Học tập đạo đức HCM

Heo VietGAP đã có kênh tiêu thụ riêng

Thứ hai - 12/10/2015 20:39
Lần đầu tiên thịt heo đạt chuẩn VietGAP có kênh tiêu thụ riêng, góp phần tạo ra phân khúc thịt an toàn VietGAP mà người tiêu dùng có nhu cầu ngày càng nhiều nhờ bảo đảm vệ sinh thực phẩm. Đó là kết quả của hơn 5 nămthực hiện Dự án Lifsap - nâng cao năng lực cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ.
 
Quầy bán thịt heo VietGAP chợ Hòa Bình, quận 5

Khó khăn và… khó khăn
 
Dự án Lifsap bắt đầu từ tháng 3-2010 đến cuối năm 2015 (pha 1), với kinh phí hơn 5 triệu USD. Dự án có nhiều hợp phần, trong đó hợp phần hỗ trợ sản xuất chăn nuôi nông hộ, khuyến khích người nuôi thực hành nuôi an toàn trong các vùng ưu tiên - do Ban Quản lý Dự án Lifsap chọn 9 xã tại 2 vùng thực hành chăn nuôi tốt (GAHP) ở huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn, với 40 nhóm và 848 hộ tham gia dự án. Là dự án triển khai theo chuỗi, trong đó, mỗi khâu từ người nuôi, thức ăn chăn nuôi, giết mổ và các quầy bán thịt VietGAP tại chợ đều có sự giám sát và lấy mẫu định kỳ phân tích về dịch bệnh, về chất lượng và dư lượng các chất cấm, nhất là nhóm beta - Agonist, cũng như đánh giá về tác động đến môi trường. Nơi giết mổ phải đảm bảo vệ sinh dịch tễ, có nơi xử lý chất thải. Vì vậy những nơi này đều phải được sửa chữa, nâng cấp sao cho phù hợp với yêu cầu Lifsap.
 
Nhưng mỗi khâu đều gặp những khó khăn riêng. Ai cũng biết, việc thay đổi tập quán của người nông dân, ở đây là người chăn nuôi, không hề đơn giản do phải tuân thủ những quy định cụ thể, nghiêm ngặt cũng như phải tập thói quen ghi chép sổ sách. Việc tiêu thụ heo VietGAP gặp khó do các hộ chăn nuôi nhỏ, số lượng giao không nhiều, không liên tục nên nhiều đơn vị có thế mạnh về thương mại không mặn mà với heo VietGAP. Ngay cả việc lựa chọn các chợ thực phẩm để nâng cấp đảm bảo đúng quy định của Lifsap như quầy sạp có hệ thống xử lý nước thải, có tráng men mặt quầy… Những điều này ở nội thành khó tìm ra, do các chợ có khuynh hướng chuyển thành trung tâm thương mại hoặc do tiểu thương không muốn xáo trộn công việc buôn bán nên không muốn nâng cấp chợ; hoặc do không bố trí được địa điểm kinh doanh tạm trong thời gian sửa chữa, nâng cấp; hay không có mặt bằng để mở rộng thêm các quầy sạp nhằm đưa người kinh doanh khu vực ngoài chợ vào kinh doanh tập trung trong khu chợ được nâng cấp…Việc vận hành chợ và duy trì quy trình vệ sinh tại chợ gặp khó khăn do tiểu thương chưa tự giác, chưa phối hợp chặt với ban quản lý chợ. Đó là những lý do vì sao nhiều năm qua, dù đã có thịt heo VietGAP như heo từ trang trại các xã viên Hợp tác xã Tiên Phong (TPHCM) từ Dự án CIDA của Canada và heo VietGAP của Lifsap xuất chuồng nhưng trên thị trường người tiêu dùng không ai nhận biết (chưa có cửa hàng, quầy sạp giới thiệu sản phẩm và logo nhãn hiệu, bao bì nhận biết sản phẩm VietGAP để người tiêu dùng lựa chọn, so sánh). Vì vậy mà khi heo VietGAP xuất chuồng, thương lái nhập chung với heo thường khi giết mổ và đưa đi tiêu thụ!
 
Kết quả hơn mong đợi
 
Vì vậy, quầy bán thịt heo VietGAP tại chợ Hòa Bình (quận 5) của Công ty TNHH An Hạ là quầy và chợ đầu tiên của thành phố, thậm chí có thể nói của cả nước, là công ty đầu tiên liên kết các khâu lại từ người nuôi, lò giết mổ, vận chuyển, đến quầy bán, tạo ra chuỗi thực phẩm an toàn chăn nuôi heo VietGAP. Công ty TNHH An Hạ, với lò giết mổ tập trung là đơn vị cam kết mua lại toàn bộ số heo xuất chuồng của tất cả các hộ nuôi heo đạt chuẩn VietGAP (hiện nay tổng đàn 41.000 con, khoảng 240 con/ngày) của Dự án Lifsap để giết mổ, vận chuyển và tiêu thụ. Chợ Hòa Bình là điểm bán đầu tiên, sau đó sẽ tiếp tục mở rộng ra các chợ truyền thống khác. Bà Nguyễn Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH An Hạ, cho biết, giá bán thịt heo VietGAP tương đương với giá thịt heo thường trên thị trường. Điều chú ý, heo từ các hộ nuôi theo dự án đạt chuẩn khi xuất chuồng đều được đóng dấu VietGAP trên giấy chứng nhận kiểm dịch, tại lò được giết mổ bằng dây chuyền riêng và khi ra thị trường cũng được cơ quan thú y đóng dấu VietGAP để phân biệt với thịt heo thường khác.
 
Nhận định về quá trình thực hiện, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM, kiêm Giám đốc Dự án Lifsap cho rằng, dù gặp không ít khó khăn khi triển khai, nhưng đến nay, khi còn những tháng cuối cùng của pha 1 (tháng 12-2015) kết quả đạt được còn hơn mong đợi. Đó là không chỉ các khâu của dự án đều được triển khai đạt yêu cầu mà điều quan trọng hơn là đã liên kết các khâu này thành chuỗi liên kết thịt heo an toàn VietGAP. Đây là điều rất có ý nghĩa. Vì khi tạo ra được chuỗi liên kết thì các khâu trong chuỗi này sẽ tự vận hành, đó là yếu tố để tạo ra sự phát triển bền vững. Những dự án trước đó, khi kết thúc dự án thì không ít trường hợp cũng chấm dứt luôn sản phẩm VietGAP vì không có nơi tiêu thụ hoặc bị hòa lẫn với sản phẩm thông thường, làm mất đi sự nhiệt tình của những người tiên phong khi sản xuất hay chăn nuôi theo VietGAP.
 
Quy mô Dự án Lifsap: xây 644 hầm biogas cho các hộ chăn nuôi; lấy mẫu huyết thanh điều tra dịch tễ; lấy mẫu nước thải tại hộ chăn nuôi và các chợ thực phẩm đánh giá môi trường; lấy mẫu thức ăn chăn nuôi đánh giá về kháng sinh, vi sinh, kim loại nặng và chất cấm; nâng cấp 54 chợ thực phẩm, nghiệm thu 1.043 quầy sạp tại 23 chợ, đang nâng cấp 4 chợ với 214 quầy sạp; đưa vào sử dụng 3phòng kiểm nghiệm thịt và hỗ trợ các trang thiết bị kiểm tra chất lượng thịt cho thú y Trạm kiểm dịch An Sương, chợ Bình Điền và chợ Nông sản thực phẩm Tân Xuân; hỗ trợ trang thiết bị cho 9 cơ sở giết mổ như máy phun áp lực, hộp khử trùng dao, máy nước nóng năng lượng mặt trời để cải thiện điều kiện vệ sinh thú y trong kiểm soát giết mổ…
 
Công Phiên (Báo Sài Gòn Giải Phóng)
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập231
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm230
  • Hôm nay38,675
  • Tháng hiện tại813,953
  • Tổng lượt truy cập91,987,682
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây