Theo báo cáo của Cục Thú y, từ đầu năm đến nay, dịch cúm gia cầm bắt đầu tái phát tại 12 tỉnh, thành cụ thể gồm 30 xã, phường của 23 huyện, quận, thành phố là: Hải Phòng, Hải Dương, Thái Nguyên, Hà Nam, Bắc Giang, Quảng Trị, Thanh Hóa, Sóc Trăng, Kiên Giang, Hà Tĩnh, Quảng Nam và Bắc Ninh. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 35.130 con, trong đó gà 4.888 con, vịt 29.876 con, ngan 366 con.
Tuy nhiên, dịch phát ra lẻ tẻ, rải rác, phần lớn các tỉnh có 1 hoặc 2 hộ chăn nuôi có dịch và các ổ dịch đã được địa phương phát hiện sớm, xử lý gọn nên dịch chưa có dấu hiệu lây lan rộng. So với tình hình dịch của cùng kỳ năm trước cho thấy năm nay dịch xuất hiện chủ yếu trên đàn vịt, quy mô dịch là tương tự (nhỏ lẻ, rải rác, 1 - 2 hộ có dịch trong một tỉnh). Hiện nay, thời tiết bất lợi và diễn biến bất thường làm giảm sức đề kháng của đàn gia cầm, các hoạt động vận chuyển, giết mổ gia cầm và di chuyển của người dân trong nhiều hoạt động lễ hội ở các địa phương tăng cao, nhiều đàn gia cầm đã hết miễn dịch hoặc được nuôi mới, chưa có vắc xin phù hợp để tiêm chủng vi rút cúm đã biến đổi,… trong thời gian tới, dịch có thể vẫn tiếp tục xuất hiện rải rác tại nhiều địa phương khác.
Tại hội nghị trực tuyến một số tỉnh gồm: Hà Tĩnh, Hải Dương, Thanh Hóa, Thái Bình và Sóc Trăng cùng cho rằng, với tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nhiệt độ thấp, độ ẩm cao, nguy cơ phát sinh dịch cúm là rất lớn. Các tỉnh sẽ tập trung tăng cường công tác chỉ đạo các địa phương tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về dịch bệnh, tổ chức tốt công tác giám sát dịch bệnh, thường xuyên vệ sinh môi trường tiêu độc khử trùng chuồng trại. Đặc biệt, tăng cường công tác kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm trên địa bàn.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Diệp Kỉnh Tần nhấn mạnh, hiện nay, tình hình dịch cúm gia cầm trên phạm vi cả nước đang có diễn biến phức tạp. Qua nhiều năm chống dịch nhưng hiện nay chúng ta vẫn còn tâm lý lơ là, chủ quan trong chỉ đạo, quản lý. Công tác tiêm phòng tại các địa phương vẫn chưa đạt hiệu quả. Các địa phương cần đề cao trách nhiệm của hệ thống chính quyền các cấp, trách nhiệm của cá nhân, các ngành, đặc biệt là ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, y tế. Coi công tác tuyên truyền, phòng dịch là nhiệm vụ trọng tâm, đặt lên hàng đầu. Nắm bắt thông tin một cách kịp thời về số lượng, nguyên nhân, thiệt hại, từ đó, khoanh vùng để kiểm soát dịch, tránh để tình trạng dịch lây lan.
Thứ trưởng đề nghị các địa phương đã có và chưa có dịch cần tập trung triển khai một số công tác sau:
- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền cho người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhằm giảm thiểu các hành vi có nguy cơ làm phát sinh và lây lan dịch. Đối với chính quyền các cấp, các ban, ngành của địa phương, cần quán triệt phương châm: “Chủ động phát hiện sớm ổ dịch, xử lý dịch quyết liệt và bao vây, giám sát chặt ổ dịch”. Khuyến cáo rõ cho người dân về các dấu hiệu nhận biết dịch cúm trên gia cầm, triệu chứng bệnh cúm trên người…
- Tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm khi có dịch xảy ra phải lấy mẫu gửi xét nghiệm, xác định chủng vi rút gây bệnh, đồng thời tiêu hủy ngay đàn gia cầm bị bệnh, vệ sinh tiêu độc khử trùng xung quanh khu vực có dịch. Lập chốt kiểm dịch ngăn chặn gia cầm vận chuyển ra ngoài ổ dịch. Riêng đối với các tỉnh Nam bộ phải thường xuyên thực hiện tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm, tạo miễn dịch khép kín cho đàn gia cầm, yêu cầu kết quả tiêm phòng phải đạt tỷ lệ trên 80% trên tổng đàn.
- Đồng loạt triển khai “Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường” trong toàn quốc để tăng cường hiệu quả tiêu diệt mầm bệnh.
- Chuẩn bị tốt cơ số thuốc, hoá chất và trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm trên địa bàn và qua biên giới.
- Chủ động bảo vệ và chăm sóc tốt cho đàn gia súc, gia cầm để tăng cường khả năng miễn dịch. Khi xảy ra dịch phải tổ chức công bố và tiến hành quy trình dập dịch có hiệu quả.
- Cục Thú y tăng cường công tác giám sát dịch bệnh tổ chức lấy mẫu bệnh phẩm tại các địa phương, để xác định chủng vi rút gây bệnh đối với bệnh cúm gia cầm.
Thanh Thúy
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;