Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, chiều 13/6, mở đầu phiên chất vấn tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết đã nhận được 14 chất vấn, 22 kiến nghị cử tri và đã trả lời trực tiếp các nội dung cử tri nêu.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Minh Lâm (Long An) về việc nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Nước ta có hơn 70% người dân sống ở nông thôn, phần đông chưa qua đào tạo, vẫn làm việc bằng kinh nghiệm sẵn có. Để khai thác cơ sở vật chất sẵn có rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, giúp người lao động có kỹ năng nghề nhất định. Hiện nay, ở nông thôn đã xuất hiện nhiều sản phẩm dịch vụ, người lao động cần được đào tạo để làm các sản phẩm dịch vụ đó. Bên cạnh đó, vùng nông thôn cũng có rất nhiều làng nghề. Đáp ứng yêu cầu đào tạo đó, Chính phủ đã ban hành Quyết định 1956/QĐ-TTg về Phê duyệt đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Để đánh giá việc thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức 3 Hội nghị tổng kết ở 3 vùng và trong tháng 6/2013 sẽ tổ chức tổng kết 3 năm thực hiện Quyết định nhằm rút kinh nghiệm trong việc thực hiện.
Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) nói, 83,36% người thiếu việc làm đang sống ở nông thôn, việc đào tạo nghề do hai Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ LĐTBXH cùng quản lý dẫn đến trùng lặp và phân tán đầu tư, nguy cơ lãng phí lớn trong khi người học không nhiều, hướng xử lý như thế nào?
Thừa nhận có tình trạng không đồng bộ trong đầu tư công tác dạy nghề tại một số địa phương, một số trường thiếu giáo viên, có trường thiếu học sinh, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần kinh phí, do có lý do khác nhau nên một số địa phương đầu tư chưa đồng bộ.
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) đề cập vấn đề mất việc hoặc đang không có việc làm. Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, người dân bị mất việc làm hoặc đang không có việc làm thì cần phải được đào tạo lại để họ chuyển đổi nghề sao cho phù hợp với khả năng hơn. Trên cơ sở này, Bộ sẽ chỉ đạo các địa phương tìm hiểu số lượng lao động ở nhóm đối tượng trên cũng như nắm bắt khả năng, trình độ lao động để có phương án đào tạo lại nghề cho họ một cách hiệu quả nhất.
Đối với nhóm những người nghèo, Chính phủ đã có chủ trương hỗ trợ, đào tạo nghề miễn phí và tìm việc phù hợp cho nhóm đối tượng này.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) chất vấn Bộ trưởng về giải quyết thực trạng hiện nay, nhiều nguồn lực đầu tư cho dạy nghề nhưng cơ sở không phát huy hiệu quả như có trường có thầy nhưng không đủ trò hoặc ngược lại. Nhiều học viên tốt nghiệp nhưng không đáp ứng được nhu cầu xã hội, của doanh nghiệp.
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, mục tiêu phấn đấu của Việt Nam đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần phải có đủ nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập với các nước trên thế giới.
Trong những năm gần đây, đầu tư cho dạy nghề được tăng cường, với trên 1.000 cơ sở dạy nghề. Tuy nhiên, việc phát huy nguồn lực này chưa đạt được như mong muốn, nhiều học viên tốt nghiệp nhưng trình độ, tay nghề chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội và doanh nghiệp.
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, Bộ sẽ chỉ đạo các trường nghề không phải dạy nghề theo những gì mình có mà phải gắn với thị trường lao động, nhu cầu của doanh nghiệp. Trường dạy nghề cần phải tìm hiểu nhu cầu thị trường để thay đổi cách thức giảng dạy, đào tạo nguồn nhân lực. Đây việc làm cần thiết nhằm nâng cao chất lượng dạy nghề, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.
Đánh giá về công tác dạy nghề trong thời gian qua, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh, vấn đề dạy nghề cho lao động nói chung và lao động nông thôn nói riêng là một trong những mục tiêu của Đảng, Nhà nước ta. Công tác dạy nghề đã được quan tâm, đầu tư từ trước, tuy nhiên sau khi có Chiến lược phát triển nguồn nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020, lĩnh vực dạy nghề đã được tăng cường hơn. Hiện đã có trên 1.000 cơ sở dạy nghề, trong đó, có 800 cơ sở dạy nghề công lập.
Linh Thùy
theo Hoinongdan
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã