Theo Chi cục Thú y Hà Tĩnh, tính đến sáng ngày 24/2, toàn tỉnh đã có 29 hộ ở 12 thôn thuộc 5 xã của 3 huyện (Kỳ Anh, Cẩm Xuyên và Hương Khê) bùng phát dịch cúm gia cầm H5N1 làm 9.764 con gia cầm ốm chết và buộc phải tiêu hủy (4.076 con gà, 5.570 con vịt và 118 con gia cầm khác). Ngoài các địa phương đã công bố dịch từ trước như: Kỳ Trinh (Kỳ Anh), Cẩm Duệ, Cẩm Yên, Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên), nay còn có thêm sự xuất hiện của xã Hương Long (Hương Khê).
Chi cục Thú y Hà Tĩnh cung ứng vắc xin cho các địa phương tiêm phòng bao vây chống dịch cúm gia cầm |
Ông Nguyễn Minh Long - Trưởng Trạm Thú y huyện Hương Khê thông tin thêm: Từ ngày 17/2, đàn gà 300 con của gia đình bà Phan Kim Ngọc ở xóm 2, xã Hương Long, có hiện tượng ốm chết hàng loạt. Tính đến ngày 23/2 đã có 200 con chết. Tiếp tục điều tra, cơ quan thú y huyện phát hiện thêm tại hộ bà Hoàng Thị Huệ có 130 con gà và 48 con ngan ốm chết sau khi xuất hiện tình trạng giảm đẻ, bỏ ăn. Kết quả lấy mẫu xét nghiệm đều dương tính với bệnh cúm gia cầm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Lê Trần Sáng cho biết, sau khi nhận được tin báo của cơ quan chuyên môn, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT, Trạm Thú y về trực tiếp chỉ đạo xã Hương Long tiến hành các biện pháp cấp bách phòng chống dịch như: hướng dẫn tiêu hủy gia cầm ốm chết đảm bảo quy trình kỹ thuật; thông báo rộng rãi trong nhân dân về sự xuất hiện của dịch để chủ động phòng tránh, nhất là tuyên truyền nguy cơ dịch lây sang người; tổ chức rải vôi bột, phun tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực chợ, trục đường chính thuộc khu vực xóm 2 và các vùng phụ cận; yêu cầu các hộ chăn nuôi ở thôn 2 ký cam kết "5 không" theo Quyết định 38 của Bộ NN&PTNT; lập 2 chốt kiểm dịch để ngăn chặn việc mua bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm ra vào vùng dịch; soát xét tổng đàn để khẩn trương tiêm phòng bao vây ổ dịch…
Chưa dừng lại ở Hương Khê, Trạm Thú y huyện Nghi Xuân cũng vừa thông báo, tại thôn 9, xã Cổ Đạm, từ ngày 22/2, đàn gia cầm của hộ ông Hoàng Văn Lâm đã có 1.460 con gà ốm chết. Song, kết quả xét nghiệm lại âm tính với vi - rút cúm gia cầm.
Trạm Thú y huyện Nghi Xuân tiếp nhận vắc xin và hóa chất để phòng chống dịch |
Theo ông Trần Hùng - Chi cục phó Chi cục Thú y Hà Tĩnh, với sự tập trung chỉ đạo của UBND tỉnh, sự vào cuộc kịp thời và thực hiện đồng bộ các giải pháp của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương, đến nay, ổ dịch tại xã Kỳ Trinh (Kỳ Anh) bước đầu được kiểm soát; các ổ dịch ở Cẩm Xuyên từng bước được khống chế, song, tình trạng gia cầm ốm chết vẫn rải rác xuất hiện nhưng chưa hẳn chỉ do bệnh cúm gia cầm mà có thể còn do một số bệnh truyền nhiễm khác như: niu - cát - xơn, tụ huyết trùng… Tuy vậy, do môi trường chăn nuôi không đảm bảo, mật độ chăn nuôi cao, việc buôn bán - vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm phức tạp, dịch xảy ra ở đầu nguồn nước (Cẩm Duệ), đặc biệt là mầm bệnh đã lưu hành trong môi trường và trên đàn gia cầm trong khi còn thiếu vắc xin để tiêm phòng diện rộng nên nguy cơ bùng phát và lây lan dịch thời gian tới còn rất cao.
Cũng theo ông Hùng, trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm, Bộ NN&PTNT đã đồng ý hỗ trợ cho Hà Tĩnh 1,2 triệu liều vắc xin H5N1 (Re5) chủng cũ nhưng đến ngày 23/2, tỉnh mới nhận được 680 ngàn liều. Để việc sử dụng vắc xin kịp thời, hiệu quả, đảm bảo công tác phòng chống dịch, BCĐ tỉnh đã tiến hành phân bổ đợt 1 với 680 ngàn liều cho các địa phương tiêm phòng bao vây chống dịch và ưu tiên tiêm tại những nơi có ổ dịch cũ và cho các đàn vịt nuôi tập trung ở những vùng nguy cơ phát dịch cao. Đồng thời với cung ứng vắc xin, Chi cục đã và đang cấp phát 13.100 lít hóa chất gồm: 6.550 lít hóa chất Benkocid và 6.550 lít hóa chất Haniodine cho 12 huyện, thành, thị (mỗi xã, phường, thị trấn 50 lít) để phun tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi.
"Vấn đề cấp thiết hiện nay đối với các địa phương cả vùng dịch lẫn vùng chưa có dịch là phải nhanh chóng tiếp nhận vắc xin cúm gia cầm để tiến hành tiêm phòng bao vây, phấn đấu hoàn thành trước ngày 27/2; sau đó là tập trung phun tiêu độc khử trùng bằng hóa chất đã cấp để phòng ngừa dịch bệnh", ông Hùng nhấn mạnh.
Hải Xuân
Báo Hà Tĩnh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã