Học tập đạo đức HCM

Đời sống mới của người dân xã nông thôn mới

Chủ nhật - 26/01/2014 21:09
Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) không chỉ mang lại diện mạo mới cho bộ mặt nông thôn Lâm Đồng mà còn đem đến cho người nông dân nơi đây một cuộc sống mới. Không ít người dân vươn lên làm giàu sau khi hưởng ứng phong trào này. Từ đó, chân dung người nông dân mới cũng dần được hình thành. Họ không chỉ biết suốt ngày lam lũ, “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” trên đồng ruộng như xưa nữa, mà giờ đây còn là những ông chủ quản lý nhân công lao động, sử dụng máy vi tính để tra cứu thông tin thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm, tìm đối tác ký kết hợp đồng bao tiêu nông sản…
 
Nông dân Nguyễn Văn Trị trước căn biệt thự tiền tỷ của mình
Nông dân Nguyễn Văn Trị trước căn biệt thự tiền tỷ của mình
 
Bỏ phố về quê nuôi bò
 
Sau khi học xong phổ thông, anh Lê Đình Phong ở thôn Quảng Lợi, xã Quảng Lập (Đơn Dương) đã khăn gói xuống thành phố Hồ Chí Minh học tập để mai sau lập nghiệp ở chốn thị thành. Ngành học mà anh chọn là công nghệ thông tin. Năm 2002, sau khi tốt nghiệp ra trường với ý định ly nông, ly hương, anh đã gắn bó với chốn Sài thành phồn hoa đô hội. Với tấm bằng trung cấp công nghệ thông tin, Phong đã đi làm nhân viên cho nhiều công ty ở thành phố Hồ Chí Minh. Sau một thời gian bươn chải nơi chốn thị thành, đồng lương anh tích lũy được cũng chẳng là bao và vẫn phải đi làm “lính” cho các ông chủ doanh nghiệp. Khi đó anh mới hiểu rằng để khởi nghiệp ở nơi đô thành không dễ chút nào. 
 
Ý định rời xa quê hương lập nghiệp ở thành phố của anh đã bị thay đổi 180 độ khi một lần về thăm quê. Nhìn quê hương Quảng Lập, nơi anh sinh ra và lớn lên đang bước vào công cuộc xây dựng NTM, mọi mặt đời sống của người dân ngày một phát triển. Người nông dân đang giàu lên chính trên đồng ruộng của mình. Chính gia đình anh cũng thế. Xưa kia, gia đình chỉ biết quanh quẩn với cây cà chua, cây rau truyền thống và mùa được, mùa mất, giá cả bấp bênh. Giờ bắt tay vào xây dựng NTM được sự hỗ trợ của Nhà nước, gia đình anh tăng gia sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và cuộc sống đang dần khấm khá lên. Các thành viên trong gia đình không chỉ có công ăn việc làm thường xuyên trên đồng ruộng của mình mà còn phải thuê thêm người làm. Thế nên Lê Đình Phong đã suy nghĩ tại sao gia đình mình thiếu lao động, đi thuê người làm mà mình lại đi làm thuê cho người khác, nên anh đã quyết định quay về khởi nghiệp trên chính quê hương mình. 
 
Năm 2010 khi được tổ chức Đoàn tại địa phương đứng ra tín chấp vay vốn cho đoàn viên phát triển kinh tế theo chương trình xây dựng NTM cũng như các nguồn vốn vay ưu đãi khác, anh đã đầu tư phát triển chăn nuôi bò sữa. Lúc đầu với nguồn vốn vay cũng như tích góp được anh đã đầu tư nuôi 4 con bò sữa. Thời gian đầu, bò thường bị bệnh dịch và anh phải tìm đến các bác sỹ thú y tại địa phương. Rồi không lâu sau đó anh đã được tham gia các lớp tập huấn, hội thảo do các ngành, các cấp tổ chức tại địa phương cũng như mày mò học hỏi qua sách báo, anh đã có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực chăn nuôi bò sữa. 
 
Bây giờ, nhà nông khoác áo Đoàn, Lê Đình Phong rất thuần thục trong các khâu chăm sóc bò sữa. Nhìn con nào kém ăn, có biểu hiện bệnh là biết ngay. Anh cũng tự chẩn đoán bệnh và tiêm chích cho bò khi bò bị bệnh. Hiện nay, đàn bò sữa của gia đình anh đã phát triển hơn 20 con, trong đó hơn 10 con cho sữa. Mỗi ngày gia đình thu được hơn 120 kg sữa và giá sữa hiện nay là hơn 14 ngàn đồng 1kg. Như vậy, mỗi ngày anh thu được hơn 1,6 triệu đồng tiền sữa. Bây giờ nhìn đàn bò với những bầu sữa căng tròn và ngày 2 lần cho sữa, anh Lê Đình Phong vui mừng và tự hào với quyết định về quê lập nghiệp của mình. Anh chia sẻ: “Ngày xưa bố mẹ mình làm nông vất vả nên khi học xong ai cũng muốn thoát ly ra thành phố lập nghiệp. Bây giờ thì khác rồi, có máy móc và áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp nên người nông dân nhàn hơn nhiều và thu nhập cũng cao hơn nhiều. Trước đây, mình đi làm ở thành phố lương chưa được 3 triệu đồng mỗi tháng, giờ về quê nuôi bò mỗi tháng trừ chi phí rồi mình cũng kiếm được hơn 40 triệu đồng”.
 
Mới 31 tuổi nhưng anh Lê Đình Phong đã trở thành một “đại gia” trẻ tại địa phương. Hy vọng với chương trình xây dựng NTM sẽ có nhiều thanh niên nông thôn khác cũng khởi nghiệp làm giàu thành công chính trên ruộng vườn của quê hương mình mà không cần phải vươn ra những thành phố lớn.  
 
Chuyển đổi cây trồng thu nhập cao
 
Chúng tôi đến thăm mô hình nông nghiệp công nghệ cao của gia đình ông Võ Thái Hiệp (thôn Tân Trung, xã Tân Hội, huyện Đức Trọng) khi ông đang bật công tắc hệ thống phun tưới tự động cho những luống su hào trong nhà kính. Nhìn những luống su hào đang lên xanh mơn mởn, niềm vui đã hiện rõ trên khuôn mặt lão nông Võ Thái Hiệp. Ông cho biết, đây là vườn su hào mà ông trồng để thu hoạch và phục vụ thị trường trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới nên không sợ rớt giá. 
 
Lão nông Võ Thái Hiệp đang bật công tắc hệ thống tự động tưới nước cho vườn su hào trong nhà kính của mình
Lão nông Võ Thái Hiệp đang bật công tắc hệ thống tự động tưới nước cho vườn su hào trong nhà kính của mình
 
Trước đây, gia đình ông Võ Thái Hiệp thường độc canh cây trồng truyền thống là cà phê. Nhưng trồng cây cà phê thì mỗi năm mới cho thu hoạch một lần, giá cả bấp bênh, mùa được, mùa mất nên đời sống chẳng khấm khá lên được. Có những năm cà phê mất giá thì thiếu trước hụt sau. Từ khi thực hiện chương trình xây dựng NTM, được sự hỗ trợ của Nhà nước gia đình ông đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, theo hướng công nghệ cao. Đầu năm 2012, được Nhà nước hỗ trợ 70 triệu đồng, gia đình ông đầu tư thêm 150 triệu đồng nữa để chuyển 2,5 ngàn m2 diện tích cà phê sang làm nhà lưới, nhà kính chuyên sản xuất ớt ngọt, su hào và rau tần ô. Hiệu quả nhất vẫn là cây ớt ngọt nhưng theo kinh nghiệm của ông thì phải trồng luân phiên các giống cây khác nhau để giúp đất phục hồi. Ngoài được hỗ trợ về vốn xây dựng nhà lưới, nhà kính, ông cũng đã được hỗ trợ về phân bón, hướng dẫn kỹ thuật, tham gia hội thảo đầu bờ để sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap.
 
Nói về đời sống đổi thay từ khi thực hiện chương trình xây dựng NTM ông Võ Thái Hiệp cho biết: “Có thể nói gia đình tôi vươn lên cùng chương trình xây dựng NTM. Trước đây, làm nông nghiệp theo lối truyền thống rất vất vả và hiệu quả không cao, đổ ra bao nhiêu công sức tiền của nhưng vụ được vụ mất, vừa làm vừa lo. Còn nay làm trong nhà lưới với hệ thống phun tưới tự động thì mình chủ động được mùa vụ, giảm được chi phí đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu và ngày công lao động mà thu nhập lại cao. Bây giờ mỗi năm trừ chi phí gia đình tôi cũng có thu nhập hơn 400 triệu đồng, với chương trình NTM, nông dân bây giờ không phải lo đủ ăn nữa mà ai cũng tính chuyện làm giàu trên quê hương mình”.
 
Trồng rau xây biệt thự tiền tỷ
 
Nếu người ở xa tới nhìn căn biệt thự khang trang tọa lạc ở thôn Lạc Thạch, xã Lạc Lâm, Đơn Dương không ai nghĩ rằng đây là ngôi nhà của một nông dân ở xứ rau. Căn biệt thự được xây dựng hoành tráng với tường ốp đá, nền lát gạch hoa rộng trên 300m2. Trong khuôn viên trưng bày nhiều chậu hoa cây cảnh rất đẹp, xung quanh có tường rào khung sắt kiên cố. Căn biệt thự ấy chính là của lão nông Nguyễn Văn Trị, xây dựng cách đây hơn 1 năm với trị giá hơn 1,3 tỷ đồng. Không chỉ bề ngoài mà bên trong ngôi nhà từ nội thất trang trí đến tiện nghi sinh hoạt chẳng thua kém gì các căn hộ của cư dân ở thành thị. 
 
Cũng như nhiều gia đình khác tại địa phương, ông Nguyễn Văn Trị gắn bó với nghề nông bao đời nay. Trước đây sản xuất nông nghiệp chủ yếu dựa vào thiên nhiên là chính và luôn “đánh bạc với trời”. Thiên nhiên thuận lợi thì cho thu hoạch được mùa, còn thiên tai dịch bệnh hoành hành thì thất bát, trắng tay. Chính vì vậy mà bao nhiêu năm làm nông mà gia đình ông cũng như nhiều hộ dân khác tại địa phương vẫn chẳng khấm khá lên được là bao. Từ khi thực hiện chương trình xây dựng NTM, được sự hỗ trợ của Nhà nước gia đình ông đã đầu tư làm nhà lưới, nhà kính, sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao và đời sống cũng phất lên từ đó.
 
Hiện nay, gia đình ông Nguyễn Văn Trị có gần 2ha nhà lưới trồng rau theo hướng công nghệ cao. Mỗi năm gia đình ông có thu nhập gần 1 tỷ đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân gia đình, ông Nguyễn Văn Trị cũng luôn chia sẻ giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, những người hoạn nạn tại địa phương để họ vươn lên trong cuộc sống. Ông cũng là một trong những người gương mẫu đi đầu trong phong trào hiến đất, hiến cây, đóng góp tiền của để xây dựng hạ tầng kỹ thuật NTM tại địa phương. Hiện nay, với tư cách là Phó ban Mặt trận thôn, ông đã vận động bà con đóng góp được hơn 1 tỷ đồng để đổ bê tông con đường thôn khang trang sạch sẽ. Ngoài ra, ông cũng đang vận động người dân trong thôn trồng cây xanh hai bên các con đường thôn, đường nội đồng và xây dựng các bể chứa rác tập trung để đảm bảo môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp. 
 
 “Từ khi xây dựng NTM thì đời sống mọi mặt của người dân chúng tôi cũng được nâng lên rất nhiều. Bây giờ không còn vất vả như trước nữa nhiều hộ gia đình đã vươn lên làm giàu chính trên ruộng vườn của mình. Từ đó, nhiều ngôi nhà khang trang, nhiều căn biệt thự tiền tỷ của người nông dân cũng không ngừng được mọc lên” - ông Nguyễn Văn Trị chia sẻ.
 
Duy Danh
Nguồn: baolamdong.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Quyết định số 149/QĐ-BCĐ

Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG và xây dựng đô thị văn minh tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025

Thông báo 420/TB-UBND

Kết luận của Đ/c Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG và xây dựng đô thị văn minh tại Hội nghị đánh giá công tác xây dựng NTM 8 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 4 tháng cuối năm 2023

Văn bản số 4802/UBND-NL5

Giới thiệu mô hình hay và đề xuất sáng kiến triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập366
  • Máy chủ tìm kiếm10
  • Khách viếng thăm356
  • Hôm nay34,036
  • Tháng hiện tại160,598
  • Tổng lượt truy cập85,067,634
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây