi chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 vẫn giữ nguyên đội ngũ cán bộ cũ.
Một thực tế là đội ngũ cán bộ điều hành HTX trên địa bàn tỉnh phần lớn không chỉ lớn tuổi (chiếm 80-90%) mà còn trình độ hạn chế, chưa được đào tạo bài bản về quản lý, hầu hết mới chỉ trang bị kiến thức thông qua các lớp tập huấn ngắn hạn. Qua điều tra, khảo sát mới đây cho thấy, trong tổng số hơn 2.000 cán bộ HTX chỉ có khoảng 20% qua đào tạo đại học, cao đẳng, còn lại chỉ sơ cấp, trung cấp và chưa qua đào tạo; khiến năng lực quản lý còn bất cập, thiếu năng động...
Những năm qua, Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ các HTX thực hiện cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút cán bộ trẻ, trình độ đại học, cao đẳng. Theo đó, mỗi sinh viên tốt nghiệp đại học có nhu cầu làm việc tại các HTX sẽ được hỗ trợ mỗi tháng thêm 50% lương tối thiểu vùng trong 3 năm và được hỗ trợ BHXH. Mỗi cán bộ được cử đi đào tạo và cấp bằng đại học được hỗ trợ khoảng 50 triệu đồng/năm cho 4 năm học; đào tạo và được cấp bằng cao đẳng được hỗ trợ khoảng 35 triệu đồng/năm cho 3 năm học. Tuy nhiên phần lớn sinh viên đều từ chối hợp tác, làm việc trong HTX, vì cho rằng điều kiện thu nhập chưa tương xứng.
Ông Trần Lưu Quốc Doãn cho rằng, muốn thúc đẩy phát triển KTTT cần có nguồn cán bộ đủ mạnh. HTX phải đầu tư, hỗ trợ thu hút đội ngũ cán bộ trẻ, có trình độ thông qua nguồn lực của HTX kết hợp cơ chế, chính sách hỗ trợ, đãi ngộ Nhà nước. Liên minh HTX tỉnh tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ quản lý, điều hành và cán bộ HTX. Khi có đủ trình độ, năng lực, đội ngũ cán bộ HTX mới có thể đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư phát triển, đa dạng các mô hình KTTT, HTX, phù hợp với xu thế hiện nay.
Theo kế hoạch, thời gian đến, từ nguồn kinh phí hỗ trợ bồi dưỡng nguồn nhân lực HTX, LMHTX tổ chức đào tạo, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ quản lý, cán bộ HTX. Trong đó, tập trung nâng cao kỹ năng điều hành, giao tiếp, tiếp nhận thông tin phản hồi, tổ chức và quản lý nguồn nhân lực trong HTX; kỹ năng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và cách lập dự án đầu tư để vay vốn. Đồng thời, truyền đạt kiến thức, kỹ năng nắm bắt thị trường, tiềm năng tại địa phương để mở rộng, đa dạng hóa ngành nghề sản xuất, kinh doanh, mô hình HTX kiểu mới gắn với “chuỗi giá trị”...
Bài, ảnh: Hoàng Triều
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;