Giữa những ngày hè nắng lửa nóng hầm hập, anh Hoàng Văn Chí ở thôn Tân Thịnh xã Thượng Mỗ (Đan Phượng, Hà Nội) đon đả mời chúng tôi thứ quả đặc sản của quê mình: Bưởi tôm vàng mọng nước, ngọt lịm người. Mùa bưởi đã qua đến 4 - 5 tháng nhưng nhờ bảo quản ở chỗ râm mát nên anh vẫn còn giữ được cả trăm quả để khoản đãi khách mỗi khi tới chơi.
Anh Chí giới thiệu cách đuổi côn trùng bằng treo đĩa CD lên cây |
Quả thực, bưởi tôm vàng chính là thứ của để dành của nông dân Đan Phượng. Của để dành ở đây theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nghĩa đen thì rất dễ hiểu không có thứ quả nào có thể để dành được lâu như nó, tới 4 - 5 tháng trong điều kiện bình thường còn nghĩa bóng là nhiều người dân trong vùng này tiết kiệm được tiền của, tậu đất, xây dựng nhà cửa khang trang nhờ trồng bưởi.
Năm 1994, anh Chí là một trong những hộ đầu tiên trong vùng di thực giống bưởi Diễn về để cải tạo vườn tạp với tổng cộng 80 gốc. Không thể ngờ rằng giống đặc sản tưởng chừng như là độc quyền ở làng Diễn trước đây (nay thuộc các phường Minh Khai, Phú Diễn và Phúc Diễn của quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lại hợp với vùng đất mới đến vậy. Cây phát triển khỏe mạnh, quả ăn rất thơm ngon với những múi chứa tôm màu vàng đặc trưng. Đất gan gà, có nhiều sỏi ruồi hợp nhất với việc trồng bưởi, càng khô, càng cao thì quả lại càng ngọt, tôm càng ráo.
Khác với thời trước người tiêu dùng chỉ quan tâm đến ăn ngon ngày nay họ đặc biệt chú ý đến yếu tố sạch, an toàn thực phẩm. Anh Chí bảo bưởi thường bị nấm, nhện đỏ, vẽ bùa, rệp nên sau khi thu hoạch phải phun 1 lần trị bệnh, trước khi ra hoa phải phun thuốc kích thích, hoa ra rồi thì phun dưỡng hoa, dưỡng quả. Đến tháng 8 âm lịch anh ngừng phun thuốc để đợi đến tháng 11, 12 âm lịch thì thu hoạch nên độ an toàn có thể nói là tuyệt đối.
Đến thăm vườn nhà anh thấy lủng lẳng những đĩa CD treo quanh gốc bưởi ngỡ rằng người nông dân này sáng chế ra cách cho cây… nghe nhạc như người ta từng áp dụng với lợn, với bò, với gà, với vịt nhưng không phải. Đó là cách xua đuổi ruồi bọ rất độc đáo của anh. Khi côn trùng bay đến định hại cây, hại quả tình cờ nhìn thấy hình ảnh của chính mình bị phản chiếu trên mặt đĩa sẽ cảm thấy sợ hãi liền cao chạy xa bay.
Không chỉ phòng chống về mặt sâu bệnh, cây bưởi còn được chăm chút rất cẩn thận về mặt dinh dưỡng. Đa số bà con tưới cây bằng nước mặt sông Hồng, bón bằng phân hữu cơ hoặc ngâm đậu tương để tưới (tuy nhiên cách ngâm đậu tương kiểu này hơi nặng mùi nên anh Chí cứ nghiền đậu sống rồi bón cho mỗi gốc hơn 1kg). Chỉ với 4 sào vườn nhưng năm nào anh cũng thu nhập 130 - 140 triệu, sau khi trừ 20 - 30 triệu cho các khoản đầu tư phân, thuốc BVTV nhẹ nhàng cũng đút két được khoảng 100 triệu.
Vào nghề chỉ sau anh Chí một năm là anh Phan Văn Hào ở đội 2 nhưng lại có quy mô vườn lớn hơn, tới 6 sào với 160 gốc. Anh trở thành người trồng bưởi cho hiệu quả cao nhất của xã Thượng Mỗ với mức lãi khoảng 350 - 360 triệu mỗi năm. Nhờ bưởi mà anh mới mua thêm được 2 sào đất để tiếp tục mở rộng quy mô. Muốn tạo ra quả bưởi sạch, công tác phòng bệnh quan trọng hơn chữa bệnh. Sau mỗi mùa thu hoạch xong anh Hào đều dùng máy rửa xe để xịt rửa sạch sẽ cho từng thân cây bay hết mầm sâu bệnh rồi quét vôi vào thân để chống rêu mốc, sâu đục gốc.
Anh Hào thụ phấn cho hoa bưởi |
Muốn cây khỏe mạnh phải chú ý đến việc dưỡng cây. Tỉa cành già, cắt cành tăm rồi anh mới bón phân chuồng hoai mục, 2,5kg lân Lâm Thao, 2,5kg NPKS Lâm Thao cùng 2kg đậu tương đã ngâm ủ vào mỗi gốc. Giai đoạn cây ra hoa để tăng khả năng đậu quả anh tiến hành thụ phấn bổ sung. Cách thụ phấn cũng rất lạ, dùng luôn chổi quét phấn trang điểm của phụ nữ chứ không dùng đến cách chấm chấm bằng nhụy hoa như người trồng bưởi Đoan Hùng (Phú Thọ).
Khi cây đã kết quả rồi, để phòng ruồi phá hoại anh bẫy chúng bằng các chất dẫn dụ sinh học cũng như đuổi bằng cách treo các túi nylon chứa đầy nước hoặc đĩa CD. Mỗi khi có nắng to từ 35 độ C trở lên anh còn cẩn thận phun tưới nước trùm lên thân vì quả khi không được bao bọc, vỏ ngoài rất dễ bị thô rám.
Theo anh Nguyễn Duy Minh, Phó Chủ tịch xã Thượng Mỗ thống kê với 100ha trồng bưởi tôm vàng, nông dân toàn xã đã thu nhập được 100 tỉ/năm, có thể làm giàu bền vững nhờ nông nghiệp được. Trước đây, thu nhập của quả bưởi tôm vàng Thượng Mỗ không được cao nhưng nhờ sự hỗ trợ của huyện Đan Phượng mà cụ thể là xây dựng nhãn hiệu từ năm 2013, là các hoạt động quảng bá, giới thiệu ở các hội chợ cũng như trên các phương tiện truyền thông nên gần đây giá cả đã được cải thiện.
Mới đây nhất, do có tư vấn, giúp đỡ của Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam huyện Đan Phượng đã áp dụng thí điểm hệ thống điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm.
Bước đầu địa phương lựa chọn 2 cơ sở sản xuất rau hữu cơ công nghệ cao và vùng bưởi tôm vàng đặc sản xã Thượng Mỗ đăng ký thông tin, lập và dán tem truy xuất nguồn gốc, kết hợp túi nylon đựng sản phẩm gắn logo “Sản phẩm nông sản an toàn quê hương người gái đảm”.
Huyện cũng đang hoàn thiện “Đề án phát triển nông nghiệp bền vững Đan Phượng” gồm 4 nội dung, trong đó có nội dung “Xây dựng, áp dụng hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc hàng hóa, thực phẩm nông sản”.
Tất cả những thứ đó đã giúp cho năm 2017 giá bưởi tôm vàng tăng trung bình 5.000 - 10.000đ/quả so với năm trước. Về mặt kỹ thuật, một dự án mang tên “Chăm sóc phục hồi bưởi tôm vàng xã Thượng Mỗ” cũng được huyện đặt hàng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây có múi để tiến hành nghiên cứu, tư vấn.
Đó là những thuận lợi còn khó khăn trước mắt vẫn là quả bưởi tôm vàng mạnh ai nấy bán, chủ yếu qua thương lái chứ chưa tạo ra thị trường ổn định, không có liên kết chuỗi. Quy hoạch cho vùng trồng bưởi đặc sản này cũng đã có nhưng nếu thị trường đi lên thì diện tích sẽ dễ bị “vọt xà” còn ngược lại thị trường đi xuống sẽ khó mà giữ nổi. Bởi vậy cần một chiến lược dài lâu và căn cơ hơn nữa cho loại đặc sản mới này.
Bưởi tôm vàng là loại quả mới nổi lên của Hà Nội có xuất xứ từ bưởi Diễn được di thực về trồng tại xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng. Giống có quả hình tròn dẹt và hình trái chum, khi chín vỏ nhẵn, màu vàng cam, khối lượng trung bình từ 800 - 1.200gram, múi dễ tách, thịt quả màu vàng nhạt, ăn giòn, vị ngọt. Thời gian chín trước Tết Nguyên đán. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã