Cơn mưa muộn mằn của ngày đầu tháng 12 không kịp đẩy cái mặn khỏi những cánh đồng mía rộng hàng ngàn ha trên khắp huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng. Từng ruộng mía vẫn xanh mướt một màu, trải dài tít tắp, không có cảnh đồng cháy khô, đất nứt nẻ vì thiếu nước, như thể chưa từng có tổn thất nào xảy ra trên mảnh đất này.
Chỉ có những hộ nông dân bám đất ở đây suốt hai chục năm nay là hiểu mía ngọt đã đổi vị mặn chát như thế nào sau đợt xâm nhập mặn khốc liệt chưa từng có trong lịch sử năm vừa qua.
Chỉ có những hộ nông dân bám đất ở đây mới hiểu mía ngọt đã đổi vị mặn chát như thế nào |
Khó khăn chưa từng có
Gia đình cô Nguyễn Thị Mai xuống mía từ thời điểm tháng 3 âm lịch, nhưng mưa không xuống như mọi năm khiến đất ngập mặn triền miên, cây mía không thể “trổ giò”. Cô Mai chia sẻ, 23 ha trồng mía của gia đình đã thiệt hại hết. Thông thường cây mía cho năng suất cao nhất với 10 chữ đường, nhưng với mía nhiễm mặn chỉ được khoảng 6-7 chữ, giá bán không đủ bù chi phí, công chăm sóc… Lo nhất là món vay 70 triệu đồng của ngân hàng sắp tới không biết phải xoay sở ra sao.
Cũng trong tình cảnh tương tự, cô Trần Thị Lài có 22,5 ha trồng mía, thì hơn 17 ha đã hư hại. Thông thường vào thời điểm cuối năm này, mía đã cao lút đầu người. Để cho chữ đường lớn nhất, mỗi cây mía phải đạt chiều cao khoảng 1,8-2m. Thế nhưng ở ruộng mía nhà cô Lài, cây chỉ vươn được đến ngang tầm ngực, mía mọc lẫn trong cỏ lau.
“Tháng 5 âm lịch hàng năm là lúc mưa xuống để mía lên. Nhưng đến giờ mới có mưa, mía lên không nổi nữa chỉ thấp lè tè vậy thôi”, cô Lài buồn bã chia sẻ.
Cũng như gia đình cô Mai, cô Lài đã vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) để đầu tư làm vụ mía này. Đáng nói là thời điểm năm 2014, cũng vì vụ mía không thuận lợi nên cô Lài đã được Agribank gia hạn một khoản nợ và vừa trả xong vào đầu năm nay. Sau đó khi được ngân hàng tiếp vốn để làm vụ mía này thì thiên tai lại ập đến…
Ông Trần Thanh Long, cán bộ tín dụng của Agribank huyện Cù Lao Dung cho biết, toàn huyện có khoảng 4.500 hộ chịu thiệt hại do đợt hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài trong năm vừa qua, với hơn 3.400 ha cây trồng các loại, trong đó tập trung chủ yếu vào cây mía hơn 3.300 ha.
Là người đã có mặt từ khi các hộ bắt đầu khai hoang đất Cù Lao Dung và trồng mía vào năm 1997-1998 đến nay, ông Long càng thêm hiểu cái khó của hàng ngàn hộ dân đang sinh kế dựa vào cây mía, khi đây là năm xâm nhập mặn kéo dài và tác động nặng nề nhất từ trước đến nay.
Thông thường như mọi năm, qua Tết mới là thời điểm đất mặn và thường chỉ diễn ra trong khoảng 2-3 tháng rồi bắt đầu có mưa để cây mía lớn lên. Nhưng năm nay mặn kéo dài chưa từng có, mưa lại xuống muộn khiến mía nhiễm mặn nặng nề. Ở đất này, mỗi năm chỉ trồng được 1 vụ mía, vì vậy chỉ cần 1 vụ thất bát cũng có nghĩa là thu nhập của hàng trăm hộ gia đình bị bấp bênh theo cây mía.
Để kinh tế không còn bất trắc
Chia sẻ với khó khăn của các hộ nông dân, ngay từ thời điểm tháng 10 vừa qua, NHNN chi nhánh tỉnh Sóc Trăng đã bắt tay vào tiến hành thực hiện nhiều biện pháp để hỗ trợ khắc phục thiệt hại do hạn, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh. Các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 181 khách hàng, với tổng dư nợ được cơ cấu hơn 22 tỷ đồng; cho vay mới để khắc phục hậu quả đối với 769 khách hàng, doanh số cho vay lũy kế gần 33 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, hiện ngân hàng tỉnh cũng đang đề nghị với NHNN cho phép khoanh nợ cho 1.855 khách hàng, với dư nợ khoảng 18,3 tỷ đồng, do thiệt hại quá nặng nề và khó có thể khắc phục được.
Nếu đề xuất này được thông qua, thì đây sẽ là lần thứ 3 trong vòng 5 năm qua, ngành ngân hàng tỉnh thực hiện khoanh nợ cho nông dân. Ông Phạm Kim Hùng, Phó Giám đốc NHNN Sóc Trăng nhớ lại, năm 2012, dịch bệnh trên con tôm khiến các hộ nuôi bị thiệt hại nặng, nhiều hộ mất trắng.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách cấp bách hỗ trợ sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, NHNN Sóc Trăng đã chỉ đạo các NHTM thực hiện giãn nợ tối đa 24 tháng và hạ lãi suất đối với khoản vay nuôi tôm của các hộ gia đình, trang trại, hợp tác xã…
Dư nợ được gia hạn của gần 12.000 khách hàng tại thời điểm đó là hơn 2.000 tỷ đồng. Phải tới tận năm 2014, nhiều diện tích nuôi tôm của các hộ mới bắt đầu khôi phục và đi vào sản xuất trở lại. Nhưng trong số này vẫn còn nhiều hộ chưa có thu nhập để trả tiền vay NH. Một lần nữa, các NH trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đã khoanh nợ cho hơn 8.500 khách hàng với số tiền khoảng 327,3 tỷ đồng.
Dư âm của những vụ mùa sản xuất thất bát vẫn ảnh hưởng đến hoạt động của ngành NH tỉnh đến ngày hôm nay. Tính đến hết năm 2016, nợ xấu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng chiếm tỷ lệ 2,55% so với tổng dư nợ, tập trung nhiều ở lĩnh vực cho vay nuôi trồng thủy sản, sau đó tới cây lúa, cây màu, chăn nuôi…
Ông Hùng lo ngại, tăng trưởng huy động vốn cả năm nay đạt khoảng 18%, trong khi đó tăng trưởng tín dụng mới đạt khoảng 5,23% so với tổng dư nợ. “Tăng trưởng tín dụng thấp hơn nhiều so với huy động như vậy là do vốn huy động về song các ngân hàng không thể cho vay được vì sản xuất nông nghiệp chưa phục hồi, rót vào đâu cũng thấy rủi ro. Nhưng không cho vay cũng không ổn vì tăng trưởng tín dụng thấp sẽ là nguy cơ hình thành thêm nợ xấu về sau”, ông băn khoăn.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2016, thiên tai xảy ra nhiều và nặng nề khiến cho nước ta thiệt hại khoảng 1,7 tỷ USD, chiếm gần 1% GDP. Còn theo ông Nguyễn Đức Kiên, Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng, năm 2016 là năm thiên nhiên thử thách nền kinh tế Việt Nam kinh khủng nhất. “Khi nhìn lại cơ cấu nền kinh tế, chúng ta thấy chưa bao giờ nền kinh tế với 63% lực lượng dân số làm nông nghiệp lại bất ổn và mong manh như thế trước thiên nhiên”, ông Kiên nói.
Ông Kiên phân tích, 6 tháng đầu năm phát triển nông nghiệp âm, từ tháng 7 mưa thuận gió hoà mới bật lên mức 0,67% tính đến quý III. Như vậy mới thấy nền sản xuất nông nghiệp bất định và phụ thuộc lớn vào thiên nhiên. Chúng ta cứ nói công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước nhưng bản thân nền kinh tế không thay đổi nhiều, trong khi đó đóng góp của nông nghiệp vẫn chiếm khoảng 17-18%, mới là lĩnh vực cần thay đổi, cần hiện đại hoá nhất.
Vai trò bệ đỡ của sản xuất nông nghiệp cũng được Tổng cục Thống kê nhắc lại trong những báo cáo tổng kết cuối năm của cơ quan này. Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, trong mức tăng trưởng 6,21% của toàn nền kinh tế trong năm 2016, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chỉ đóng góp 0,22 điểm phần trăm. Mức tăng trưởng của riêng khu vực này trong năm nay chỉ đạt 1,36%, thấp nhất kể từ năm 2011 trở lại đây, đã trực tiếp làm tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt được chỉ tiêu đã đặt ra.
Với những diễn biến này, theo ông Lâm, năm vừa qua chúng ta đã chứng kiến biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ như thế nào đến nền kinh tế. Đặc biệt xâm nhập mặn đã vào lõi của đồng bằng sông Cửu Long, là vựa lúa của nền kinh tế, và với tình hình diễn biến phức tạp như thế này thì cũng không hẳn đã tốt cho nuôi trồng thuỷ sản.
“Đây sẽ là thách thức lớn của nền nông nghiệp trong năm tới đây, vì nông nghiệp vẫn là khu vục đóng góp mạnh vào nền kinh tế, là bệ đỡ trong khó khăn”, ông Lâm khẳng định lại.
Vì vậy, yêu cầu đặt ra lúc này là cần có các chính sách dài hơi và đồng bộ để phát triển sản xuất nông nghiệp, để thu nhập của người nông dân không phải vì thiên tai mà trở nên bất trắc. Quan trọng nữa là các chính sách đi theo phát triển nông nghiệp như chính sách tín dụng, cũng không tiếp tục gặp cảnh khó chồng khó.
Khanh Đoàn
http://thoibaonganhang.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã