|
Trò chuyện đầu xuân tại Mặt trận Hà Nam Chủ tịch Lương Trọng Thái quay ra trò chuyện vui vẻ và câu chuyện đầu năm với người làm Mặt trận đầy đam mê. Chuyện trò với ông khiến chúng tôi hiểu rằng không ai biết nhiều chuyện, trên trời dưới biển như người làm Mặt trận, những chuyện trong nhân dân, có những vấn đề bà con coi đơn giản lắm, ấy thế mà ban này ngành nọ họp hành suốt để tìm nguyên nhân. Chúng tôi hỏi ông Lương Trọng Thái về việc Mặt trận mà ông tâm đắc, dành nhiều sự quan tâm trong mấy năm qua, ông trả lời ngay: Vấn đề xây dựng nông thôn mới. Hà Nam là một tỉnh "nông dân”, đất chật, người đông. Nơi cư trú của họ vẫn trong làng xóm, thậm chí có nơi được lên phường rồi nhưng tư duy người dân vẫn là tư duy của những người gắn bó với đồng ruộng. Nói thế, có nghĩa là việc xây dựng nông thôn mới thực sự có ý nghĩa lâu dài. Về vấn đề này chúng tôi có chung quan điểm với ông Lương Trọng Thái. Mới đây tỉnh uỷ Hà Nam đã có hội nghị tổng kết đánh giá tiến độ thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới năm 2012 và dự kiến những việc sẽ làm trong năm 2013. Trong số 5 xã được làm điểm từ năm 2010, tính tới nay vẫn chưa có xã nào đạt được đủ 19 tiêu chí, xã cao nhất cũng mới đạt được 15 tiêu chí thôi. Quan điểm của tỉnh thì đây là một phong trào lớn và sẽ kéo dài, không nên chạy theo thành tích để làm gì. Những việc cần thiết nhất, theo quan điểm của chủ tịch Mặt trận tỉnh là phải xây dựng tốt hệ thống đường giao thông liên xã, kế tiếp là giao thông nội đồng. Đây là tiêu chí có ý nghĩ thiết thực với đời sống người dân hàng ngày. Hầu hết đồng đất ở Hà Nam là vùng chiêm trũng, ngày xưa các cụ nói "sống ngâm da, chết ngâm xương”. Thậm chí không có đất làm nhà vệ sinh, nên phải làm "cầu tõm”. Mỗi khi trời mưa thì đường làng trơn như đổ mỡ, trẻ con đi học ngã oành oạch, sách vở quăng cả xuống bùn. Cánh đồng trũng thì thôi rồi, người nông dân lội nước ngang lưng gặt lúa, kéo được bó lúa về nhà gian nan vất vả làm sao, mồ hôi hoà cùng nước ruộng đồng sâu. Chính vì thế mà bộ mặt nông thôn mới phải được thay đổi trước hết từ hệ thống giao thông và giai đoạn này vai trò của Mặt trận các cấp, nhất là Mặt trận cơ sở là vô cùng quan trọng, vận động nhân dân dịch hàng rào, dịch tường bao lấy đất mở rộng đường làng, góp công, góp của xây đường ra đồng. Nhiều con đường làng có tuổi mấy trăm năm rồi nhưng chật quá. Thế là một cuộc vận động rầm rộ nhân dân hiến đất làm đường được Mặt trận khởi xướng trên toàn tỉnh. Ban công tác Mặt trận chịu trách nhiệm mở hội nghị, kẻ khẩu hiệu tuyên truyền, xôm lắm. Tiêu chí đường làng được quy định rộng ba mét rưỡi. Theo tiêu chí này thì có tới trên 80% những con đường liên thôn, liên xóm phải mở rộng. Cuộc vận động hiến đất mới đầu tưởng đơn giản, nhưng không đơn giản chút nào, không ít những cuộc họp bất thành vì có người phản đối. Cũng là tâm lý chung thôi, cái bờ rào quây bờ cõi riêng đã mấy chục năm nay, ổn định rồi, bây giờ bảo phá ra, lùi vào hiến đất làm đường thì quả thật là khó. Tại sao lại phải hiến đất, trong khi đó ở nhiều nơi nhà nước phải mua đất, phải bồi thuờng cho dân mới có thể mở rộng đường tỉnh lộ, quốc lộ. Thậm chí trong một xóm, mấy chục gia đình đã hiến đất rồi, chỉ còn 1 gia đình không đồng ý, vậy là vẫn không mở rộng đường được. Ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ khu dân cư nào cũng có một vài người luôn có tư tưởng không đồng thuận với số đông, điều này gần như là quy luật. Chương trình xây dựng nông thôn mới đang làm thay đổi bộ mặt nhiều làng quê Ảnh: Hoàng Long Theo tính toán để xây dựng đủ các công trình theo tiêu chí nông thôn mới thì mỗi xã cần tới gần 200 tỷ đồng, trong đó làm đường giao thông, đường nội đồng tốn hết khá nhiều trong đó. Tiền ở đâu ra để xây dựng nông thôn mới? Đó là câu hỏi hóc búa nhất với bất cứ địa phương nào, không có tiền thì phải vận động nhân dân đóng góp thôi. Tỉnh Hà Nam có chủ trương cấp xi măng làm đường giao thông theo kế hoạch hàng năm, còn công xá và các chi phí khác thì cơ sở phải tự lo. Chỉ còn một cách duy nhất là vận động nhân dân góp công, góp của. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, trong 2 năm 2009-2011 toàn tỉnh vận động nhân dân đóng góp được gần 40 tỷ đồng, năm 2012 vận động được 303 tỷ đồng. Đây là kết quả của sự kiên trì vận động, và chỉ tới khi người dân hiểu được rằng xây dựng nông thôn mới là làm cho chính mình thì bà con không so đo tính toán nữa. Nhiều nơi Mặt trận đã vận động bà con đóng góp mỗi khẩu từ 5 tới 7 triệu đồng để làm đường giao thông liên xóm như ở huyện Bình Lục, Duy Tiên… Một trong những mục tiêu trong tiến độ xây dựng nông thôn mới năm 2013 ở tỉnh Hà Nam là đẩy mạnh tiến độ xây dựng đường giao thông nông thôn, cơ bản hoàn thành trong 6 tháng đầu năm. Để thực hiện được kế hoạch này, không thể không có sự đồng lòng ủng hộ đóng góp của người dân trong toàn tỉnh. Cùng với việc hoàn thiện đường giao thông, Mặt trận tiếp tục phối hợp với các ngành các cấp đẩy mạnh việc quy hoạch sử dụng đất, xây dựng các công trình, dồn điển đổi thửa để bê tông hoá hết đường nội đồng. Một núi công việc! Xây dựng nông thôn mới là làm cho cuộc sống người dân khá lên, và chỉ có người dân mới quyết định được những việc quan trọng này. Mặt trận cơ sở đóng vai trò châm lửa để khát vọng trong lòng mỗi người dân cháy lên thì việc gì cũng có thể làm được. Trong 3 năm qua, người dân trong tỉnh đã hiến hàng vạn mét vuông đất, góp hàng triệu ngày công để xây sửa đường giao thông, làm vệ sinh công cộng, góp phần quyết định vào tiến trình xây dựng nông thôn mới. Cuộc sống ngày một nâng cao, mọi tiêu chí xây dựng nông thôn mới cũng sẽ được điều chỉnh, duy có một việc bất di bất dịch mà Chủ tịch Mặt trận tỉnh Hà Nam trăn trở đó là việc làm cho người dân. Trên địa bàn tỉnh Hà Nam nhiều làng bị thu hồi hết đất nông nghiệp, bà con bươn bả tìm việc làm, mỗi người mỗi hướng. Không ít khu công nghiệp chưa làm ăn có lãi nên không thể tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Phải có việc làm, có thu nhập thì người nông dân mới có điều kiện cho con cái học hành, có điều kiện nâng cao mức sống. Vậy thì Mặt trận mình có tham gia gì vào việc giải quyết việc làm cho người dân hay không, thưa chủ tịch? Khó đấy, trong nhiệm vụ của mình, Mặt trận phải vận động nhân dân làm kinh tế, ấy là nói thế thôi chứ thực hiện khó lắm. Cuộc vận động xây dựng nông thôn mới đang được triển khai rầm rộ trên bình diện cả nước. Đây cũng chính là điều kiện để Mặt trận thể hiện mình, để chứng tỏ sức mạnh tập hợp toàn dân. Lê Tự |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;