Thời gian gần đây, giá tôm thẻ chân trắng giảm mạnh, nhiều người nuôi tôm tại Cà Mau phải chịu cảnh thua lỗ. Hiện nay, giá tôm cũng chưa có tín hiệu tăng trở lại nên nhiều người dân nơi đây lựa chọn cách "treo ao". Tuy nhiên, khuyến cáo của cơ quan chức năng, hiện nay giá tôm sú vẫn ổn định, bà con nên chuyển đổi sang nuôi tôm sú để đảm bảo kinh tế nông hộ.
Anh Ngô Văn Trấn (xã Phú Hưng, huyện Cái Nước) đã có thâm liên nuôi tôm 4 năm nay. Thời gian trước, gia đình anh nuôi thất bại nhiều hơn thành công nên rất khó khăn. Năm nay tình hình nuôi khả quan hơn, đầu năm hai anh em anh Trấn thả 3 ao, với diện tích gần 4.000 m2 đã trúng vụ trên cả 3 ao. Nhờ giá tôm cao, hai anh em có lãi gần 300 triệu đồng.
Sau đó, gia đình lại tiến hành cải tạo để tiếp tục thả giống thì giá tôm lao dốc. Loại tôm thẻ 100 con/kg trước đó được mua giá 100.000 đồng/kg thì đến tháng 4 vừa qua chỉ còn trên dưới 70.000 đồng/kg. Với giá tôm này, nuôi không có lời nên gia đình dù đã cải tạo cũng đành để ao trống mấy tháng nay.
“Gia đình đã tiến hành cải tạo hết các ao nhưng vẫn chưa tiến hành thả nuôi tôm, bởi giá tôm 100 con/kg hiện chỉ có giá 70.000 đồng/kg. Trong khi đó, người nuôi phải mất từ 1,5 - 2 tháng mới được 100 con/kg, chi phí vào khoảng 70 triệu đồng, nếu trong quá trình nuôi, tôm bị thất thoát người nuôi sẽ cầm chắc thua lỗ”, anh Trấn chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc HXT Nuôi trồng thủy sản Cái Bát (xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước) cho biết, khoảng 2 tháng trước, ao nuôi tôm của gia đình ông tới thời điểm thu hoạch, do giá tôm giảm thấp nên ông để lại nuôi tiếp chờ giá. Đến nay, tôm đã đạt số lượng 27 con/kg, thương lái trả giá 125.000 đồng/kg, nếu bán ông sẽ không đủ chi phí.
Theo lời ông Lâm, với giá tôm thẻ chân trắng đang thấp hơn cùng kỳ từ 30 – 40%, nhiều người nuôi tôm thành công vẫn có thể bị lỗ vốn. Trước tình hình trên, 420 ha đất nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh trong HTX Nuôi trồng Thủy sản Cái Bát đa số đều đang ngưng thả nuôi. Để đảm bảo hoạt động sinh lời cho các thành viên, ông Lâm đang định hướng bà con chuyển qua nuôi tôm sú để đảm bảo có lãi.
“Hiện HTX đang khuyến cáo bà con nên chuyển một phần diện tích sang nuôi tôm sú, vì dù giá tôm sú có giảm nhưng sẽ giảm ít, không giảm mạnh như tôm thẻ chân trắng. Tôm sú đạt số lượng 40 con/kg, nếu bán được 170.000 đồng/kg người nuôi cũng lãi khoảng 40 %”, ông Lâm nhận định.
Phân tích về tình hình giá tôm thẻ chân trắng giảm mạnh thời gian vừa qua, ông Lê Văn Điệp, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, nhìn chung trong năm nay tình hình nuôi tôm khả quan. Nhiều nước trên thế giới được mùa, sản lượng tôm theo đó tăng mạnh. Đặc biệt, sản lượng tôm thẻ chân trắng ở một số nước tỏ ra vượt trội Việt Nam về công nghệ nuôi, năng suất nên có lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu.
Theo ông Điệp, thị trường xuất khẩu tôm thẻ chân trắng đang là cuộc cạnh tranh rất khốc liệt giữa nhiều nước. Việt Nam không phải là lựa chọn hàng đầu của các thị trường tiêu thụ. Riêng đối tượng tôm sú, chỉ có số ít nước nuôi được và tôm sú của Việt Nam đã có thương hiệu, uy tín nên rất được tin dùng. Hiện nay, giá tôm sú vẫn được duy trì khá ổn định, người nuôi chuyển qua nuôi tôm sú là phù hợp.
“Thị trường tôm thẻ chân trắng đang cạnh tranh rất quyết liệt với Ấn Độ, Indonesia,... Các quốc gia này nuôi tôm thẻ với công nghệ tốt hơn Việt Nam rất nhiều. Vì thế, hướng chuyển nuôi tôm sú là lựa chọn thích hợp, khi tôm sú là thế mạnh của Việt Nam cũng là thế mạnh của Cà Mau”, ông Điệp chia sẻ.
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Mã Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Cà Mau cho biết, giá tôm thẻ chân trắng đang rất thấp và theo dự đoán trong khoảng 2 tháng tới chưa thể phục hồi, do đó bà con nên thực hiện chuyển đổi nuôi tôm sú sẽ đảm bảo được lợi nhuận cao hơn.
Tuy nhiên, ông Huy lưu ý bà con cần phải xem kỹ lại quy trình, kỹ thuật nuôi và thực hiện cho đúng, vì nuôi sú và nuôi tôm thẻ có nhiều sự khác biệt. Đặc biệt, hiện người dân nhiều tỉnh thành đang đồng loạt chuyển qua nuôi sú, nguồn cung con giống vượt cầu nên vấn đề chất lượng tôm giống rất đáng lo ngại. Người nuôi dù giỏi tới đâu, nếu tôm giống bị dịch bệnh cũng sẽ thất bại nên bà con nên rất cẩn trọng trong lựa chọn con giống.
“Để có giống tôm sú chất lượng, người nuôi cần chọn mua tại những công ty có uy tín, nắm rõ được nguồn ngốc tôm bố mẹ. Trước khi bà con thả nuôi, ngoài chọn nguồn gốc giống, cần xét nghiệm tôm bằng phương pháp PCR đối với các bệnh còi, đốm trắng, đầu vàng và một số bệnh phổ biến trên tôm sú”, ông Huy hướng dẫn cụ thể.
Trên địa bàn tỉnh Cà Mau hiện có khoảng 9.700 ha đất nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh. Đối tượng nuôi chủ yếu của mô hình này là tôm thẻ chân trắng, nhưng do giá tôm liên tục giảm nên nhiều hộ nuôi đang gặp khó khăn. Theo khuyến cáo của ngành chức năng tỉnh này, nếu người dân thả nuôi nên lựa chọn nuôi tôm sú để đảm bảo sự ổn định về giá cả lợi nhuận cao hơn./.
Nông dân Cà Mau lãi đậm nhờ nuôi tôm càng xanh
Nuôi tôm hùm ở Phú Yên có tiềm năng lớn, giá trị hàng ngàn tỷ đồng