Quảng Ngãi hiện có 91 trạm y tế được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, nếu áp dụng bộ tiêu chí mới thì chỉ có 40 trạm đạt yêu cầu. Trong đó chưa có trạm nào đạt đủ 10 tiêu chí so với quy định. Riêng tiêu chí về cơ sở vật chất chỉ có 4 trạm y tế đáp ứng theo bộ tiêu chí.
Thiếu và yếu
Trạm y tế phường Nguyễn Nghiêm (TP Quảng Ngãi) là một trong những điển hình như thế. Ngôi nhà cấp 4 xuống cấp, rêu phong, ẩm thấp. “Đây là nhà được xây dựng trước giải phóng, đến nay đã hơn 40 năm, mùa mưa nước chảy lênh láng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân. So với chuẩn cũ trạm cũng không đạt huống chi là bộ tiêu chí mới”- bà Lê Ngọc Lan - Phó Trưởng Trạm y tế phường cho biết. Không chỉ ngôi nhà xuống cấp mà các trang thiết bị cũng thiếu. Trạm y tế phường Trần Hưng Đạo cũng đang trong tình cảnh trên. Trung tâm y tế dự phòng thành phố đã nhiều lần kiến nghị nhưng vẫn chưa được bố trí nguồn kinh phí để xây dựng.
Trạm y tế phường Nguyễn Nghiêm |
Bác sĩ Trần Thị Thu Hương– GĐ Trung tâm y tế dự phòng huyện Tư Nghĩa lo lắng: Hầu hết các trạm y tế trên địa bàn huyện chưa đáp ứng đủ trang thiết bị theo Bộ tiêu chí mới, như chưa có lò đốt chất thải rắn y tế, chưa có tường rào, cổng ngõ, sân bê tông... Thực tế hiện nay, nếu áp theo bộ tiêu chí mới thì không riêng gì Tư Nghĩa mà phần lớn các trạm y tế trên địa bàn tỉnh vướng đều này. Bởi, bộ tiêu chí mới quy định khá cao. Đó là, mỗi trạm y tế đạt chuẩn phải có ít nhất 10 phòng chức năng; có ít nhất 50% trang thiết bị theo danh mục đã ban hành gồm 176 loại, trong đó 3 loại thiết bị bắt buộc phải có là máy siêu âm, máy điện tim và máy đo đường huyết…Tuy nhiên, hiện nay chỉ có 4 trạm có trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh đúng tiêu chuẩn; còn lại 178 trạm y tế chưa có đủ trang thiết bị khám chữa bệnh theo quy định.
Nỗi lo rớt chuẩn
Để đạt được bộ tiêu chí chuẩn quốc gia về y tế đang là thách thức lớn của các địa phương. Thành phố Quảng Ngãi hiện có 10 trạm đạt chuẩn quốc gia về y tế thuộc giai đoạn 1, nhưng tính theo thang điểm của bộ tiêu chí mới thì chỉ có 1 trạm y tế phường Trần Phú đạt, còn 9 trạm còn lại đều trong tình trạng “rớt chuẩn” vì thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị.
Hơn 10 năm qua, toàn tỉnh đã xây dựng mới, nâng cấp được 90 trạm y tế. Đến nay có 91/184 xã, phường, thị trấn đạt Chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 1, chiếm 49,5% tổng số xã, phường, thị trấn. Một số xã tuy được công nhận đạt chuẩn nhưng đang “nợ chuẩn” hoặc được “ép đạt chuẩn”. Một số tiêu chí tuy đạt nhưng thiếu tính bền vững như tỷ lệ trạm có bác sĩ về công tác. Hiện vẫn còn 30 trạm (trong đó có 11 trạm đã đạt chuẩn) thiếu bác sĩ hoạt động thường xuyên. Ông Lê Văn Phương- Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế), nhận xét: “Khó khăn đối với các địa phương hiện nay là các chuẩn về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực, y học cổ truyền còn yếu và thiếu. Nhiều xã được công nhận chuẩn nhưng vẫn chưa bền vững và có nguy cơ bị rơi chuẩn. Các xã này phải tiếp tục đầu tư, bổ sung những tiêu chí còn thiếu sót nếu không sẽ không đáp ứng theo bộ tiêu chí mới”.
Đẩy mạnh công tác xã hội hoá
Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, lĩnh vực y tế là 1 trong 19 tiêu chí cần phải đạt được. Do đó, để đến năm 2015 có 70% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, ngoài nguồn kinh phí xây dựng nông thôn mới, các địa phương cần huy động thêm các nguồn lực khác để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và cả nguồn nhân lực. Thực tế thời gian qua, việc đầu tư nâng cấp, xây mới trạm y tế chủ yếu dựa vào ngân sách là chính. Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực y tế tuy đã triển khai nhưng chưa thu hút được sự hưởng ứng của xã hội. Nhiều địa phương còn xem đây là trách nhiệm của ngành y tế nên chưa có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị.
Mặt khác, ngành y tế cần tập trung rà soát, đánh giá thực trạng từng trạm y tế để từ đó có giải pháp duy trì các tiêu chí đã đạt chuẩn và kịp thời khắc phục đối với các tiêu chí chưa đạt hoặc giảm chuẩn.
*Bác sĩ Nguyễn Tấn Đức- Phó Giám đốc Sở Y tế: Ngành y tế xác định việc thực hiện bộ tiêu chí giai đoạn 2011 - 2020 là cơ hội để ngành xây dựng và nâng cao năng lực y tế cơ sở nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Để đạt chuẩn quốc gia về y tế theo tiêu chí mới, không chỉ có sự nỗ lực của ngành y tế mà rất cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền và sự phối hợp, giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể liên quan, nhất là chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, cần huy động tổng hợp các nguồn lực để đầu tư, từng bước hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở. *Ông Phạm Cao Trận- Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa: Thời gian qua, huyện đã tăng cường đầu tư kinh phí xây dựng mới một số trạm y tế nhằm đảm bảo việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân. Chúng tôi thực hiện bộ tiêu chí mới về y tế cơ sở gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; đồng thời tăng cường trách nhiệm của các cấp uỷ, chính quyền trong việc lãnh đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả bộ tiêu chí này. Huyện cũng sẽ ưu tiên nguồn ngân sách để hỗ trợ sửa chữa một số trạm y tế xuống cấp; tăng cường chỉ đạo ngành y tế địa phương tích cực kiện toàn, củng cố mạng lưới y tế xã, đầu tư trang thiết bị hiện đại; chú trọng nâng cao năng lực, trách nhiện cho đội ngũ y tế cơ sở. *Bác sĩ Phan Thị Khánh Phượng- Phó Giám đốc Trung tâm y tế thành phố Quảng Ngãi: Vì thiếu trang thiết bị hiện đại nên đa số các trạm y tế hiện nay chủ yếu làm công tác khám lâm sàng là chính. Một số bệnh cận lâm sàng đều phải chuyển lên tuyến trên. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ y tế có trình độ chuyên môn chưa đồng đều, đa số bác sĩ tại trạm y tế đều học hệ liên thông. Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại trạm y tế xã, phường, bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật thì công tác đào tạo phát triển, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho y tế tuyến cơ sở cũng là vấn đề hết sức cần thiết. Bởi nếu chỉ đầu tư cơ sở, thiết bị tốt nhưng không có thầy thuốc giỏi sẽ dẫn đến lãng phí. *Bác sĩ Nguyễn Văn Minh- Trưởng Trạm y tế Nghĩa Thuận Lộ trình xây dựng chuẩn quốc gia về y tế cơ sở giai đoạn 2011 - 2020 của Bộ Y tế có nhiều tiêu chí đòi hỏi rất cao so với thực tế các địa phương. Mặc dù trạm y tế xã đã đạt chuẩn quốc gia vào năm 2010, nhưng so với bộ tiêu chí này thì trạm chưa đủ chuẩn vì thiếu phòng chức năng, chưa có máy siêu âm, điện tim, chưa có lò đốt rác... Để nâng cao năng lực y tế tuyến xã và cung cấp đầy đủ các dịch vụ khám chữa bệnh đến với người dân, thì cần phải có sự đầu tư nguồn lực cho y tế tuyến xã hiện nay, đặc biệt là đầu tư mạnh về cơ sở vật chất. Có vậy mới đem lại niềm tin cho nhân dân, đồng thời góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. *Ông Huỳnh Tứ (80 tuổi), ở thôn 2, xã Nghĩa Dõng, thành phố Quảng Ngãi: Với người già như tôi, mỗi khi đau ốm được đến trạm y tế để chữa trị là vui lắm, vì gần nhà, ít tốn chi phí, con cháu khỏi vất vả. Tuy nhiên, mỗi lần đến khám, dù được y, bác sĩ tận tình tư vấn, chăm sóc nhưng do không có trang thiết bị siêu âm, điện tim nên buộc tôi phải nhờ con cháu chở lên bệnh viện thành phố hoặc bệnh viện tỉnh để khám. Vì vậy, tôi mong các cơ quan chức năng đầu tư xây dựng lại trạm y tế xã, trang bị máy móc hiện đại giúp người dân nghèo chúng tôi có thể khám, chữa bệnh ngay tại xã mà không phải lên tuyến trên. |
Kim Ngân
Theo baoquangngai.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;