Học tập đạo đức HCM

Xuất khẩu nông sản: Thời của rau quả

Thứ bảy - 03/10/2015 06:15
Trong bối cảnh sản lượng và giá trị xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản giảm thì rau quả nổi lên, trở thành mặt hàng nhiều tiềm năng. Nhiều chuyên gia dự báo, xuất khẩu rau quả có thể cán đích 2 tỷ USD trong năm nay.

Ánh sáng cuối đường hầm

Theo thống kê  của Bộ Nông nghiệp và PTNT, xuất khẩu rau quả 7 tháng đầu năm 2015 ước đạt 962 triệu USD, là một trong số ít mặt hàng có tăng trưởng xuất khẩu dương. Điều đáng nói là thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng, lần đầu tiên ghi nhận nhiều loại trái cây được thâm nhập vào những thị trường khó tính. Việc trái vải được thị trường Mỹ, Australia,… chấp nhận dường như đã đặt viên gạch đầu tiên cho những sản phẩm khác tìm đường xuất khẩu, để nhãn, thanh long, xoài,... tiếp tục được thị trường Nhật, Mỹ, châu Âu đón nhận nhờ hương vị đặc trưng, riêng biệt của trái cây vùng nhiệt đới.

Kiểm tra lựa chọn thanh long trước khi đóng gói xuất khẩu.

Đến nay, rau quả của Việt Nam đã được xuất đi trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 10 thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Indonesia, Hà Lan, Thái Lan và Singapore. Hiện, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả. Trong các sản phẩm rau quả xuất khẩu sang Trung Quốc, thanh long chiếm tới 58,8% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường này.

Nhật Bản là thị trường xuất khẩu rau quả lớn thứ 2 với thị phần chiếm khoảng 6-8% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Hiện, các sản phẩm như nước quả cô đặc, quả đóng hộp và rau chế biến như cà tím chiên, đậu bắp luộc, ớt đang rất được ưa chuông tại Nhật Bản. Gần đây, Nhật Bản cũng đã bắt đầu nhập khẩu vải tươi và ngô ngọt; đồng thời khơi thông và mở cửa thị trường đối với thanh long, xoài. 

Thị trường Hoa Kỳ đang có xu hướng tăng nhập khẩu các sản phẩm rau tươi và giảm dần các sản phẩm rau đóng hộp từ Việt Nam. Để mở cửa thị trường tiềm năng này, Việt Nam đã đệ trình danh sách 11 loại trái cây có tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam lên Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ (APHIS). Đến nay, thanh long ruột đỏ, thanh long ruột trắng, vải và nhãn của Việt Nam đã được cấp phép nhập khẩu vào thị trường này. Các sản phẩm xoài, vú sữa… đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục để cấp phép nhập khẩu.

Ngoài những thị trường truyền thống, hiện Việt Nam đang tăng cường mở cửa các thị trường mới, mặc dù khó tính nhưng kỳ vọng giá trị xuất khẩu cao, như Australia (hiện đã cho phép nhập khẩu quả vải và nhãn), New Zealand (đã mở cửa cho mặt hàng xoài và  thanh long, đang tiến hành các thủ tục cấp phép nhập khẩu cho mặt hàng chôm chôm), Ấn Độ, Chi lê…

Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cùng với việc nhiều thị trường mới được mở cửa, thì khả năng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này đạt 2 tỉ USD là hoàn toàn có thể. Trong đó, nhiều loại hoa quả quan trọng sẽ tiếp tục tạo đột phá, nhất là xoài và thanh long.

Một điều đáng mừng là, sản phẩm thanh long đã được thị trường Nhật Bản chấp nhận. Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết,  năm 2015, xuất khẩu thanh long chính ngạch của tỉnh Bình Thuận vừa tiến thêm một bước rất quan trọng. Mặt hàng nông sản chủ lực này được xuất ổn định với số lượng lớn sang thị trường Nhật Bản. Với bản hợp đồng được ký kết, thanh long Bình Thuận đã tạo được một chỗ đứng ở thị trường Nhật Bản và có cơ hội khẳng định thương hiệu, cạnh tranh sòng phẳng với các loại trái cây khác. Theo hợp đồng được ký kết, mỗi năm sẽ có 3.000 tấn thanh long Bình Thuận xuất sang thị trường Nhật Bản. Các lô hàng được vận chuyển bằng đường biển đến Nhật Bản trong vòng 07 ngày.

Trước đây, Việt Nam chỉ mới xuất khẩu thanh long vào một trong bốn hòn đảo chính của Nhật Bản với sản lượng khoảng 800 tấn/năm. Có thêm thị trường mới cũng đồng nghĩa với việc giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nhiều rủi ro. Những biến động của thị trường này đã và đang gây nên những bấp bênh về giá cả, khiến các nhà vườn thanh long và nông dân điêu đứng.

Tổ chức lại sản xuất

Vải thiều Lục Ngạn đã có mặt tại các thị trường khó tính.

Thị trường xuất khẩu rau quả đang mở rộng, cũng ít có đất nước nào như Việt Nam sở hữu nhiều loại giống rau quả độc đáo, thơm ngon. Vậy tại sao đến thời điểm này, tiềm năng mới bắt đầu được chú ý đến?

Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân của thực trạng này là do khâu tổ chức sản xuất, chế biến, tiếp thị sản phẩm của ta còn quá yếu. Sản xuất rau quả đa số là nhỏ lẻ, phân tán, chất lượng không đồng đều, không theo quy hoạch nên việc quản lý và đầu tư phát triển hạ tầng là rất khó khăn. Công tác kiểm soát, phòng trừ sâu hại theo các tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP chưa được áp dụng rộng rãi. Diện tích các vùng sản xuất rau an toàn tập trung được quy hoạch còn rất hạn chế, cả nước mới đạt khoảng 8 - 8,5% tổng diện tích trồng rau.

GS Nguyễn Quốc Vọng (Đại học RMIT, Úc) cho rằng, xuất khẩu rau quả của Việt Nam lẽ ra còn tăng cao hơn nữa nếu như ngành nông nghiệp không bị lệch trong định hướng phát triển, đó là tập trung quá nhiều vào cây lúa dù giá trị thị trường của mặt hàng này rất thấp, trong khi thị trường rau quả của thế giới lên đến hàng trăm tỉ USD.

“Nếu có chiến lược đầu tư bài bản nhằm nâng cao công nghệ và chất lượng, ngành rau quả sẽ là một trong những ngành xuất khẩu đem lại nhiều tỉ USD cho Việt Nam”, GS Vọng nói.

 Việc thu hái, sơ chế bảo quản vẫn tiến hành thủ công là chính, công nghệ bảo quản và phương tiện vận chuyển còn thiếu, lạc hậu dẫn đến chất lượng sản phẩm thấp, giá thành cao, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch lên tới 25-30%. Công nghệ bảo quản sau thu hoạch đối với các loại rau quả tươi còn hạn chế, không đáp ứng nhu cầu vận chuyển rau quả đi xa. Vẫn còn hiện tượng sử dụng các hóa chất độc hại, không rõ nguồn gốc trong chế biến, bảo quản rau quả tươi (giá đỗ, rau mầm...). Không có nhà xưởng dành riêng cho sơ chế, xử lý, đóng gói và bảo quản rau tươi; một số nơi có nhưng thiết kế không đáp ứng yêu cầu; vệ sinh nhà xưởng cũng như các thiết bị, dụng cụ không đảm bảo; nước sử dụng cho xử lý rau không đảm bảo chất lượng theo quy định.

Tình trạng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và chất kích thích tăng trưởng trên rau, quả vẫn còn phổ biến. Thực trạng trên dẫn tới chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm (ruồi đục quả, dư lượng thuốc sâu, hàm lượng kim loại nặng, chất lượng bao bì…) còn hạn chế. Đây là rào cản lớn nhất nhất đối với xuất khẩu rau quả của Việt Nam (chủ yếu là rau quả tươi) trong tiếp cận thị trường…

Để tận dụng tốt tiềm năng, nâng cao kim ngạch xuất khẩu rau quả, nhiều ý kiến cho rằng, việc tổ chức lại sản xuất theo hướng công nghệ cao, quy mô lớn, đảm bảo an toàn là vô cùng quan trọng. Ưu tiên đầu tư công nghệ sơ chế bảo quản rau quả tươi với các quy mô khác nhau, đặc biệt chú trọng quy mô vừa và nhỏ. Kết hợp công nghệ bảo quản truyền thống với tiên tiến hiện đại trong điều kiện Việt Nam; hình thành hệ thống các xưởng sơ chế đóng gói (packing house) ngay tại các vùng sản xuất chuyên canh tập trung. Áp dụng nhanh tiến bộ kỹ thuật bảo quản rau quả như IQF, sấy chân không, CA, CAS; nâng cấp công nghệ và thiết bị chế biến thủ công quy mô nhỏ theo hướng công nghệ tiên tiến, suất đầu tư thấp, chế biến tổng hợp, bao gồm các sản phẩm rau quả xuất khẩu như: dưa chuột, dưa bao tử, ngô ngọt, nấm, măng tre trúc, chuối sấy, vải thiều đóng lọ, vải thiều sấy khô… Tận dụng tối đa công suất của các nhà máy chế biến rau quả hiện có, đa dạng hóa sản phẩm để cải thiện công suất hoạt động của các nhà máy chế biến công nghiệp, sử dụng triệt để các phẩm cấp khác nhau của nguyên liệu và phế phụ phẩm để hạ giá thành sản phẩm. Tăng cường phát triển hạ tầng thương mại để đẩy mạnh tiêu thụ rau quả tươi trên thị trường trong nước.Quy hoạch và xây dựng hệ thống hạ tầng thương mại phù hợp để tạo thuận lợi, giảm chi phí và thời gian trong khâu lưu thông, phân phối.

Trong bối cảnh Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu rau quả lớn của Việt Nam thì việc nhiều thị trường khó tính chấp nhận nhiều mặt hàng rau, quả của ta được coi như một tín hiệu đáng mừng để dần thoát khỏi “anh bạn láng giềng” với nhiều kiểu buôn bán không ổn định. Hiện, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc chủ yếu được thực hiện qua con đường tiểu ngạch, các đối tác phía Trung Quốc thường xuyên áp dụng các chính sách thương mại biên giới của địa phương, với các hình thức buôn bán không ổn định, nên việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn và rủi ro bất thường. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần cẩn trọng hơn khi tìm kiếm cơ hội ở thị trường này.

Từ sản phẩm thứ yếu, vươn lên chiếm vị trí cao trong “bảng tổng sắp” kim ngạch xuất khẩu nông sản, nhiều sản phẩm rau quả của Việt Nam đang đứng trước thời cơ lớn. Nhu cầu thị trường lúc nào cũng rộng mở, từ bình dân đến cao cấp, từ dễ tính đến khắt khe, điều quan trọng là chúng ta đáp ứng được yêu cầu ở mức độ nào. Muốn làm được điều đó, không còn cách nào khác, phải thay đổi cách tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ ngay từ hôm nay.

Cả nước hiện có khoảng 845.000ha rau các loại, cho sản lượng hàng năm khoảng 14,5 triệu tấn; trong đó, Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long là 2 vùng sản xuất rau lớn nhất nước.

Diện tích cây ăn quả khoảng 700.000ha, cho sản lượng hàng năm khoảng 7 triệu tấn quả các loại. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trồng cây ăn quả lớn nhất cả nước (chiếm trên 50% diện tích và 60% sản lượng trái cây cả nước). Về cơ cấu: chuối là loại cây ăn quả có diện tích lớn nhất (chiếm khoảng 19% diện tích); tiếp theo là xoài, vải, chôm chôm, nhãn...

Phương Nguyên
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập168
  • Hôm nay40,149
  • Tháng hiện tại189,213
  • Tổng lượt truy cập90,252,606
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây