Cục quản lý giá (Bộ Tài Chính) cho biết, theo đà tăng giá của thị trường gạo xuất khẩu, tại miền Bắc, giá lúa, gạo tẻ thường tháng 5/2018 tăng 200 - 500 đồng/kg so với tháng 4/2018. Giá lúa tẻ thường dao động phổ biến ở mức 7.700 - 9.000 đồng/kg, một số loại lúa chất lượng cao hơn giá phổ biến ở mức 9.000 - 11.000 đồng/kg; giá gạo tẻ thường dao động phổ biến ở mức 9.000 - 7.000 đồng/kg.Tại miền Nam, nguồn cung đang dần chững lại trong khi nhu cầu tăng liên tiếp.
Theo Sở Công Thương một số địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giá thóc, gạo tăng liên tiếp nhưng không xảy ra tình trạng "sốt giá" hoặc có dấu hiệu đầu cơ.
Giá lúa khô tại kho khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long loại thường phổ biến dao động 6.3000 – 6.6000 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì giao tại mạn tàu hiện khoảng 9.400 – 9.700 đồng/kg, tăng 100 – 300 đồng/kg; gạo 25% tấm khoảng 8.800 – 9.000 đồng/kg, tăng 150 – 350 đồng.
Trên thị trường thế giới, so với tháng 4/2018, giá chào bán gạo tháng 5/2018 tăng tại Thái Lan và Việt Nam do Indoesia có kế hoạch mua thêm 500.000 tấn gạo. Bên cạnh đó, trong bối cảnh nguồn cung eo hẹp, Thái Lan và Việt Nam vừa trúng thầu gạo của Philippines đã tạo thêm động lực đẩy giá gạo xuất khẩu.
Cục quản lý giá cho biết, hiện ngoài 300.000 tấn gạo tiếp tục giao cho Indonesia, các doanh nghiệp gạo trong nước đang đẩy mạnh thu mua, chế biến thêm 130.000 tấn gạo để xuất khẩu sang Philippines theo gói thầu vừa trúng ngày 4/5/2018.
Cùng với các hợp đồng Chính phủ, trong tháng 5/2018, nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo tư nhân được ký kết hàng trăm ngàn tấn gạo. Nhờ cải thiện tốt chất lượng sản phẩm, tận dụng những thuận lợi của thị trường nên tháng 5/2018, sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng hơn 2,2 triệu tấn với giá trị khoảng 1,1 tỷ USD, tăng gần 60% về giá trị và sản lượng so với cùng kỳ năm 2017. Đây là mức tăng kỷ lục trong vòng 5 năm qua.
Theo Nhịp sống kinh tế