Hai phận già cô quạnh
Chúng tôi về thăm cụ Hai trong một ngày cuối đông, mới đặt chân tới đầu xóm, chị Nguyễn Thị Huế cho biết: “Hai ông bà chuyển lên núi sống lâu rồi, thật khổ cho hai phận già, có được mụn con gái thì lấy chồng xa. Hai cụ sợ đến lúc chết không có tiền mai táng nên đã dựng lều sống gần nghĩa địa để khi nhắm mắt khỏi làm phiền bà con. Thật khó tin cụ Hai dùng dao mổ thận lấy ra mấy viên sỏi như quả cau. Chuyện đó là sự thật các chú à”.
Con đường đến nhà cụ Hai quanh co, đá lởm chởm… Túp lều nằm lọt thỏm giữa hốc đá, khu nghĩa địa bao quanh nhà khiến quang cảnh nơi đây lạnh lẽo, tang tóc, u sầu… Đứng trước cửa gọi mãi không thấy tiếng trả lời, một lúc sau nghe tiếng rên mới biết hai cụ đang ốm liệt giường cả tuần nay. Cụ Hai lụ khụ chống gậy miệng chậm rãi nói: “Các con ở mô đến đó, sức khỏe tui ngày một yếu đi, bệnh tật trong người thì nhiều, ăn uống lại kham khổ. Tui chắc sống không được bao lâu nữa”.
Hai số phận khổ cực
Năm 47 tuổi, cụ Hai khi phát hiện bị bệnh khó tiểu. Chắt góp, vay mượn 3 lần đi viện mổ nhưng không thành. Vì cuộc sống khó khăn, cơm áo gạo tiền nên cụ vẫn đi làm khi chưa khỏi hẳn. “Dãi nắng dầm mưa” vết thương bị nhiễm trùng nặng, một khối u chỗ mổ cứ đùn thịt ra và to hơn 3kg, nước tiểu cứ rỉ suốt ngày suốt đêm. Không có tiền đi viện tiếp cụ đã gánh chịu nỗi đau “cực hình”.
“Khổ thì không ai bằng tôi mô. Hai ông bà già không làm được gì hết, sống nhờ vào bà con chòm xóm, người thì cho củ khoai, củ sắn, ít mắm muối… ăn cho qua ngày. Không biết chết ngày mô đây các con ạ” - cụ Hai ngậm ngùi chia sẻ.
Bà Thu, người trong xóm cho hay: “Con gái thì lấy chồng xa, biệt tăm biệt tích. Hai ông bà già không làm gì được, tôi thấy ở thời này mà vẫn có hoàn cảnh như thế thương lắm”.
“Một chết hai sống”
Rót chén nước tay run run, kể lại khoảnh khắc kinh hoàng cách đây 5 năm cụ Hai không tin mình vẫn còn sống: “Lúc đó, vợ tôi đi làm giúp việc xa. Tôi ở nhà một mình, trời nóng nực, trong người đau quằn quại. Xung quanh thì vắng vẻ không biết kêu ai, lỡ họ đến thì cũng không có tiền đi viện. Cơn đau càng lúc càng dữ dội, tôi trườn vào nhà lại ra sân, kiểu ni thì chết chứ không sống nổi”.
Cụ ngất lịm đến 2h chiều thì tỉnh, cơn đau vẫn không giảm: “Tôi trườn xuống bếp lấy một con dao, rồi cầm chiếc gương, vơ lấy cái áo đưa lên miệng nghiến chặt để khỏi cắn phải lưỡi. Mắt nheo, nghiêng người một bên, một tay giữ lấy chỗ đau, tay kia cầm dao cứa vào thịt, nhưng do dao cùn nên cứa đến lần thứ 3 mới khoét sâu vào trong thịt. Sau đó tôi dùng ngón tay móc vào bên trong, móc mãi vẫn không thấy gì hết, máu tươi với mủ chảy lênh láng khắp mặt đất. Tôi nghĩ đã đến lúc này thì chết sống không quan trọng, tôi nhắm mắt tiếp tục móc sâu thì chạm vật gì cứng, móc ra thì hiện hình 3 viên sỏi. Khi đó tôi thấy nhẹ hẳn người và không thấy đau nữa, tôi bò lại gần giếng múc một thau nước rửa vết thương. Rửa mãi đến lúc không thấy máu chảy nữa mà thấy chất màu vàng chảy từng giọt thì tui nghĩ là đã cầm máu rồi”.
Ca “phẫu thuật” kéo dài gần 3 tiếng đồng thì cụ Hai đã nằm bất tỉnh trên vũng máu. Đến 3h sáng cụ tỉnh dậy: “Chân tay tôi ngọ nguậy, máu ngừng chảy, thấy đói bụng, tôi nghĩ thế là mình không chết. Tôi lại lết xuống bếp mở lon ra thấy một ít gạo, tôi bỏ vào nồi bắc lên bếp nấu. Do đói quá tôi thiếp đi một lúc thì nghe mùi khét, tỉnh dậy thì cơm cháy gần hết. Vét được nửa bát cơm, tôi ăn ngấu nghiến, thấy rất ngon. Thế là tui sống cho đến ngày hôm nay”.
Bà Khướu chia sẻ: “Ông ấy mà chết thì tui ân hận lắm. Cũng vì hoàn cảnh nghèo đói mà tôi phải bỏ ông đi làm thuê cho nhà khác, ông ấy thui thủi một mình trong túp lều đơn độc nhưng không biết làm sao. Bây giờ, tôi không đi mô nữa hết, có chết thì hai ông bà chết cùng nhau”.
Ký ức kinh hoàng đã qua, viên sỏi đã tự tay cụ lấy ra, nhưng cái u cứ to dần, nước tiểu cứ chảy rả rích khiến cho cụ rất đau. Cụ Hai đã yếu không làm được việc gì nữa, mà còn bệnh tật cứ tra tấn, hàng ngày bà Khướu lặn lội một mình kiếm từng bó rau má đi bán mua gạo.
Đã bước sang tuổi “xưa nay hiếm”, hai cụ đành an phận với cuộc đời cơ cực của mình. Túp lều đã sụp đổ, nên hai cụ phải ở nhờ nhà chú ruột đã mấy tháng nay.
“Hai vợ chồng già sống chẳng mấy hơi nữa, nên cũng không ước nhà cửa làm gì nữa. Tui chỉ mong có sức khỏe sống thêm được ngày nào là hạnh phúc lắm rồi. Mong muốn nhất là được hưởng tiền trợ cấp người già, để có tiền mua gạo, mua thức ăn”.
Ông Trần Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND xã Hương Hồ cho biết: “Hoàn cảnh gia đình cụ Hai cả xã ai cũng biết, còn chuyện ông Hai dùng dao mổ thận cho mình là có thật. Cũng vì hoàn cảnh bất đắc dĩ nên cụ mới làm liều, đó là trường hợp đặc biệt “có một không hai”. Sau khi báo đài viết về cụ Hai, chính quyền xã cũng đã có nhiều chính sách quan tâm đến gia đình cụ”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;