Bà con nông dân chỉ quen với công việc nhà nông, có thể tạo ra doanh thu tiền tỷ trên chính trang trại của mình nhưng chắc chắn sẽ không quen với việc tạo ra doanh thu từ việc đón tiếp khách du lịch.
Trong các sản phẩm được khách du lịch yêu thích và nhớ về Nghệ An chính là cam, và thương hiệu cam Vinh bắt nguồn từ đó. Ngoài những ấn tượng về tự nhiên, du khách đến Nghệ An cũng đã bắt đầu biết đến với mô hình du lịch nông nghiệp, nhất là gắn với các trang trại cam.
Khởi đầu với cam Vinh
Mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn liền với chuỗi sản xuất các sản phẩm từ trái cam tại bản Pha, xã Yên Khê, huyện Con Cuông do Jica Nhật Bản hỗ trợ xây dựng năm 2016 là một minh chứng rõ nét cho việc quy hoạch không gian hình thức du lịch mới này.
Theo dự án, ngoài xây dựng mô hình cam sinh thái, các nhóm hộ tham gia sẽ được hỗ trợ sản xuất các sản phẩm từ trái cam như tinh dầu cam, rượu men cam, mứt cam, xà bông cam…
Theo ông Trần Văn Kính – Tổ trưởng tổ sản xuất mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn liền với chuỗi sản xuất các sản phẩm từ trái cam tại bản Pha, sau hơn một năm hoạt động đã đại hội và kết nạp thêm 3 thành viên mới, nâng số thành viên tổ từ 5 lên 8 người.
Mô hình đã tiếp 25 lượt các đoàn trong và ngoài tỉnh đến tham quan; tham gia hai đợt Hội chợ cấp tỉnh giới thiệu các sản phẩm từ trái cam huyện Con Cuông. Ông Kính cho biết: “Tôi không nghĩ rằng nông dân có thể làm du lịch từ chính vườn cây của mình nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại, họ rất hào hứng, thích thú khi vừa tham quan vừa thưởng thức sản phẩm từ mô hình”.
Phát triển du lịch canh nông không chỉ giúp người nông dân tăng thu nhập mà còn là giải pháp tốt để quảng bá hình ảnh quả cam Nghệ An đến bạn bè khắp nơi.
Đây cũng là động lực thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, góp phần thay thế những vườn tạp thành vườn cây đặc sản, có giá trị kinh tế cao, đáp ứng đa dạng nhu cầu của du khách.
Tại xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp, bà chủ mô hình trồng cam bằng chế phẩm sinh học Nguyễn Thị Lê Na đã có những kế hoạch táo bạo về phát triển vườn cam thành điểm du lịch cộng đồng.
Được biết đến là người tiên phong với mô hình cam sạch bằng chế phẩm sinh học tại Nghệ An, chị Lê Na lại tiếp tục khiến người trồng cam ngạc nhiên với việc làm nông nghiệp bằng du lịch.
Lê Na chia sẻ: “Chúng tôi sẽ làm việc với 15 hộ nông dân xung quanh để hướng dẫn kỹ thuật, quy trình nhằm mở rộng Chuỗi giá trị và gia tăng sản phẩm chế biến từ cam, xây dựng nhà máy chế biến nhỏ để vừa sản xuất, vừa làm điểm du lịch trải nghiệm cho khách tham quan”.
Lê Na giới thiệu với du khách quốc tế về quy trình và các sản phẩm chế biến từ cam tại mô hình trồng cam bằng chế phẩm sinh học ở xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp
Hai điểm thí điểm về nông nghiệp nghỉ dưỡng sơ khai sẽ được Lê Na thiết lập tại Quỳ Hợp (Nghệ An) và Thượng Lộc (Hà Tĩnh) để nhiều người được “mắt thấy, tai nghe, tay sờ” vào mô hình trồng cam sinh thái, hoàn toàn không sử dụng hóa chất. Tại các mô hình này sẽ được xây dựng hệ thống nhà đón khách lưu trú, trải nghiệm.
Lê Na cho biết thêm: “Mô hình này đã phát triển ở nhiều vùng miền nhưng với Nghệ An thì rất mới. “Khó” như mô hình trồng cam bằng chế phẩm sinh học mà còn thực hiện được thì mô hình này sẽ không phải là điều đáng ngại. Tôi tin sẽ thành công”.
Ông Trần Quốc Thành, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Nghệ An, cho rằng: Hiện ở Con Cuông đã phát triển mô hình du lịch canh nông gắn với thương hiệu Cam Vinh. Sắp tới, tỉnh sẽ tiếp tục phát triển tại Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn để các nhà vườn phát triển thành những điểm du lịch gắn với những tiềm năng sẵn có.
Như vậy, du lịch canh nông, hay du lịch gắn với quảng bá sản vật nông nghiệp địa phương là một hướng đi mới cho du lịch Nghệ An, không những làm phong phú về sản phẩm du lịch, mà còn nâng cao đời sống cho nhân dân trong vùng.
Du khách tham quan mô hình du lịch cộng đồng
Không ít thách thức
Một thực tế rất dễ nhận ra rằng: người nông dân trồng cam ở Nghệ An dù rất quen với công việc nhà nông, có thể tạo ra doanh thu tiền tỷ trên chính trang trại cam của mình nhưng chắc chắn sẽ không quen với việc tạo ra doanh thu từ việc đón tiếp khách du lịch; để các hãng du lịch đưa khách đến trang trại không phải là điều đơn giản.
Mô hình du lịch cộng đồng hay du lịch trang trại chính là xuất khẩu tại chỗ, là bán sản phẩm cho người đi du lịch đến nông trại mình. Do đó, du lịch canh nông phải có định hướng, phải có quy hoạch chứ không thể tự phát. Điều này đang rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền.
Nhìn một cách tổng thể, với mỗi điểm du lịch canh nông – trước hết là cây cam phải có bản đồ quy hoạch, phải có hợp tác xã, phải có liên kết chặt chẽ giữa các thành viên trong vùng; phải có bãi đậu xe, có quà lưu niệm, có hàng hóa bán, cơ sở hạ tầng phải đảm bảo…, để du khách tự nguyện tiêu tiền. Hiện nay, một số nơi trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có một số mô hình nhưng vẫn chủ yếu là tự phát, chưa đồng bộ. Việc quy hoạch khoa học sẽ quyết định sự thành bại của du lịch canh nông đang ở thời kỳ phôi thai.
Ông Trần Quốc Thành, Giám đốc sở KH&CN Nghệ An, cho hay: chúng ta cần nghiên cứu nghiêm túc, khoa học và khách quan để sớm có định hướng đúng đắn và hiệu quả cho việc phát triển sản phẩm du lịch canh nông tại miền Tây Nghệ An. Khi khảo sát, sẽ quy hoạch chi tiết không gian của các nhà vườn gắn với đặc sản du lịch của mỗi địa phương làm điểm nhấn.
Thanh Nguyễn
Thoibaokinhdoanh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;