Những tấm gương vượt khó
Xã Vị Thắng (huyện Vị Thủy, Hậu Giang) lâu nay nổi tiếng với làng nghề bó chổi truyền thống. Vào những dịp giáp Tết, sản phẩm làm ra nhiều khi không kịp đáp ứng thị trường. Chị Nguyễn Thị Út Chín, sống tại ấp 8, xã Vị Thắng cho biết: "Nghề bó chổi bằng cọng lá dừa ở đây đã có từ rất lâu đời và trở thành nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình trong xã. Trước đây, do không có vốn cho nên gia đình tôi chỉ làm nhỏ lẻ. Năm 2005, nhờ được vay 20 triệu đồng từ chương trình sản xuất kinh doanh của NHCSXH để mua thêm nguyên liệu, gia đình đã mở rộng sản xuất, có việc làm thường xuyên. Từ đó, thu nhập cũng tăng lên”.
Không những vậy, thấy được nguồn thu nhập ổn định từ nghề bó chổi, chị Út Chín còn vận động 25 chị em trong xã tập hợp lại để cùng làm ăn, thoát nghèo và cải thiện thu nhập. Năm nay, Câu lạc bộ bó chổi ấp 8 do chị Út Chín làm Chủ nhiệm ra đời. Sau khi thành lập, Câu lạc bộ ký đầu mối tiêu thụ sản phẩm với Hợp tác xã Ba Hùng (tại ấp 5, thị trấn Nàng Mau). Trung bình, các chị mỗi ngày bó được khoảng 50 chiếc chổi nhỏ và 20 chiếc chổi lớn. Với giá thị trường hiện nay khoảng 4.000 đồng/chổi nhỏ và 20.000 đồng/chổi lớn, ước tính cho thu nhập khoảng 600.000 đồng/ngày; trừ chi phí lãi từ 200.000 đến 300.000 đồng/ngày.
Gia đình chị Nguyễn Thị Thoa (xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ) trước đây cũng thuộc diện hộ mới thoát nghèo nhưng kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Nhà có bốn công đất ruộng thường xuyên bị nhiễm phèn cho nên canh tác bị mất mùa. Năm 2016, chị được NHCSXH cho vay 50 triệu đồng để mở rộng chuồng trại chăn nuôi heo. Với số vốn vay được, chị đầu tư mua 20 con heo giống, nâng tổng số đàn heo của gia đình lên 30 con. Đến tháng 8-2016 xuất chuồng đàn heo, trừ chi phí, gia đình chị cũng thu được hơn 30 triệu đồng. “Sau lứa heo, tôi chuyển sang đắp bờ bao để nuôi cá trên ruộng lúa vào mùa nước nổi, với diện tích 1.500 m2; nuôi khoảng 400 con gà, vịt,… Từ các mô hình chăn nuôi này, năm 2017 thu nhập của cả gia đình đạt khoảng 70 triệu đồng. Tôi đã trả được 20 triệu đồng tiền vay ngân hàng, số thu nhập còn lại dùng để tiếp tục đầu tư tái đàn”, chị Thoa chia sẻ.
Bổ sung kịp thời nguồn vốn ưu đãi
Theo số liệu từ NHCSXH chi nhánh tỉnh Hậu Giang, dư nợ đến cuối năm 2017 đạt hơn 2.010 tỷ đồng, tăng hơn 108 tỷ đồng (tương đương 5,7%) so với đầu năm; nợ quá hạn và nợ khoanh là hơn 24 tỷ đồng, chiếm 1,2% tổng dư nợ. Đã có gần 35 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp hơn 5.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm hơn 1.000 lao động; giúp hơn 1.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập… “Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội”, Giám đốc NHCSXH Chi nhánh tỉnh Hậu Giang Nguyễn Thanh Triều khẳng định.
Riêng năm 2017, tăng trưởng dư nợ của chi nhánh tập trung chủ yếu vào hai chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo và chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường. Hiện nay, nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm phèn, bị ô nhiễm; bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều hộ có công trình vệ sinh tạm bợ, chưa phù hợp tiêu chuẩn vệ sinh, ảnh hưởng nhiều đến người dân và môi trường chung quanh. Với số hộ khu vực nông thôn là 146.187 hộ, chiếm 75,05% tổng số hộ trên địa bàn tỉnh, qua khảo sát cho thấy vẫn còn rất nhiều hộ có nhu cầu vay vốn để xây dựng mới công trình nước sạch phục vụ sinh hoạt nhưng chưa được xem xét cho vay từ nguồn vốn tín dụng chính sách. “Để cùng với địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chi nhánh tranh thủ nguồn vốn trung ương, kết hợp vốn thu hồi nợ đến hạn để cho vay xây dựng mới và cải tạo các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nhằm khắc phục tình trạng nhiễm phèn, bị ô nhiễm như hiện nay trên địa bàn tỉnh”, ông Nguyễn Thanh Triều cho biết thêm.
Tuy nhiên, thực tế công tác tín dụng chính sách trên địa bàn vẫn tồn tại không ít khó khăn. Theo đó, nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn còn nhiều, nhưng do nguồn vốn cho vay của các chương trình tín dụng hạn chế cho nên chi nhánh chỉ đáp ứng được một phần. Mặt khác, dù được lãnh đạo địa phương dành nhiều sự quan tâm đối với công tác an sinh xã hội và hoạt động của NHCSXH, song vì ngân sách còn nhiều khó khăn, dẫn đến việc cân đối để chuyển một phần ngân sách sang NHCSXH nhằm bổ sung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn để đầu tư phát triển sản xuất, chuyển đổi ngành nghề, tạo việc làm tại địa phương theo tinh thần Chỉ thị 40-CT/T.Ư còn hạn chế so với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.
Theo Hồng Anh/nhandan.com.v
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã