Qua trao đổi, các doanh nghiệp cho biết là các nước sẵn sàng nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi từ Việt Nam. Song điều họ lo ngại chủ yếu là về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), đặc biệt là việc Việt Nam chưa có những bộ tiêu chuẩn về chăn nuôi và thiết chế để thực hiện. Điển hình là việc nhiều đối tác muốn ký kết nhập khẩu vịt Việt Nam nhưng chưa triển khai được do lo ngại không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Với ngành gà cũng vậy. Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ đã có công văn gửi Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT thông báo việc nhiều nước như Australia, Mỹ... rất muốn nhập khẩu các mặt hàng chăn nuôi của Việt Nam với đơn hàng lớn. Tuy nhiên, “khi bắt tay vào xuất khẩu, hầu hết các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do Việt Nam và các nước chưa có hiệp định về thú y".
Nhiều doanh nghiệp chủ động hướng tới đáp ứng nhu cầu trong nước Ảnh: CTV
Một số ý kiến khác cho rằng bên cạnh vấn đề an toàn thực phẩm thì thực chất sản phẩm chăn nuôi Việt Nam chưa xuất khẩu được nhiều là do chúng ta còn quá chú trọng tới xuất khẩu gạo, thủy sản… nên trong các hiệp định, các văn bản ký kết thương mại, chúng ta chưa ưu tiên cho sản phẩm chăn nuôi và đây mới là vấn đề cơ bản. Quá trình thương mại toàn cầu đòi hỏi những quy tắc về thương mại, trong đó, những hiệp định mang tính thỏa thuận về xuất khẩu và nhập khẩu sẽ mở đường cho thương mại song phương. Bởi vậy, trong đàm phán thương mại, phải chăng chúng ta cần quan tâm nhiều hơn nữa tới lĩnh vực xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi?
Thời gian gần đây, Bộ NN&PTNT đã đưa một số mặt hàng chăn nuôi vào danh mục đàm phán cấp cao với Trung Quốc, Singapore, Australia...
Liên tục trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đi chào hàng và giới thiệu sản phẩm chăn nuôi cho các đối tác ở nhiều nước trong và ngoài châu lục. Song nhận xét chung của khách hàng là hàng hóa Việt Nam chưa thật chuyên nghiệp trong vấn đề tiêu chuẩn về nguồn gốc, xuất xứ, ATVSTP.
Các sản phẩm, được yêu cầu phải có chứng nhận về kim loại nặng, an toàn dịch bệnh, chẳng hạn. Đặc biệt với các sản phẩm tươi sống thì các hàng rào kỹ thuật lại các phức tạp. Chẳng hạn, quy định của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), thì gia cầm sống phải được bảo đảm an toàn dịch bệnh và có giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu do cơ quan thú y có thẩm quyền của các nước nhập khẩu cấp và chứng nhận. Yêu cầu về vệ sinh thú y và ATVSTP để xuất khẩu sản phẩm thịt vào châu Âu (EU) phải tuân thủ Luật Thực phẩm của EU, Ủy ban châu Âu (EC). (Thịt và các sản phẩm từ thịt phải có giấy chứng nhận kiểm dịch do cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp và Tổng cục Sức khỏe và An toàn thực phẩm thuộc EC công nhận) …
Các doanh nghiệp cho rằng để thực hiện các yêu cầu này, thì từng doanh nghiệp đơn lẻ sẽ không thể thực hiện được mà cần phải tạo ra các tập đoàn lớn, hoặc các vùng chăn nuôi quy mô, mô hình liên kết, để thực hiện trên phạm vi rộng lớn. Chẳng hạn, nếu đầu tư xử lý chất thải theo yêu cầu của các đối tác thì sẽ rất tốn kém và chỉ có thể thực hiện được nếu chăn nuôi tập trung và áp dụng các quy trình chăn nuôi khoa học, đồng bộ.
Việt Nam có tổng đàn heo đứng thứ 4 thế giới nhưng thịt heo của Việt Nam xuất khẩu < 5% tổng lượng thịt sản xuất. Với ngành gà, vịt cũng tương tự. Lý do mà các đối tác nhập khẩu đưa ra là quy trình sản xuất của Việt Nam còn lạc hậu, như tiêm nhiều vaccine, kháng sinh. Dịch bệnh còn nhiều, như heo tai xanh, cúm… Tuy nhiên, lợi thế được nhắc đến đó là Việt Nam phát triển ngành xuất khẩu gia cầm sau các nước thì sẽ có điều kiện rút ra những bài học bổ ích, có điều kiện tiếp cận với những công nghệ mới nhất. Do đó, nếu “chấn hưng” ngành chăn nuôi theo hướng xuất khẩu, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng các quy trình chăn nuôi hiện đại theo xu hướng bền vững, giảm phụ thuộc vào kháng sinh, giảm bệnh tật, tạo các giống lợn, gà, vịt có giá trị thương phẩm cao.
>> Các nhà nghiên cứu đều đánh giá lạc quan là với đầu tư mạnh trong thời gian vừa qua và trong những năm tới, trong khoảng 10 năm nữa thì các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam sẽ sớm đạt được các tiêu chí xuất khẩu khắt khe của các nước và khi đó, người tiêu dùng thế giới sẽ biết nhiều hơn đến các sản phẩm chăn nuôi từ Việt Nam.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;