Học tập đạo đức HCM

Nhận diện và tránh ngộ nhận trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Chủ nhật - 25/02/2018 06:35
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) là xu hướng và động lực mới cho phát triển nông nghiệp của Việt Nam trong bối cảnh bùng nổ cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới.

Việt Nam đã có 29 khu nông nghiệp ứng dụng CNC và hơn 20 doanh nghiệp (DN) nông nghiệp ứng dụng CNC đang hoạt động. Trên phạm vi cả nước và mỗi địa phương, hàng ngàn tỷ đồng đã được đầu tư cho ứng dụng CNC, phát triển các chuỗi liên kết, tạo ra các nông sản hàng hóa có chất lượng, năng suất và giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường, góp phần bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia, cải thiện an sinh và công bằng xã hội, củng cố thị phần thế giới và từng bước đưa Việt Nam trở thành trung tâm cung ứng sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao, có vị thế quan trọng trong mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. 

Tuy nhiên, sự phát triển bền vững nông nghiệp ứng dụng CNC không chỉ tùy thuộc vào nhận thức, năng lực tài chính, công nghệ, chính sách và cơ chế tổ chức, sự phối hợp chặt chẽ giữa 5 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà băng, nhà đầu tư và nhà nông, mà còn tùy thuộc vào sự nhận diện và phòng tránh một số ngộ nhận và nghịch lý về ứng dụng CNC vào phát triển nông nghiệp. 

Một nghịch lý nổi bật trong thực tế là ở nhiều nơi, việc ứng dụng CNC vào nông nghiệp lại chủ yếu sản xuất ra những sản phẩm chất lượng thấp, kém sức cạnh tranh. Việc tùy tiện dùng giống biến đổi gien, giống kém chất lượng và lạm dụng chất kích thích, thuốc trừ sâu và thuốc bảo quản sau thu hoạch để làm tăng năng suất, sản lượng và hình thức mẫu mã nông sản, để lại tồn dư tạp khuẩn và độc tố trong nông sản, không bảo đảm vệ sinh an toàn cho người tiêu dùng (NTD) đã kéo theo một nghịch lý và hệ lụy tiêu cực khác là nông sản trong nước dồi dào, thậm chí ứ thừa, nhưng không tiêu thụ được, trong khi NTD bị “đói” nông sản sạch, chất lượng cao. 

Việt Nam dù là cường quốc nông nghiệp, nhưng vẫn phải nhập khẩu nông sản về để chế biến, xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng đòi hỏi chất lượng cao và khó tính hơn. Nghịch lý và sự méo mó về mục tiêu và cách làm trong ứng dụng CNC vào nông nghiệp kiểu trên đây cũng là một trong những nguyên nhân gây gia tăng tình trạng ung thư và ô nhiễm môi trường ở Việt Nam; tăng nguy cơ tự thu hẹp cánh cửa xuất khẩu nông sản ra thị trường thế giới, trước xu hướng các nước ngày càng nâng cấp các hàng rào bảo hộ kỹ thuật. 

Hơn nữa, việc ngộ nhận và định kiến về nông nghiệp CNC còn khiến một số nguồn gien cây, con quý nội địa bị rẻ rúng, thiếu hụt và bị mai một dần, trong khi nền nông nghiệp bị tăng phụ thuộc vào giống nhập khẩu (và các nguyên liệu đầu vào khác liên quan) ngày càng đắt đỏ và khó kiểm soát chất lượng. 

Điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng nông sản thành phẩm, cũng như làm tăng nhập siêu và nguy cơ bất ổn thị trường; thậm chí gây tình trạng thất bát mùa vụ do giống giả, chất lượng kém và khó truy cứu được người chịu trách nhiệm cụ thể. 

Đồng thời, ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp là để giảm lệ thuộc và rủi ro về thời tiết, tăng năng lực cạnh tranh thị trường, nhưng lại có thể làm gia tăng rủi ro đầu tư khi lựa chọn công nghệ và phân kỳ đầu tư, huy động và sử dụng vốn không hợp lý. 

Đặc biệt, việc bê nguyên si những mô hình nông nghiệp CNC nhập khẩu mà không cân nhắc kỹ điều kiện thực tế thổ nhưỡng và khí hậu địa phương, điều kiện tài chính và các kịch bản dự phòng… sẽ gây tốn kém không cần thiết và không hiệu quả kinh tế, tăng nợ đọng, nợ xấu và rủi ro tài chính cho cả nhà đầu tư và ngân hàng, nhất là khi thiếu các chính sách và công cụ bảo hiểm nông nghiệp tối thiểu. 

Hơn nữa, việc áp dụng máy móc kiểu phong trào và cả sự lạm dụng mô hình sản xuất nông nghiệp CNC (công nghệ thủy canh và canh tác không dùng đất) trên những thửa đất nông nghiệp màu mỡ còn kéo theo nghịch lý tiêu cực, nguy hiểm hơn là càng mở rộng phát triển nông nghiệp CNC càng làm hao hụt quỹ đất nông nghiệp khan hiếm không thể phục hồi và gia tăng thất nghiệp, áp lực an sinh xã hội cho nông dân địa phương. 

Một nghịch lý khác là nhiều nguồn tín dụng hỗ trợ phát triển nông nghiệp CNC đã sẵn sàng, trong đó có nguồn của gói cho vay quy mô 100.000 tỷ đồng từ các ngân hàng thương mại, nhưng lại không dễ giải ngân, trong khi DN và hộ nông dân luôn khát vốn đầu tư vì đầu tư phát triển nông nghiệp CNC cần vốn lớn, thời gian hoàn vốn khá dài. 

Đây là hệ quả của sự bất cập, thiếu đồng bộ trong chính sách tín dụng (nhất là quy định về thế chấp và thời hạn cho vay), không tách bạch và thiếu phối hợp giữa tín dụng chính sách với tín dụng thương mại; do người vay có năng lực và uy tín thấp về tài chính, về lập, quản lý kế hoạch và vốn đầu tư 

Ứng dụng CNC vào nông nghiệp không phải là sự đánh đồng với trình diễn kỹ thuật tốn kém, vì mục đích tự thân. Chính sách ưu đãi phát triển nông nghiệp CNC không được tạo đặc quyền và vì lợi ích của một số DN, cá nhân nhà đầu tư nào, mà cần được thiết kế theo hướng phát huy lợi thế địa phương, hài hòa lợi ích và bảo đảm dễ tiếp cận cho mọi DN, hộ gia đình và mô hình nông nghiệp ở mọi vùng miền, quy mô. 

Những nghịch lý trong ứng dụng CNC vào nông nghiệp sẽ chỉ được nhận diện và khắc phục cùng với sự thống nhất nhận thức đúng đắn về nội hàm, mục tiêu, sự hoàn thiện dần các cơ chế, chính sách, lộ trình thực hiện phát triển nông nghiệp CNC của tất cả các cấp, ngành, địa phương, đơn vị và cá nhân liên quan; đặc biệt, cần nghiêm cấm và xử lý kiên quyết hơn với các hành vi lợi dụng hoạt động CNC vào nông nghiệp, gây phương hại đến lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác, gây hậu quả xấu đến sức khỏe, tính mạng con người, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc; hủy hoại môi trường, tài nguyên thiên nhiên, cũng như giả mạo, gian dối để được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước trong hoạt động CNC. 

Theo tinh thần đó, cần tiếp tục rà soát và hoàn thiện các ưu đãi thuế, tín dụng, đào tạo nguồn nhân lực và cán bộ, phát triển các trung tâm và các dịch vụ hỗ trợ chuyển giao và quản lý CNC trong nông nghiệp; hỗ trợ xây dựng và phát triển, mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng mẫu mã, bao bì, xây dựng thương hiệu, áp dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản. 

Xây dựng và duy trì hàng rào kỹ thuật đúng quy định và các cam kết hội nhập để bảo vệ nông nghiệp trong nước. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến và lồng ghép các nhiệm vụ của Chương trình phát triển nông nghiệp CNC với các chương trình, nhiệm vụ phát triển của ngành, địa phương và chương trình mục tiêu quốc gia khác. 

Nâng cao năng lực và hiệu lực quản lý của Nhà nước trong việc kiểm soát quy chuẩn chất lượng các sản phẩm nông nghiệp được minh bạch, tin cậy, khuyến khích đầu tư, sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp sạch; xử lý nghiêm minh các hành vi gian lận, vi phạm pháp luật; coi trọng dự báo và cung cấp thông tin thường xuyên về cung – cầu, giá cả thị trường trong nước và thế giới; hỗ trợ tuyên truyền, tiếp thị, quảng bá thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp CNC; nghiên cứu phát triển các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp kiểu mới; thành lập và phát triển các câu lạc bộ nông nghiệp CNC các cấp với quy mô và nội dung hoạt động phù hợp ở các địa phương có sự kết nối toàn quốc và khuyến khích các hình thức hợp tác, khép kín chuỗi liên kết, tổ chức sản xuất gắn với chế biến, xây dựng, quảng bá thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC, tạo động lực mới và mở ra cơ hội mới, kỳ vọng mới cho phát triển và hiện đại hóa bền vững ngành nông nghiệp Việt Nam… 

Ts. Nguyễn Minh Phong 
Thoibaokinhdoanh.vnthô

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập162
  • Hôm nay16,692
  • Tháng hiện tại113,359
  • Tổng lượt truy cập92,491,023
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây